Trao công hàm phản đối Trung Quốc đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập

(Dân trí) - Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Hải Bình cho biết, Việt Nam đã trao công hàm phản đối Trung Quốc trước việc nước này đưa máy bay quân sự ra đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.

Sáng 17/4, một máy bay vận tải quân sự Y-8 mang số hiệu 9271 của Trung Quốc đã ngang nhiên đáp xuống đường băng xây trái phép ở đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam. Đây là lần đầu tiên Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới đường băng mới có chiều dài 3.000m này.

Tại cuộc họp báo thường kỳ chiều nay (21/4), Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình đã lên tiếng phản đối hành động nêu trên của Trung Quốc.

Máy bay quân sự của Trung Quốc hạ cánh phi pháp trên đá Chữ Thập (Ảnh: 81.cn)
Máy bay quân sự của Trung Quốc hạ cánh phi pháp trên đá Chữ Thập (Ảnh: 81.cn)

"Việt Nam đã nhiều lần lên tiếng khẳng định chủ quyền không tranh cãi của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Động thái trên của Trung Quốc là một diễn biến mới làm phức tạp tình hình ở Biển Đông", ông Bình nêu rõ.

Người Phát ngôn cũng nhấn mạnh: "Mọi hoạt động của nước ngoài ở khu vực này mà không được phép của Việt Nam đều là phi pháp. Việt Nam phản đối mạnh mẽ và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay không để tái diễn các hoạt động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam".

Ông Lê Hải Bình cũng cho hay, ngày 20/4/2016, đại diện Bộ Ngoại giao Việt Nam đã gặp đại diện Đại sứ quán Trung Quốc tại Hà Nội để trao công hàm phản đối.

Quân đội Mỹ ngày 18/4 đã lên tiếng phản đối Trung Quốc đưa máy bay quân sự tới đá Chữ Thập mà Trung Quốc bồi đắp phi pháp tại quần đảo Trường Sa của Việt Nam, hối thúc Trung Quốc cần tái khẳng định rằng nước này không có kế hoạch triển khai hoặc luân chuyển các máy bay quân sự tại tiền đồn ở Trường Sa, theo đúng các cam kết trước đó của Bắc Kinh.

Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Trung Quốc bao biện rằng, việc nước này đáp máy bay quân sự xuống đá Chữ Thập là để cấp cứu một công nhân bị xuất huyết đường tiêu hóa cùng với 2 công nhân khác có vấn đề về sức khỏe. Đây là truyền thống trợ giúp mọi người khi cần trong cam kết “hết lòng phục vụ nhân dân” của quân đội Trung Quốc.

Bắc Kinh còn trắng trợn nói rằng, nước này có chủ quyền không tranh cãi đối với quần đảo Trường Sa và lớn tiếng yêu cầu Mỹ không có quyền bình luận về các công trình xây dựng và các cơ sở trên đó.

Trước đó, vào hồi tháng 1 năm nay, Trung Quốc đã thực hiện một loạt các chuyến bay dân sự thử nghiệm tới đá Chữ Thập.

Trung Quốc tuyên bố mở đường bay ra đảo Phú Lâm

Tại buổi họp báo thường kỳ, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng nêu rõ phản ứng của Việt Nam trước việc Phó Chủ tịch Quân ủy Trung Quốc vừa ra thăm đá Chữ Thập và dự kiến sẽ đưa phóng viên ra đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam; đồng thời tuyên bố sẽ mở đường bay dân dụng từ đảo Hải Nam ra đảo Phú Lâm.

"Việt Nam hết sức quan ngại trước những thông tin này. Những hoạt động nêu trên đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam, gây căng thẳng, phức tạp tình hình Biển Đông, ảnh hưởng đến hòa bình, ổn định trong khu vực, trái với tinh thần Tuyên bố chung về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước cũng như Thỏa thuận về những nguyên tắc chỉ đạo giải quyết các vấn đề trên biển Việt Nam – Trung Quốc. Việt Nam phản đối và yêu cầu Trung Quốc chấm dứt, không để tái diễn các hoạt động tương tự", ông Bình nói.

Trước việc Mỹ thông báo sẽ cùng Philippines tuần tra chung thường xuyên trên biển Đông trong tương lai, ông Lê Hải Bình cho rằng: "Duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không ở Biển Đông là lợi ích và trách nhiệm chung của tất cả các nước trong và ngoài khu vực. Vì vậy mọi nỗ lực của các bên vì mục tiêu chung này đều đáng được hoan nghênh".

Nam Hằng