Thủ tướng: Thăm đền Ise Shima để cùng cảm nhận “nhịp đập trái tim” với người Nhật

(Dân trí) - Phát biểu tại Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc đến lễ hội hoa anh đào tổ chức thường niên tại Việt Nam, nhắc tới dự định tới thăm ngôi đền linh thiêng nhất tại Nhật để hiểu thêm, để “cùng chung nhịp đập trái tim” với người Nhật.

Tham dự Đối thoại chính sách kinh tế cao cấp Việt Nam - Nhật Bản hoạt động đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong chương trình thăm Nhật Bản và dự Hội nghị G7.

Thủ tướng mở đầu bài phát biểu với nhận định, Việt Nam và Nhật Bản chia sẻ nhiều điểm tương đồng. Người dân cả hai nước Việt – Nhật hàng ngày ăn cơm bằng bát nhỏ và dùng đũa, trong lao động luôn coi trọng sự cần cù, hợp tác giúp đỡ, cởi mở, hiếu khách trong giao tiếp. Mùa xuân, Việt Nam có hoa đào và giữa tháng 4/2016, Lễ hội hoa anh đào Nhật Bản tổ chức tại hơn 10 tỉnh của Việt Nam được người dân vui mừng chào đón.

Dẫn lại phát ngôn của cựu Thủ tướng Nhật Yukio Hatoyama “tình bằng hữu Việt-Nhật được xây đắp từ những tương đồng “cùng chung nhịp đập trái tim”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ dự định: “Ngày mai tôi sẽ dậy thật sớm đi thăm Đền Ise Shima để có cơ hội tìm hiểu rõ hơn các giá trị Nhật Bản và “cùng chung nhịp đập trái tim” với các bạn”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chươn trình Đối thoại chính sách Việt Nam-Nhật Bản.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại chươn trình Đối thoại chính sách Việt Nam-Nhật Bản.

Thủ tướng nhận định, quan hệ Việt Nam - Nhật Bản “Đối tác chiến lược sâu rộng vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á” đang trải qua giai đoạn phát triển tốt đẹp nhất trên tất cả các lĩnh vực kể từ khi hai nước thiết lập quan hệ ngoại giao.

Nhật Bản là nhà tài trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam (tính đến nay là khoảng 27 tỷ USD), góp phần tích cực phát triển kết cấu hạ tầng của Việt Nam. Gần đây nhất, công trình cầu Nhật Tân hoàn thành, được xem là nhịp cầu kết nối bền vững tình hữu nghị Việt - Nhật. Về đầu tư, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 2 của Việt Nam với hơn 3 nghìn dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 39 tỷ USD. Về thương mại, Nhật Bản là đối tác lớn thứ 4 của Việt Nam với cán cân thương mại cân bằng, các sản phẩm có tính bổ trợ nhau.

Hàng loạt con số biết nói khác cũng được Thủ tướng viện dẫn như, năm 2015 có trên 855.000 lượt người hai nước đi thăm lẫn nhau, trong đó có 670.000 lượt người Nhật Bản sang Việt Nam kinh doanh, du lịch và khoảng 185.000 lượt người Việt Nam đi thăm, làm việc tại Nhật Bản. Hiện Việt Nam cũng đang có trên 15.000 du học sinh sang học tập, nghiên cứu tại Nhật Bản.

Nói về điều kiện trong nước, Thủ tướng khẳng định, Việt Nam hiện là 1 trong 6 nền kinh tế mới nổi tăng trưởng cao nhất năm 2015 (6,7%). Với dân số 92 triệu người và GDP bình quân đầu người đạt hơn 2,100 USD, quy mô và sức mua của thị trường Việt Nam tăng trưởng nhanh, ổn định của châu Á.

Việt Nam là nền kinh tế mở với quy mô thương mại lớn hơn Indonesia, Phillippines và đang tiệm cận mức của Malaysia, Thái Lan. Việt Nam cũng là mảnh đất nhiều doanh nghiệp Nhật Bản đang đứng chân với những tên tuổi lớn như Toyota, Misubishi, Honda, Sony…

Việt Nam đang chủ động đẩy mạnh hội nhập quốc tế với trọng tâm là hội nhập kinh tế. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhắc tới việc Việt Nam tham gia Cộng đồng ASEAN, tới 13 Hiệp định Thương mại tự do (FTA) đã ký, Hiệp định TPP cùng ký với Nhật Bản và 10 quốc gia khác quanh bờ Thái Bình Dương...

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng xác định, đó mới chỉ là những kết quả bước đầu, hiện tại, môi trường đầu tư, kinh doanh trong nước vẫn còn nhiều hạn chế, khó khăn nhưng quan trọng là quyết tâm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, phục vụ người dân, doanh nghiệp.

Thủ tướng điểm lại mục tiêu tái cơ cấu kinh tế trong 3 năm tới với việc hoàn thành cổ phần hóa nhiều DNNN, huy động nhà đầu tư ngoại; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch để đạt chỉ tiêu về môi trường kinh doanh thuận lợi trong nhóm ASEAN 4; phát triển, hút vốn để đồng bộ hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông, năng lượng, đô thị; phát triển nguồn nhân lực, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc gợi ý DN Nhật Bản đầu tư vào các dự án thuộc 6 nhóm lĩnh vực phát triển công nghiệp hóa đã thỏa thuận với Nhật như phát triển hạ tầng, cổ phần hóa DNNN, hỗ trợ DN vừa và nhỏ.

Theo Thủ tướng, khi triển khai TPP, 2 nước Việt – Nhật hoàn toàn có khả năng nâng kim ngạch thương mại giữa hai nước lên 60 tỷ USD vào năm 2020 nếu Nhật mở cửa thị trường cho trái cây Việt (như xoài, vải, thanh long...), thủy sản, hàng điện tử... cũng như Việt Nam sẵn sàng đón nhận các mặt hàng công nghệ cao Made in Japan.

Về du lịch, Thủ tướng Việt Nam kỳ vọng nâng số lượng khách qua lại giữa hai nước tăng gấp đôi hiện nay, lên khoảng 1,5 triệu lượt người với việc sớm mở thêm các đường bay thẳng và Nhật Bản đơn giản hóa thủ tục visa cho du khách Việt.

Khẳng định một lần nữa phương châm coi thành công của các nhà đầu tư nước ngoài cũng chính là thành công của mình, Thủ tướng cam kết, Chính phủ Việt Nam sẽ tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi, bình đẳng cho nhà đầu tư nước ngoài và chào đón DN Nhật đến Việt Nam.

P.Thảo