Thủ tướng: Muốn đón được đại bàng, cần tạo tổ đại bàng

(Dân trí) - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh nguyên lý này khi phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre 2017. Tổ đại bàng, theo Thủ tướng, cần kiến tạo bằng nhiều yếu tố, trong đó có vấn đề tư duy và hành động của chính quyền…

Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017.
Thủ tướng phát biểu tại Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre năm 2017.

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng khẳng định những tiềm năng, thế mạnh của Bến Tre, “viên ngọc quý vùng Tây Nam Bộ, nằm giữa vùng sông nước mênh mông, với 3 cù lao lớn xanh biếc”. Bến Tre là vùng đất trù phú, được thiên nhiên ưu đãi, đặc biệt là sông Tiền đã mang theo phù sa từ thượng nguồn về bồi đắp. Vùng đất địa linh nhân kiệt này có vị thế đắc địa ngó ra Biển Đông, gần trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, có khả năng kết nối nhanh, hiệu quả, trước hết là với TPHCM và vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Với điều kiện trên, theo Thủ tướng, Bến Tre phải là tỉnh giàu có và năng động của cả nước. Mục tiêu chiến lược hàng đầu của tỉnh là phải thu hút các nhà đầu tư đẳng cấp, có công nghệ, tư bản tài chính, trình độ quản lý và nhìn thấy trước cơ hội của mình gắn với các điều kiện độc đáo của Bến Tre.

Với tinh thần đó, Thủ tướng cho rằng: “Bến Tre của chúng ta muốn đón được đại bàng thì Bến Tre cần phải có tổ đại bàng”. Theo người đứng đầu Chính phủ, tổ đại bàng có 4 thành tố mà cần kiến tạo phát triển là quỹ đất, hạ tầng, hành động của chính quyền và nguồn nhân lực.

“Một quyết tâm chính trị lớn là Bến Tre, quê hương Đồng khởi thời chiến, cần làm một Đồng khởi của thời bình trong phát triển, thời toàn cầu hóa, thời của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, Thủ tướng nhấn mạnh và cho rằng, “đòn bẩy” cho Đồng khởi lần này cần tập trung vào một số giải pháp chiến lược.

Trước hết, đó là “biến nguy thành cơ” trong thích ứng biến đổi khí hậu bởi Bến Tre là một trong những địa phương chịu tổn thương nhất của biến đổi khí hậu.

Thủ tướng: Công nghệ chính là chìa khóa thay đổi tương lai.
Thủ tướng: "Công nghệ chính là chìa khóa thay đổi tương lai".

Thứ hai, phát triển kinh tế-xã hội Bến Tre dựa trên hệ thống sông và hướng biển. Vì vậy, đô thị sông ven biển là hướng đi mà nhiều thành phố trên thế giới có điều kiện tương đồng như Bến Tre đã thành công.

Thứ ba, kết nối thành một điểm tụ của liên kết trục TPHCM hướng tâm và của 4 tỉnh duyên hải, chia sẻ nguồn tài nguyên sông Tiền, sông Hậu.

Thứ tư, xây dựng Bến Tre thành thủ phủ dừa của Việt Nam với công nghiệp chế biến dừa tầm cỡ khu vực, đem lại giá trị gia tăng cao. Cây dừa không chỉ là thế mạnh mà còn là lá chắn bảo vệ vùng đất Bến Tre trong điều kiện xâm nhập mặn nặng nề như hiện nay. Bến Tre hiện nay là vùng trồng dừa nhiều nhất cả nước, thế nhưng làm thế nào để cây dừa nuôi được người nông dân, làm giàu cho người nông dân. Hiện nay, trồng dừa của người nông dân chỉ thu lợi bằng 1/10 loại cây ăn trái khác như bưởi da xanh.

