Thủ tướng “ra đề bài” cho ngành công nghiệp xi măng

(Dân trí) - Sáng 3/4/2018, Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng dẫn đầu đoàn kiểm tra tình hình thực hiện các nhiệm vụ do Chính phủ, Thủ tướng giao tại Tổng công ty công nghiệp Xi măng Việt Nam…

Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thực hiện cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của TCty công nghiệp xi măng
Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng thực hiện cuộc kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của TCty công nghiệp xi măng

DNNN cần 1.500 lao động, tư nhân chỉ cần 1.000 người

Báo cáo của TCty công nghiệp xi măng (Vicem) nêu khái quát, năm 2017, bên cạnh những thuận lợi, doanh nghiệp cũng phải đối mặt những khó khăn, thách thức như tình trạng cung vượt cầu (khoảng 25-30%), những tác động lớn của thiên tai, mưa bão, lũ lụt ở khu vực Tây Bắc, miền Trung; tỷ giá đồng euro biến động lớn; chi phí năng lượng tăng, than tăng 200.000 đồng/tấn, giá điện tăng…

Lãnh đạo Vicem cũng than giá xi măng của Việt Nam đang thấp hơn so với khu vực và cũng ở mức thấp nhất của thế giới, nghĩa là lợi nhuận trên mỗi tấn xi măng rất thấp.

Dù vậy, Vicem đã sản xuất được 19,3 triệu tấn xi măng, tiêu thụ 26,6 triệu tấn. Doanh thu đạt 34.100 tỷ đồng, dù chỉ bằng 94,7% năm 2016 nhưng lợi nhuận trước thuế tăng 7,1%, đạt 2.850 tỷ đồng.

Tổ trưởng Tổ công tác truyền đạt thông điệp của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tới buổi làm việc. Thủ tướng ghi nhận những kết quả đạt được thể hiện qua việc thực hiện các chỉ tiêu về sản xuất, kinh doanh năm 2017, đồng thời yêu cầu Tổng công ty lưu ý, giải trình, làm rõ thêm về một số vấn đề.

Trước hết, Thủ tướng rất quan tâm tới tỷ trọng đóng góp của ngành xi măng, trong đó trụ cột là Tổng công ty, với tăng trưởng của đất nước. Tốc độ tăng trưởng ngành xây dựng năm 2017 đạt 8,7%, nhưng tăng trưởng của ngành xi măng chỉ đạt khoảng 2%, đóng góp cho tăng trưởng còn ở mức độ khiêm tốn.

Vấn đề khác là tổ chức bộ máy, công tác quản trị, sắp xếp lao động, hướng tới hiệu quả và tiết kiệm nhân công, nguồn lực, tinh giản nhân lực của Vicem. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng dẫn con số so sánh, hiện nay bình quân một lao động tại Vicem sản xuất mỗi ngày 7,5 tấn xi măng, một năm là 2.430 tấn. Như vậy, một doanh nghiệp của Vicem sản xuất 3,6 triệu tấn xi măng mỗi năm thì cần tới gần 1.500 người, trong khi một doanh nghiệp liên doanh mỗi người sản xuất được 11 tấn, tức là tiết kiệm được 433 người.

Thủ tướng cũng lưu ý về công tác quản trị của doanh nghiệp, làm sao phải có chiến lược phát triển lâu dài, tiết kiệm nguyên liệu, tài nguyên cho đất nước, sử dụng hết các sản phẩm phụ.

“Núi đá vôi cũng có hạn, nếu không bảo đảm được nguyên liệu cho sản xuất lâu dài thì rất tiếc. Làm sao có giải pháp báo cáo Thủ tướng về vấn đề này, vấn đề này không chỉ đặt ra với Tổng công ty mà với cả ngành xi măng” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.

Vật lộn trên ghế nóng!

Viện trưởng Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương Nguyễn Đình Cung băn khoăn: “Báo cáo nêu đánh giá khái quát là Vicem đã thành công trong năm 2017 nhưng thành công đó là so với gì, so với ai? Báo cáo rất ít số liệu để đối chiếu, đánh giá. Việc phân tích các chỉ số tài chính cũng yếu, chưa thể cho phép đánh giá về sức khoẻ doanh nghiệp”.

Nói về một con số rõ ràng thể hiện trong báo cáo là về sản lượng xi măng thì ông Cung lo ngại, tăng lượng đôi khi sẽ làm đất nước mất tài nguyên chứ không được lợi gì. Khi sản xuất tới mức cung vượt cầu thì đó chính là việc tăng sản lượng đáng băn khoăn.

