Truy lý do thẩm phán bị sửa án không buồn mà lại... vui

(Dân trí) - Nhiều thẩm phán xử án hành chính tại địa bàn sau đó bị sửa án không buồn mà thậm chí còn… vui. Đó là vì họ bất lực trước cơ quan hành chính địa phương, do lệ thuộc nên bất lực. Còn vui vì toà án cấp trên chính sửa bản án đã bị chi phối, sau đó để làm rõ UBND sai...” – đại biểu Quốc hội Nguyễn Mai Bộ lý giải nghịch lý…

Vấn đề này được đại biểu Nguyễn Mai Bộ đề cập trong phiên thảo luận về dự thảo báo cáo giám sát việc chấp hành pháp luật về tố tụng hành chính trong khuôn khổ phiên họp toàn thể ngày 22/8 của UB Tư pháp của Quốc hội.

Theo kết qủa giám sát, tỷ lệ bản án, quyết định hành chính bị huỷ, sửa do nguyên nhân chủ quan còn chưa đạt chỉ tiêu theo yêu cầu của Quốc hội giao là 1,5%. Báo cáo của TAND Tối cao cho biết, tỷ lệ bản án, quyết định bị huỷ, sửa là 8,17%.

Nhận định của đoàn giám sát là việc xét xử loại án này liên quan trực tiếp đến người đứng đầu chính quyền địa phương. Do đó, một số thẩm phán có biểu hiện ngại va chạm trong quá trình giải quyết án, tuyên bản án không đúng pháp luật dẫn đến bản án bị cấp có thẩm quyền huỷ, sửa do có kháng cáo, kháng nghị.

Cơ quan giám sát nhấn mạnh, thực tiễn này cần được cấp uỷ, chính quyền địa phương, lãnh đạo TAND các cấp tiếp tục quan tâm nhằm bảo đảm thực hiện đúng nguyên tắc thẩm phán và hội thẩm nhân dân xét xử độc lập và chỉ tuân theo pháp luật.

Điều hành phiên họp, Chủ nhiệm UB Tư pháp Lê Thị Nga nhiều lần đề nghị các đại biểu trao đổi một vấn đề liên quan đến sự độc lập trong xét xử. Vì sao nhiều năm nay, từ khi có án hành chính thì cũng có một đánh giá "thường trực" là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên ngại va chạm, nể nang trong xét xử, kiểm sát và thi hành án.

“Nguyên nhân việc này là ở đâu, tại sao thẩm phán ngại va chạm, tại sao phải nể nang? Ở đây tính lệ thuộc của hệ thống tư pháp vào cơ quan hành pháp ở chỗ nào? Có người nói, lâu lâu VKS, tòa án phải xin tiền UBND cùng cấp để lo một số hoạt động, không biết có đúng không? Hay sự lệ thuộc nằm ở quyết định, nhận xét của cấp ủy trong quá trình bổ nhiệm lại? Công tác thi hành án có bị lệ thuộc như thế không? Tưởng chừng chỉ ở huyện nể nang nên khó làm, nhưng lên tỉnh cũng nể nang. Vậy bản chất của sự nể nang này thế nào?...” - bà Nga đặt hàng loạt câu hỏi.

VKS, toà án phải “xin” tiền UBND để hoạt động?


Đại biểu Nguyễn Mai Bộ: Nhiều thẩm phán xử án hành chính bị sửa án, nhiều người không buồn mà thậm chí còn vui, vì họ bất lực trước cơ quan hành chính

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ: "Nhiều thẩm phán xử án hành chính bị sửa án, nhiều người không buồn mà thậm chí còn vui, vì họ bất lực trước cơ quan hành chính

Rất hiểu ngành toà án, đại biểu Nguyễn Mai Bộ, uỷ viên Thường trực Uỷ ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội trao đổi, qua tâm sự với các thẩm phán xử án hành chính thì thẩm phán bị sửa án, nhiều người không buồn mà thậm chí còn vui, vì họ bất lực trước cơ quan hành chính.

“Do lệ thuộc nên bất lực. Còn họ vui vì toà án cấp trên chính sửa bản án đã bị chi phối, sau đó để làm rõ UBND sai...” - ông Bộ cắt nghĩa “nghịch lý” thẩm phán bị sửa án không buồn mà lại... vui.

Ông Bộ cũng khẳng định, dù Đảng và nhà nước không có chủ trương can thiệp, nhưng việc cá nhân cán bộ đảng viên lợi dụng chức vụ, làm khó cán bộ tòa án trong quá trình xét xử án hành chính là có. Bởi vậy “nếu không chấn chỉnh thì án hành chính vẫn cứ trì trệ mãi thế này”.

Liên quan đến nghi vấn các cơ quan tư pháp có phụ thuộc vào tiền của UBND tại địa phương, ông Bộ "nói thật là có" và kể, ông đã nhiều lần tham gia bộ phận tổ chức hội nghị tổng kết của TAND Tối cao. Ở những hội nghị đó, ngành tòa án có mời một số chủ tịch tỉnh, nơi đầu tư nhiều cho tòa án tỉnh đó. Và đối chiếu lại thì y như rằng, tỉnh ấy án hành chính ít. Đại biểu khẳng định “điều đó là có thật”.

Ông Bộ cũng tha thiết đề nghị Quốc hội phân bổ ngân sách thế nào để ngành kiểm sát, tòa án không phải đi xin nữa thì mới độc lập được.

Từng công tác địa phương, Phó trưởng ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học thừa nhận ở các địa phương có chuyện các cấp ủy đảng can thiệp sâu, can thiệp trái pháp luật vào hoạt động xét xử của các cơ quan tư pháp.

Theo ông Học thì “Đảng không buông lỏng sự lãnh đạo của Đảng đối với các cơ quan tư pháp nhưng không được can thiệp trái pháp luật vào hoạt động chuyên môn của các cơ quan tư pháp”.

Tuy nhiên, với góc nhìn người trong cuộc, Chánh án TAND tỉnh Đắc Lắk Nguyễn Duy Hữu - uỷ viên UB Tư pháp của Quốc hội khẳng định, cơ quan ông không có nhiều áp lực khi giải quyết án hành chính.

“Ở Đắc Lắk xử án hành chính chẳng có vấn đề gì, chẳng có gì ngại va chạm, anh đúng thì toà bảo đúng, anh sai thì bảo sai. Còn tiền bạc có bao nhiêu dùng bấy nhiêu, chẳng phải xin xỏ cho mệt người” - ông Hữu quả quyết.

P.Thảo