Thủ tướng nhấn mạnh, công nghệ chính là chìa khóa thay đổi tương lai. Cần đặt cây dừa ở một tầm nhìn mới về các ngành công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm, khoa học đời sống, khoa học sức khỏe, khoa học môi trường như một đích đến cho khu vực kinh tế phát triển xung quanh dừa và sản phẩm từ dừa.

Thứ năm, nâng cao chất lượng nuôi trồng chế biến thủy sản như tôm nước mặn, nước lợ, tôm thẻ chân trắng, tôm sú theo hướng công nghệ cao. Vùng biển Bến Tre phát hiện nhiều tôm he Nhật Bản, loại tôm có giá trị kinh tế cao gấp 6-8 lần tôm sú và tôm thẻ chân trắng và có nhu cầu lớn trên thị trường thế giới, đặc biệt ở Nhật Bản.

Thứ sáu, phát triển du lịch dịch vụ. Với nhiều điểm du lịch hấp dẫn, đặc biệt là gần TPHCM, Bến Tre nên tổ chức sắp xếp lại công tác du lịch theo hướng chuyên nghiệp hơn để khai thác được tiềm năng và lợi thế.

Thủ tướng gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại Bến Tre
Thủ tướng gặp gỡ, trao đổi với các nhà đầu tư, các doanh nghiệp tại Bến Tre

“Cùng với sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, sự chia sẻ của các doanh nghiệp trong và ngoài nước và thực hiện chính sách cởi mở thông thoáng, Bến Tre, theo tôi nghĩ, đã hội tụ đủ các yếu tố “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” để thu hút mạnh mẽ nguồn nhân lực đầu tư”, Thủ tướng nói và bày tỏ tin tưởng các nhà đầu tư sẽ có tầm nhìn xa hơn để quyết định đầu và thành công ở tỉnh Bến Tre.

Chính phủ sẽ tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tốc độ tăng trưởng hợp lý, bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, bảo đảm môi trường hòa bình nhằm tạo điều kiện thuận lợi “đất lành chim đậu” cho các nhà đầu tư phát triển lâu dài tại Việt Nam.

Tại hội nghị, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng, tỉnh Bến Tre đã ký bản ghi nhớ, cam kết đầu tư, trao các giấy chứng nhận chủ trương đầu tư với tổng trị giá khoảng 45.000 tỷ đồng.

Trong chiều 20/7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc làm việc với lãnh đạo chủ chốt của tỉnh về tình hình kinh tế -xã hội địa phương.

Thủ tướng cho rằng trước câu hỏi cần làm gì, làm như thế nào thì tỉnh đã có câu trả lời tương đối rõ nét. Bến Tre đã có bước phát triển tương đối toàn diện, trong 6 tháng năm 2017 đạt tốc độ tăng trưởng cao.

Thủ tướng yêu cầu trong thời gian còn lại của năm 2017, Bến Tre cần rà lại các mặt công tác để hoàn thành toàn diện, vượt mức các nhiệm vụ được giao, làm tiền đề cho các năm tiếp theo.

Thủ tướng yêu cầu Bến Tre huy động nguồn lực một cách hiệu quả để phát triển mạnh 8 sản phẩm chủ lực, đặc biệt là xây dựng thương hiệu - trước hết với cây dừa, nuôi tôm siêu thâm canh, công nghệ cao.

Phát triển du lịch, dịch vụ chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn là vấn đề quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh Bến Tre. Đẩy mạnh công nghiệp chế biến, nhất là chế biến trái cây, thủy sản, hướng ra thị trường quốc tế.

“Tỉnh cần đánh giá lại hiệu quả sử dụng đất, hoàn thiện và nâng cao hiệu suất. Bây giờ muốn “đại bàng” (các doanh nghiệp lớn) đậu được thì cái đầu tiên là giải quyết vấn đề thiếu đất sản xuất, kinh doanh dịch vụ, mặc dù đất của chúng ta thẳng cánh cò bay”, Thủ tướng nhấn mạnh, đây là câu hỏi lớn đối với tỉnh Bến Tre.

P.T