“Rồi nếu nói giá xi măng của ta rẻ hơn các nước thì cũng phải xem lại. Nếu xuất khẩu xi măng sang các nước mà giá chỉ bằng 1/2 so với Thái Lan hay Indonesia chẳng hạn thì rõ ràng là chúng ta đang bán rẻ tài nguyên” – ông Cung đặt vấn đề.

2 chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Trần Đình Thiên là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng tham dự cuộc kiểm tra tại Vicem
2 chuyên gia kinh tế Nguyễn Đình Cung, Trần Đình Thiên là thành viên Tổ tư vấn của Thủ tướng tham dự cuộc kiểm tra tại Vicem

Đồng ý cách tiếp cận này, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam Trần Đình Thiên nêu nguyên lý phát triển kinh tế phải chấp nhận sự đánh đổi, Ông Thiên nhấn mạnh, với những ngành khai thác tài nguyên như xi măng, sự đánh đổi càng lớn.

“Với tất cả những thách thức chỉ ra, từ vấn đề cạn kiệt tài nguyên, ảnh hưởng môi trường, năng suất lao động… thì Vicem phải xác định là vật lộn trên ghế nóng. Vậy thì cần phải xem xét về sự khôn ngoan khi ngay chuyện cung – cầu xi măng đã có vấn đề. Tôi đi khắp thế giới thấy xu hướng chung là đóng cửa nhà máy xi măng trong khi ở Việt Nam lại phát triển tưng bừng. Việc này đương nhiên phấn khởi với Vicem nhưng với cả đất nước thì có nên phấn khởi không?” – ông Thiên đặt câu hỏi.

Nói tiếp chuyện giá bán xi măng, ông Thiên chia sẻ băn khoăn, nếu giá bán chỉ bằng ½ các nước, nghĩa là rất thấp, thì sao Việt Nam vẫn buộc phải bán? Vấn đề, theo Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế, không chỉ dừng ở mức độ là bài toán của Vicem mà chính là nghịch lý chung với cả ngành xi măng.

Ông Thiên nhận xét: “Tôi chưa thấy một chiến lược khôn ngoan ở đây. Giá clinker rẻ như vậy mà sao Việt Nam xuất khẩu tới 12-13 triệu tấn/năm trong khi xuất xi măng chỉ 1,5 triệu tấn. Như thế nghĩa là ta đang bán tài nguyên thô chứ được gì?”.

Ông chia sẻ, quê ông ở Hoàng Mai (Thanh Hoá), chính là mỏ nguyên liệu của nhà máy xi măng Bút Sơn. Mỗi năm về thăm nhà, ông lại thấy biến mất một quả núi, không còn rừng, không còn cây, không còn bóng dáng khỉ, vượn… như trước nữa. Theo ông Thiên, tổn hại với môi trường, nhìn từ khía cạnh này mới là lớn nhất chứ không hẳn chỉ là việc xử lý khói bụi, tro xỉ xi măng…

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Bùi Phạm Khánh trấn an, theo quy hoạch, các dây chuyển sản xuất xi măng sẽ được giữ ổn định, không tăng thêm, trừ khả năng mở rộng nhà máy xi măng Hoàng Mai, tức là đến năm 2025, dự kiến sẽ giữ nguyên số lượng 82-85 dây chuyền. Những dây chuyền có công suất dưới 1 triệu tấn xi măng/năm cũng sẽ dần chuyển đổi, không giữ lại.

Ngoài ra, Thứ trưởng Khánh cũng giải thích, giá thành xi măng của Vicem so với các nhà sản xuất trong nước tương đối hấp dẫn chứ không phải là giá bán xi măng thấp. Thực tế, giá bán xi măng của Việt Nam tương đương mặt bằng các nước trong khu vực.

Giải thích thêm, Chủ tịch HĐQT Vicem Lương Quang Khải nhấn mạnh, Vicem tự so sánh với các tập đoàn xi măng lớn trên thế giới như Holcim. Vicem không tăng sản lượng một cách tràn lan mà là tăng giá trị và hiệu quả. Ông Khải phân tích, một dây chuyền clinker khi đã khai lò là không thể dừng. Vậy nên các nhà máy đã đưa thêm phụ gia như tro xỉ vào quá trình sản xuất, từ đó giảm được tỷ lệ sử dụng nguyên liệu thô mà sản lượng sản phẩm ra lò vẫn tăng.

Như vậy, công nghệ đưa vào giúp làm tăng giá trị khoảng 20% mà giá thành sản phẩm lại giảm đi được phân nửa. Nhờ đó, con đường của Vicem 4 năm qua là sản lượng không tăng nhiều, doanh thu thậm chí cũng không tăng nhưng lợi nhuận, hiệu quả tăng gấp đôi.

P.Thảo