Tổng Bí thư: Xây dựng cơ chế kiểm soát quyền lực để chặn suy thoái cán bộ

(Dân trí) - Dự và phát biểu chỉ đạo tại lễ kỷ niệm 20 năm Ngày thành lập Hội đồng Lý luận Trung ương và đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất hôm nay, 22/10, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giao nhiệm vụ cho Hội đồng xây dựng cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực, chống quan liêu, tham nhũng để thực hiện công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng…

Nhấn mạnh vai trò của lý luận và công tác lý luận trong đời sống xã hội, Tổng Bí thư chỉ rõ, chức năng của các cơ quan nghiên cứu lý luận là cung cấp các luận cứ khoa học về lý luận chính trị, góp phần tư vấn giúp Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư hoạch định, phát triển đường lối, chính sách của Đảng. Đó là công việc rất vẻ vang song cũng rất nặng nề.

Điểm lại những dấu ấn trong 20 năm qua của Hội đồng Lý luận Trung ương, Tổng Bí thư khẳng định, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đánh giá cao những kết quả hoạt động của Hội đồng, những đóng góp của các thành viên Hội đồng qua các nhiệm kỳ. Kết quả và những đóng góp đó cũng là kết quả chung, đóng góp chung của giới lý luận, của các cơ quan khoa học, của đội ngũ trí thức trong cả nước.

Trân trọng ghi nhận những đóng góp, cống hiến đó, hôm nay Đảng, Nhà nước trao tặng Hội đồng Lý luận Trung ương Huân chương Độc lập hạng nhất.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ (ảnh: VOV).
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại buổi lễ (ảnh: VOV).

Nói về công cuộc đổi mới đã thực hiện 30 năm qua, Tổng Bí thư khái quát, đó là một giai đoạn lịch sử quan trọng trong sự nghiệp phát triển của đất nước, khẳng định đường lối đổi mới của Đảng là đúng đắn, sáng tạo. Đội ngũ cán bộ lý luận, trí thức khoa học, các cơ quan tham mưu, tư vấn về đường lối, chính sách phục vụ yêu cầu lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước, đã có những đóng góp xứng đáng, góp phần làm nên những thành tựu của 30 năm đổi mới.

Tuy nhiên, con đường đổi mới và phát triển cũng còn không ít những vấn đề lớn, phức tạp, cần phải tập trung giải quyết, khắc phục. Tổng Bí thư chỉ rõ, công tác tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận còn bất cập, chưa làm rõ được một số vấn đề đặt ra trong quá trình đổi mới để định hướng trong thực tiễn, cung cấp cơ sở khoa học cho việc hoạch định đường lối. Lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội còn một số vấn đề cần phải qua tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận để tiếp tục làm rõ.

Đội ngũ cán bộ lý luận đông mà chưa mạnh, còn thiếu nhiều chuyên gia giỏi, đầu ngành thuộc các lĩnh vực. Các công trình nghiên cứu đã công bố là không ít nhưng còn thiếu những công trình lớn, tầm cỡ, có giá trị tư tưởng và khoa học cao, có ảnh hưởng mạnh mẽ tới nhận thức chung của xã hội, đóng góp thực sự vào thúc đẩy đổi mới tư duy lý luận và cung cấp những cơ sở khoa học có sức thuyết phục vào quá trình hoạch định đường lối, chính sách. Theo Tổng Bí thư, do hạn chế này mà nhiều vấn đề vừa cơ bản vừa cấp bách của thực tiễn phát triển nước ta vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng về mặt lý luận.

Lực lượng lý luận cũng chưa thể hiện rõ sự sắc sảo về khoa học, tính chiến đấu và sức thuyết phục chưa cao khi đấu tranh với những quan điểm sai trái, thù địch. Năng lực dự báo còn thấp, còn bất cập so với yêu cầu, nhất là trước những diễn biến phức tạp của tình hình quốc tế, khu vực.

