Thủ tướng: “Nơi nào vì chống tham nhũng mà trì trệ, tôi biết đấy”

(Dân trí) - “Các Bộ trưởng phải chú ý, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng không có nghĩa là kìm hãm sự phát triển, không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hoạt động. Ở đâu có tình trạng trì trệ là tôi biết đấy, đó là nơi có những vụ án xảy ra, như TPHCM, các Sở… im lìm hết cả” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ rõ.

Mỗi Chủ tịch tỉnh đã làm hết trách nhiệm?

Thủ tướng: “Nơi nào vì chống tham nhũng mà trì trệ, tôi biết đấy” - Ảnh 1.

Thủ tướng: "Mỗi cán bộ, cơ quan tự sờ gáy mình xem có sự chậm trễ, chưa làm hết trách nhiệm không?".

Phát biểu kết luận hội nghị Chính phủ với các địa phương cuối buổi chiều 28/12/2018, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định hội nghị sôi nổi, có nhiều ý nghĩa trong công tác chỉ đạo, điều hành đất nước. Thủ tướng đề cập, phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư đã nêu 8 điểm thành công vượt bậc của năm 2018 cũng như nguyên nhân của những kết quả đó, trước hết là từ sự đoàn kết trong toàn đảng, toàn quân, toàn dân.

Theo ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư, Thủ tướng quả quyết, ngay sau hội nghị này, chậm nhất trong ngày 1/1/2019 Chính phủ sẽ ký 2 nghị quyết quan trọng này để các địa phương sớm vào việc từ ngay những ngày đầu, tuần đầu, tháng đầu của năm.

Cho biết vừa ký chỉ thị về chăm lo Tết nguyên đán Kỷ Hợi, Thủ tướng yêu cầu cấp dưới không phải lo cho cán bộ cấp trên, không phải lo biếu xén cấp trên mà hãy lo cho nhân dân, cho người lao động.

“Khát vọng, mục tiêu  chung là đưa đất nước tiến lên. Hệ thống cơ quan hành pháp phải phục vụ mục tiêu, khát vọng đó. Tinh thần đó phải được thổi vào các tầng lớp dân cư, vào các doanh nghiệp Việt”- Thủ tướng nhấn mạnh, nhiều giải pháp đã được nêu ra, theo đó, các cấp, ngành, địa phương cần truyền tải tinh thần tích cực đến các cơ quan hành chính nhà nước, đến người dân, tiếp cận với tinh thần lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm.

Thủ tướng nhận định, mỗi cơ quan, cán bộ cần gần sát dân hơn, gắn bó với dân hơn, phục vụ người dân hữu hiệu hơn giúp giảm thiểu những trục trặc trong quá trình vận hành.

Thủ tướng yêu cầu mỗi Chủ tịch tỉnh nêu trách nhiệm với nhân dân, đất nước. Lãnh đạo Chính phủ đặt vấn đề, tại sao nói nhà nước do dân, vì dân mà lại để dân khiếu nại nặng nề ở nhiều nơi như hiện nay. Như vậy là đã làm hết trách nhiệm chưa?

Một bộ phận có tư tưởng “không hành động”

 

 

Thủ tướng: “Nơi nào vì chống tham nhũng mà trì trệ, tôi biết đấy” - Ảnh 3.

Hội nghị Chính phủ với các địa phương diễn ra trong trọn ngày 28/12

Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương sự cố gắng lớn lao của các bộ, ngành địa phương, doanh nghiệp với sự phát triển. Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng không thể thấy thành tích không mà không thấy tồn tại, khuyết điểm.

Sức chống chịu của nền kinh tế chưa tốt, khiến nhiều người lo ngại khi tình hình bên ngoài phức tạp. Mô hình tăng trưởng với nhiều ngành, nhiều địa phương thay đổi chậm đang đặt ra nhiều thách thức. Các nguồn lực chưa được giải phóng cho phát triển, nhất là ở những tập đoàn, hợp tác xã có quy mô. Thực tế, hoạt động sản xuất kinh doanh còn rất nhiều khó khăn, vất vả.

“Có bao nhiêu doanh nghiệp của ta tham gia được vào chuỗi giá trị toàn cầu? Có bao nhiêu người dân vẫn đang sản xuất theo mô hình tự sản tự tiêu? Rồi còn nhiều vấn đề tồn tại bức xúc trong xã hội… “ – Thủ tướng dẫn chứng.

Người đứng đầu Chính phủ nói về bệnh quan liêu, xa dân, đặc quyền đặc lợi, tiêu cực tham nhũng… Ngành y tế, văn hoá có nhiều thành công nhưng trong bệnh viện, trường học, trong việc xin việc, xin học có còn nhũng nhiễu, tham nhũng vặt không, Thủ tướng nhấn mạnh, đó là câu hỏi nhức nhối.

Lãnh đạo Chính phủ cũng day dứt vì có nhiều bộ phận người dân, nhất là ở vùng sâu vùng xa vẫn hết sức khó khăn, nhiều gia đình thực sự không có nổi thứ gì giá trị đến 500.000 đồng trong nhà. Rồi lạo lực học đường, xã hội đen, tín dụng đen vẫn là vấn đề đáng ngại.

“Nói như vậy để mỗi cán bộ, cơ quan tự sờ gáy mình xem có sự chậm trễ, chưa làm hết trách nhiệm không? Đừng nói về thành tích nhiều, cần biết mình ở đâu, mình đang làm gì để phục vụ tốt hơn nhân dân” – Thủ tướng cảnh báo.

Về một số chỉ đạo cụ thể, Thủ tướng lưu ý công tác giám sát, kiểm tra; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền gắn với trách nhiệm; đẩy mạnh phòng chống tham nhũng…  Nói về vấn đề phòng chống tham nhũng, Thủ tướng lo một bộ phần có tư tưởng “không hành động”.

“Các Bộ trưởng phải chú ý, đẩy mạnh phòng chống tham nhũng không có nghĩa là kìm hãm sự phát triển, không vì chống tham nhũng mà trì trệ trong hoạt động. Ở đâu có tình trạng trì trệ là tôi biết đấy, đó là nơi có những vụ án xảy ra, như TPHCM, các Sở… im lìm hết cả” – Thủ tướng nói.

P.Thảo