Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam - Trung Quốc đã phối hợp chặt chẽ thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền; đạt được những nhận thức chung về kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển và đang tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển.

Nhận lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đang có chuyến tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc lần thứ nhất tại Thượng Hải. Đây là sự kiện xúc tiến thương mại quan trọng của Chính phủ Trung Quốc, Việt Nam là quốc gia được mời chính thức với vai trò “Quốc gia danh dự”.

Nói về quan hệ Việt Nam - Trung Quốc hiện nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai nước có mối quan hệ truyền thống lâu đời, núi liền núi, sông liền sông, được nhiều thế hệ lãnh đạo và nhân dân hai nước dày công xây dựng và củng cố.

Đặc biệt, trong thời gian qua, với sự nỗ lực của Đảng, Chính phủ và nhân dân hai nước, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc duy trì đà phát triển tích cực, đạt được những thành quả đáng khích lệ. Thành tựu lớn nhất, nổi bật nhất là hai nước đã không ngừng củng cố, phát triển quan hệ chính trị, ngoại giao và kinh tế.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 4/11 (ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Thượng Hải, Trung Quốc ngày 4/11 (ảnh: TTXVN)

Theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, quan hệ chính trị giữa hai nước được củng cố và duy trì đà phát triển tích cực. Các chuyến thăm và tiếp xúc cấp cao giữa hai Đảng, hai nước được duy trì thường xuyên; qua đó, lãnh đạo cấp cao hai nước đạt được nhiều nhận thức chung quan trọng về việc làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc.

“Thành tựu trong quan hệ chính trị - ngoại giao giữa Việt Nam - Trung Quốc là tiền đề cho sự phát triển quan hệ kinh tế, thương mại và đầu tư của hai quốc gia. Với nhiều hiệp định, thỏa thuận hợp tác đầu tư về kinh tế hoặc có liên quan đến kinh tế, quan hệ kinh tế Việt Nam - Trung Quốc tiếp tục có những bước phát triển. Trung Quốc trở thành một trong những đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam với kim ngạch hai chiều tăng mạnh; chênh lệch cán cân thương mại đang dần được cải thiện.” - Thủ tướng cho biết.

Hai nước đã triển khai nhiều hoạt động sôi động giao lưu nhân dân, nhất là giữa thế hệ trẻ và người dân các địa phương vùng biên giới hai nước; các cuộc gặp gỡ giữa các bộ, ngành và địa phương. Du lịch tiếp tục được đẩy mạnh, Trung Quốc dẫn đầu về lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam, trong khi đó hàng năm có khoảng 3 triệu người Việt Nam sang Trung Quốc.

Thủ tướng thông tin, hai bên đã phối hợp chặt chẽ triển khai thực hiện các văn kiện pháp lý về biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, tăng cường quản lý an ninh, an toàn khu vực biên giới; đạt được những nhận thức chung về kiểm soát bất đồng, duy trì hòa bình, ổn định trên biển và đang tích cực thúc đẩy các cơ chế đàm phán về các vấn đề trên biển.

“Những kết quả này đã góp phần quan trọng vào việc củng cố hơn nữa nền tảng vững chắc cho quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc, đóng góp tích cực cho sự nghiệp phát triển, nâng cao vị thế của mỗi nước.” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam bày tỏ tưởng, quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc nhất định sẽ có bước phát triển mạnh mẽ, to lớn hơn nữa, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng của khu vực.

Cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4/11 (ảnh: TTXVN)
Cuộc hội kiến giữa Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình ngày 4/11 (ảnh: TTXVN)

Theo Thủ tướng, tham dự Hội chợ nhập khẩu quốc tế Trung Quốc với vai trò là “Quốc gia danh dự” trong lần tổ chức đầu tiên này, Việt Nam có cơ hội tốt để quảng bá hình ảnh quốc gia, tăng cường xúc tiến thương mại đầu tư và du lịch hiệu quả, các doanh nghiệp Việt Nam có cơ hội tiếp xúc và giao dịch, mở rộng hợp tác kinh doanh với hơn 150.000 doanh nghiệp, nhà đầu tư Trung Quốc và các nước khác.

Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng nhấn mạnh, Việt Nam ủng hộ các hoạt động hợp tác, liên kết kinh tế trong khuôn khổ sáng kiến “Vành đai và Con đường” vì mục đích hòa bình, phát triển và thịnh vượng chung cho các quốc gia trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, cùng có lợi; tôn trọng độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của các nước tham gia hợp tác cũng như luật pháp quốc tế.

Năm 2017, Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Trung Quốc đã ký kết Bản ghi nhớ hợp tác (MOU) về kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường”. Phía Việt Nam cho rằng hai bên có tiềm năng hợp tác trên cả 5 lĩnh vực kết nối (chính sách, hạ tầng, tài chính, thương mại, con người) đã nêu trong MOU.

Châu Như Quỳnh