Tổng Bí thư nêu ra yêu cầu đổi mới về tư duy lý luận, tư duy phát triển, nâng cao năng lực sáng tạo để phát triển nhưng người đứng đầu Đảng cũng nhắc, đổi mới phải có nguyên tắc, đúng định hướng vì nếu không, đổi mới mà xa rời nguyên tắc, chệch choạc về định hướng thì sẽ dẫn đến đổ vỡ, thất bại.

Lãnh đạo cao nhất của Đảng đề nghị Hội đồng lý luận TƯ tiếp tục đổi mới với tinh thần kiên định và sáng tạo, xử lý có hiệu quả mối quan hệ giữa nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn, coi trọng nghiên cứu cơ bản nhưng thiết thực; coi trọng nghiên cứu ứng dụng nhưng phải có tầm lý luận, phải có bước tiến thực sự về nghiên cứu dự báo để dự báo những vấn đề lớn về tình hình mọi mặt của đất nước.

“Nghiên cứu lý luận là công việc khó khăn, vất vả nhưng tràn đầy niềm vui sáng tạo. Lý luận không phải là khô khan như có người tưởng, trái lại, rất sống động và thú vị, bởi nó phản ánh quy luật vận động muôn màu muôn vẻ của cuộc sống, bởi đó là sự khám phá chân trời trí tuệ không giới hạn, nó là kim chỉ nam cho hành động của chúng ta” – Tổng Bí thư nhắc nhở những người trực tiếp làm công tác lý luận phải say mê nghiên cứu, học tập, học tập không ngừng để hoàn thành nhiệm vụ.

Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Độc Lập hạng Nhất cho Hội đồng Lý luận Trung ương.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Trần Đại Quang trao Huân chương Độc Lập hạng Nhất cho Hội đồng Lý luận Trung ương.

Thời kỳ mới đòi hỏi phải phát triển đất nước toàn diện, đồng bộ hơn về chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; xây dựng văn hoá, con người làm nền tảng tinh thần; tăng cường quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên”. Tổng Bí thư lưu ý 5 hướng cụ thể đội ngũ làm công tác lý luận cần đi sâu nghiên cứu.

Một là, nghiên cứu những giá trị nền tảng và bền vững của di sản kinh điển Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh.

Hai là, nghiên cứu về thời đại hiện nay, về thế giới đương đại; nghiên cứu, dự báo về các xu hướng lớn, những thay đổi chiến lược và chính sách của các nước lớn, phân tích những tác động, ảnh hưởng thuận và không thuận đối với sự phát triển của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài. Trên cơ sở đó, tư vấn cho lãnh đạo cấp cao về đường lối, chủ trương, chính sách và đối sách.

Ba là, nghiên cứu những vấn đề lý luận về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, về phát triển kinh tế tri thức trong quá trình đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá, về xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng; về gắn kinh tế với quốc phòng và an ninh, phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường…

Bốn là, nghiên cứu về xây dựng và chỉnh đốn Đảng, đặc biệt là làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn của đổi mới nội dung, phương thức lãnh đạo, phương thức cầm quyền của Đảng; về sắp xếp tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, xây dựng cơ chế giám sát, kiểm tra, kiểm soát quyền lực, thực hành dân chủ, đẩy mạnh chống quan liêu, tham nhũng, lãng phí, góp phần thực hiện có kết quả Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI và khoá XII để ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" trong nội bộ.

Năm là, nghiên cứu về các động lực của đổi mới và phát triển, các mối quan hệ lớn phản ánh quy luật của đổi mới và phát triển của đất nước.

Tổng Bí thư nhấn mạnh một lần nữa: “Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của Việt Nam dù còn nhiều khó khăn, gian khổ, nhưng là con đường đúng đắn, sáng tạo. Lẽ phải thuộc về chúng ta. Cần chú trọng đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, lý luận; đấu tranh không khoan nhượng bằng những luận cứ khoa học sắc bén, giàu sức thuyết phục, bằng sức mạnh của niềm tin không thể lay chuyển vào chân lý, làm thất bại mọi mưu toan, hành động xuyên tạc, kích động, chống phá Đảng, chế độ và sự nghiệp đổi mới của đất nước”.

P.Thảo