Tổng Bí thư yêu cầu Công an xử lý dứt điểm án tham nhũng nghiêm trọng

(Dân trí) - Nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí; xử lý nghiêm minh cán bộ sai phạm; tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp… Đây là nhiệm vụ trọng tâm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao cho lực lượng Công an.

Ngày 26/12, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng dự và phát biểu chỉ đạo Hội nghị Công an toàn quốc lần thứ 72.

Tổng Bí thư ghi nhận nhiếu kết quả đạt được của lực lượng Công an trong năm 2016. Công an đã chủ động ngăn ngừa, phát hiện, chặn đứng, vô hiệu hóa nhiều âm mưu, hoạt động phá hoại của các thế lực thù địch, phản động, không để chúng thành lập, công khai hoá tổ chức chính trị đối lập trong nước; không để xảy ra khủng bố, bị động, bất ngờ.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cao nhất trong lực lượng Công an (ảnh: TTXVN).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các lãnh đạo cao nhất trong lực lượng Công an (ảnh: TTXVN).

Sau Đại hội XII của Đảng, Đảng uỷ Công an Trung ương nhiệm kỳ 2015 - 2020 do Bộ Chính trị chỉ định và lãnh đạo chủ chốt Bộ Công an sớm được kiện toàn. Bộ máy mới, con người mới với cách làm mới, theo Tổng Bí thư, đã nhanh chóng hoạt động, kịp thời chấn chỉnh những thiếu sót, tồn tại và đạt được kết quả bước đầu tích cực.

Công tác đối ngoại của ngành được ghi nhận với kết quả hợp tác để đối phó với các thách thức an ninh phi truyền thống, nhất là vấn đề an ninh mạng, khủng bố, ma tuý, buôn bán người, tham gia chủ động, tích cực vào các cơ chế, tổ chức, diễn đàn khu vực, đa phương và toàn cầu, đặc biệt là Liên hợp quốc, INTERPOL và ASEAN.

Tổng Bí thư cũng đánh giá cao các lãnh đạo ngành đã chỉ đạo giải quyết kịp thời, dứt điểm các vụ việc phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc việc thực hiện các chủ trương, mệnh lệnh công tác ở cơ sở, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu…

Tổng Bí thư yêu cầu, ngoài những kết quả đã đạt, lực lượng công an cũng cần nhìn thẳng, nói hết những khuyết điểm, tồn tại, làm rõ trách nhiệm, nguyên nhân để xảy ra tình hình mất an ninh, trật tự ở một số địa bàn. Thực tế, tội phạm hình sự còn gia tăng, có nơi, có lúc có dấu hiệu tội phạm "lộng hành"; còn xảy ra nhiều vụ cháy, nổ nghiêm trọng, gây bất an trong nhân dân. Trong khi đó, nhận thức, ý thức và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, chiến sĩ chưa cao, một số ít còn tư tưởng trung bình chủ nghĩa, thiếu rèn luyện phấn đấu vươn lên, thậm chí suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống.

Nói về những thách thức đặt ra trong năm 2017, Tổng Bí thư yêu cầu tiếp tục chăm lo xây dựng Đảng, xây dựng lực lượng Công an nhân dân thật sự trong sạch, vững mạnh theo đúng nghĩa của cụm từ này.

“Công an nhân dân phải là lực lượng tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và Nhân dân, tuyệt đối kiên định mục tiêu, lý tưởng, con đường xã hội chủ nghĩa. Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân phải là những người hết lòng trung thành với Đảng, chỉ biết "còn Đảng, còn mình” – người đứng đầu Đảng nêu cụ thể những việc cần làm như giữ gìn sự đoàn kết trong nội bộ, thực hiện Nghị quyết 04 về tăng cường chỉnh đốn Đảng, chống suy thoái, thực hiện chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh.

Không để hình thành băng nhóm “xã hội đen” lộng hành

Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Tổng Bí thư phát biểu chỉ đạo hội nghị.

Tổng Bí thư nhấn mạnh, mỗi cán bộ chiến sĩ công an phải không ngừng lèn luyện theo 6 điều Bác Hồ dạy, nâng cao năng lực, bảo vệ uy tín, hình ảnh của ngành. Trong khi tiến hành công tác, tiếp xúc với kẻ địch, với những phần tử phức tạp, phải luôn luôn giữ mình trong sạch, vững vàng, không bị sa ngã trước sự mua chuộc, quyến rũ của các phần tử xấu, “lợi ích nhóm”; bất cứ trong hoàn cảnh nào cũng không được lạm dụng quyền hành mà xâm phạm đến quyền dân chủ của nhân dân, gây thiệt hại đến lợi ích chung hoặc lợi ích chính đáng của người dân.

Tổng Bí thư nhắc lại nguyên tắc, kiên quyết xử lý nghiêm cán bộ, chiến sĩ vi phạm pháp luật, kỷ luật của ngành; chống các biểu hiện cơ hội, thực dụng, chủ nghĩa cá nhân, nhũng nhiễu, xa rời, vô cảm trước nhân dân.

Nhiệm vụ trung tâm đặt ra với lực lượng là tiếp tục phát huy vai trò tham mưu, huy động sức mạnh của cả hệ thống để đẩy mạnh phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc; sẵn sàng ứng phó hiệu quả với các mối đe dọa an ninh phi truyền thống, từng bước đẩy lùi, làm giảm các loại tội phạm và vi phạm pháp luật; bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ…

Theo đó, Công an nhân dân phải là lực lượng nòng cốt, phối hợp với các ban, bộ, ngành, đoàn thể giữ vững an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội trong mọi tình huống, không để bị động, bất ngờ. Chủ động phát hiện, ngăn chặn và đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động, không để xảy ra khủng bố, phá hoại; giải quyết kịp thời những vấn đề nảy sinh; bảo vệ tuyệt đối an toàn các mục tiêu trọng yếu và các sự kiện quan trọng của đất nước.

Tổng Bí thư cũng nhắc nhở lực lượng công an cần tập trung tấn công, trấn áp tội phạm; triệt phá các băng, nhóm tội phạm nguy hiểm, xuyên quốc gia, truy bắt đối tượng bị truy nã; triệt xoá các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội; không để hình thành các băng nhóm, tổ chức tội phạm hoạt động "lộng hành", hoạt động theo kiểu "xã hội đen", tội phạm núp bóng doanh nghiệp. Phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với các loại tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm môi trường, tội phạm ma tuý.

Bảo vệ Đảng là nhiệm vụ tiếp theo mà người lãnh đạo cao nhất lưu ý ngành phải làm tốt, gắn với việc thực hiện Nghị quyết TƯ 4 về xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Theo đó, Tổng Bí thư chỉ đạo: “Cần phát huy vai trò của cơ quan điều tra để nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, xử lý nghiêm minh đối với những cán bộ sai phạm; trước mắt tập trung xử lý dứt điểm các vụ tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội và nhân dân quan tâm”.

Thực hiện tốt công tác dân vận, xây dựng chiến lược kinh tế với quốc phòng an ninh, chấn chỉnh hoạt động của các DN công an… là những nhiệm vụ sau chốt Tổng Bí thư trao đổi.

P.Thảo