Thủ tướng: Xem xét công nhận 5 thanh niên xung phong là liệt sĩ

(Dân trí) - Trong số nửa triệu nam, nữ thanh niên xung phong làm nhiệm vụ ở các chiến trường, các địa bàn trọng điểm trên cả nước thời chống Mỹ, hàng chục nghìn người đã hi sinh. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa yêu cầu sớm thẩm định, công nhận 5 thanh niên ngã xuống khi tham gia làm đường sắt Chi Lăng – Lạng Sơn là liệt sĩ.

Ngày 22/8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với Ban lãnh đạo Hội Cựu thanh niên xung phong Việt Nam, cho ý kiến chỉ đạo giải quyết một số vấn đề về chế độ, chính sách đối với lực lượng thanh niên xung phong (TNXP).

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định, Đảng, Nhà nước, nhân dân luôn ghi nhận công lao to lớn của lực lượng TNXP đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất Tổ quốc và đã ban hành nhiều chế độ, chính sách đối với TNXP.

Thủ tướng làm việc với ban lãnh đạo Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.
Thủ tướng làm việc với ban lãnh đạo Hội Cựu Thanh niên xung phong Việt Nam.

Bên cạnh đó, nhiều hoạt động tốt đẹp, ý nghĩa về truyền thống lực lượng TNXP đã được tổ chức. “Gần đây nhất là sự kiện ở Truông Bồn (Chương trình nghệ thuật đặt biệt kỷ niệm 48 năm chiến thắng Truông Bồn) mà tôi cùng một số đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng đã tham dự. Khu di tích Truông Bồn cũng do xã hội hóa với kinh phí cả trăm tỉ đồng. Điều đó nói lên tình cảm của Đảng, Nhà nước và đồng bào cả nước đối với lực lượng TNXP”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thời gian qua, Chính phủ có một số chính sách đối với lực lượng TNXP như trong tháng 7 vừa qua, đã ban hành Quyết định 29/2016/QĐ-TTg nâng mức trợ cấp hàng tháng đối với TNXP hay đồng ý chủ trương xây dựng văn bản giải quyết chế độ đối với TNXP cơ sở ở miền Nam tham gia kháng chiến giai đoạn 1965-1975…

Hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến của một số bộ, ngành liên quan để sửa đổi, bổ sung Nghị định 31/2013/NĐ-CP quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Thủ tướng cũng nhìn nhận, với đặc thù lịch sử và có nhiều đối tượng khác nhau, đến nay, chúng ta chưa thể bao phủ, giải quyết được triệt để chế độ, chính sách cho TNXP. Mặt khác, các chính sách cần bảo đảm chặt chẽ, công bằng, đúng đối tượng, tránh bị lạm dụng.

Về giải quyết việc tồn đọng chính sách đối với TNXP, Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH vận dụng cụ thể, xử lý kịp thời chế độ chính sách cho TNXP trên tinh thần công khai, minh bạch, có mời đại diện Hội Cựu TNXP tham gia xét duyệt hồ sơ. Phấn đấu trong năm 2017, giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng chính sách đối với TNXP.

Theo báo cáo của lãnh đạo Bộ LĐTB&XH tại cuộc làm việc, Bộ sẽ tiến hành thực hiện thí điểm việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng do không còn giấy tờ theo quy định tại 5 tỉnh với phương châm công khai, minh bạch và thận trọng. Từ kết quả thí điểm, sẽ nhân rộng trên cả nước.

Về kiến nghị công nhận liệt sĩ đối với 5 trường hợp TNXP khu 5 tập kết ra Bắc tham gia xây dựng tuyến đường sắt Chi Lăng - Đồng Đăng - Lạng Sơn, Thủ tướng giao Bộ LĐTB&XH trực tiếp thẩm định, sớm trình Thủ tướng Chính phủ xem xét công nhận 5 trường hợp này.

Thủ tướng yêu cầu trong năm 2017 giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng chính sách đối với thanh niên xung phong.
Thủ tướng yêu cầu trong năm 2017 giải quyết dứt điểm tình trạng tồn đọng chính sách đối với thanh niên xung phong.

Chủ tịch Hội Cựu TNXP Việt Nam Nguyễn Anh Liên cho biết nhiều trường hợp vẫn chưa được hưởng chế độ chính sách. Thống kê của Hội, có 861 đồng chí chưa được công nhận liệt sĩ; 8.713 đồng chí chưa được công nhận thương binh; 11.108 đồng chí và 1.636 con đẻ bị nhiễm chất độc chiến tranh chưa được xem xét giải quyết chế độ. “Và còn nhiều trường hợp khác như rất nhiều đồng chí trước lúc qua đời còn trăn trối mong đợi Đảng, Nhà nước quan tâm”, ông Nguyễn Anh Liên bày tỏ.

Một trong những trường hợp mà ông Nguyễn Anh Liên cảm thấy day dứt nhất là 5 chiến sĩ TNXP khu 5 tập kết ra Bắc hi sinh trong khi làm nhiệm vụ xây dựng tuyến đường sắt Chi Lăng - Đồng Đăng - Lạng Sơn thời kỳ 1954-1956, đến nay chưa được công nhận liệt sĩ. Trong khi, những nhân chứng lịch sử xác nhận 5 trường hợp trên chỉ còn vài ba người mà tuổi đã cao, trong đó có chính ông Nguyễn Anh Liên là một nhân chứng lịch sử trực tiếp.

Qua các thời kỳ, cả nước có 500.000 nam, nữ TNXP làm nhiệm vụ ở các chiến trường, các địa bàn trọng điểm trên cả nước, trong đó, 10.496 người hi sinh, 45.998 người bị thương, 13.417 người bị nhiễm chất độc da cam và 4.636 con đẻ của họ bị hậu nhiễm, 5.600 nữ TNXP sau khi kết thúc chiến tranh do bệnh tật không xây dựng được gia đình, sống cô đơn, không nơi nương tựa.

P.T