Thủ tướng: Không thể kêu gọi đầu tư bằng lời hứa suông!

(Dân trí) - “Muốn thu hút đầu tư thì thể chế phải thuận lợi qua việc ban hành Nghị định, Thông tư; phải cập nhật quy hoạch giao thông theo hướng chiến lược đi liền với cơ chế chính sách. Chúng ta không thể kêu gọi đầu tư bằng mệnh lệnh hành chính, cũng không thể hứa suông hay bằng quyết tâm, nghị quyết được” - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Chiều 4/1, tại Hà Nội, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã tổ chức Tổng kết 4 năm thực hiện Nghị Quyết số 13-NQ/TW công tác đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên; triển khai nhiệm vụ kế hoạch năm 2016. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã tới dự và chủ trì Hội nghị.

Hà Nội - Cần Thơ: Rút ngắn 7 - 10 giờ chạy xe

Dự án đầu tư mở rộng Quốc lộ 1 (QL1) đoạn từ Hà Nội - Cần Thơ có chiều dài 1.948 km, đi qua 20 tỉnh, thành phố. Tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này đã mở rộng và xây dựng tuyến tránh được 554 km, còn lại 1.394 km được đầu tư xây dựng mở rộng thông qua 41 dự án. Trong khi đó, Dự án Đầu tư nâng cấp đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên với chiều dài 663 km đi qua 5 tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước, tại thời điểm trước khi triển khai, trên đoạn tuyến này, đã mở rộng được 244 km với quy mô đường cấp III, còn lại 419 km được chia thành 12 dự án.

Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên
Đường Hồ Chí Minh qua Tây Nguyên

Tổng mức đầu tư được bố trí theo Nghị quyết số 65 của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng là hơn 64.000 tỷ đồng (trong đó vốn đã bố trí từ các nguồn khác đến hết năm 2013 là 2.600 tỷ đồng; kế hoạch vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016 là gần 62.000 tỷ đồng). Sau khi rà soát và điều chỉnh nhiều hạng mục, tổng số vốn trái phiếu Chính phủ còn dư là hơn 14.000 tỷ đồng.

Việc hoàn thành sớm Dự án so với kế hoạch đề ra từ 12 tháng đến 18 tháng là một trong những kỷ lục từ trước đến nay của ngành giao thông vận tải, đặc biệt là đối với một dự án hạ tầng có quy mô cực kì lớn như Dự án mở rộng QL1 và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên. Dự án có ý nghĩa hết sức to lớn, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của các khu vực có Dự án đi qua và của cả nước.

Ban Chỉ đạo Tây Nguyên cho biết, chỉ trong 5 tháng đầu năm 2015, khi dự án đường Hồ Chí Minh cơ bản hoàn thành, đầu tư vào Tây Nguyên đã tăng đột biến với hơn 16.000 tỷ đồng. Các dự án được đưa vào khai thác sử dụng đã góp phần giảm ùn tắc giao thông trên 2 trục giao thông đường bộ quan trọng nhất của đất nước, hạn chế tai nạn giao thông, giảm chi phí vận tải...


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 5 năm qua, ngành GTVT đã huy động được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) nhiều nhất từ trước đến nay để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. (Ảnh: Báo Giao thông)

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: 5 năm qua, ngành GTVT đã huy động được nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước (NSNN) nhiều nhất từ trước đến nay để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng. (Ảnh: Báo Giao thông)

Theo đánh giá ban đầu sau khi các dự án được đưa vào khai thác, đối với tuyến Hà Nội - Cần Thơ đã giảm ít nhất 7-10 giờ thời gian chạy xe, đối với tuyến Tây Nguyên về TP.HCM đã giảm ít nhất 3-4 giờ thời gian chạy xe.

Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường khẳng định: Thành công của dự án chứng minh sự đúng đắn trong việc lựa chọn đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, tập trung nguồn lực để đầu tư dự án có tác dụng liên vùng, liên lãnh thổ theo chủ trương của Đảng và Nhà nước.

Đừng chỉ trông chờ vốn ngân sách!

Chủ trì Hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao và biểu dương ngành GTVT về những nỗ lực, kết quả đạt được, đặc biệt là huy động nguồn lực ngoài ngân sách trong đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông.

“Năm năm qua, ngành GTVT đã huy động được nguồn lực ngoài ngân sách nhiều nhất từ trước đến nay để đầu tư kết cấu hạ tầng, nổi bật là năm 2015; xây dựng được nhiều công trình nhất, đồng bộ nhất và hiện đại nhất, như: Cầu Nhật Tân, nhà ga T2 Nội Bài… Nhờ những công trình này mà Hà Nội cũng đổi khác; đã có hơn 600 km đường cao tốc được xây dựng. Trong điều kiện khó khăn nhưng ngành GTVT vẫn nỗ lực hoàn thành các dự án, không chỉ ở thành thị mà còn cả trên lĩnh vực giao thông nông thôn” - Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh.

Nhiều đơn vị của ngành GTVT có thành tích xuất sắc đã được Thủ tướng khen thưởng
Nhiều đơn vị của ngành GTVT có thành tích xuất sắc đã được Thủ tướng khen thưởng

Người đứng đầu Chính phủ cũng nhấn mạnh sự tăng lên 36 bậc về năng lực và chất lượng của hạ tầng giao thông Việt Nam hiện nay so với năm 2010 và tăng 9 bậc so với năm 2014, góp phần giúp chỉ số năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam năm 205 tăng 12 bậc so với năm 2014. “Đó là nhờ cải cách mạnh thể chế, cơ chế, chính sách, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, thu hút nước ngoài đầu tư” - Thủ tướng cho hay.

Về nhiệm vụ năm 2016 và chặng đường 5 năm tiếp theo, Thủ tướng Chỉnh phủ đề nghị đồng chí Bộ trưởng và toàn ngành GTVT tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của ngành. Tập trung vào khâu thể chế, cơ chế chính sách luật pháp, nhằm lĩnh vực hoạt động giao thông vận tải có thị trường hơn, hội nhập khu vực tốt hơn về giao thông vận tải, tạo mọi điều kiện cho người dân. Theo Thủ tưởng, đây là khâu quyết định của ngành GTVT.

“Ngân sách nhà nước không thể vượt quá nợ công, mà muốn xây dựng cơ sở hạ tầng hiện đại thì không cách nào khác phải huy động nguồn vốn ngoài ngân sách, nguồn lực xã hội. Muốn thu hút đầu tư thì thể chế phải thuận lợi qua việc ban hành Nghị định, Thông tư; phải cập nhật quy hoạch giao thông theo hướng chiến lược đi liền với cơ chế chính sách. Chúng ta không thể kêu gọi đầu tư bằng mệnh lệnh hành chính, cũng không thể hứa suông hay bằng quyết tâm, nghị quyết được” - Thủ tướng chỉ đạo.

Cùng với những thành tựu nói trên, Thủ tướng cũng yêu cầu ngành GTVT phải cố gắng hơn nữa, không được chủ quan và thoả mãn với những gì đạt được, phải đoàn kết nhất trí, chung sức chung lòng, phát huy những kết quả làm được, khắc phục những tồn tại, yếu kém.

Châu Như Quỳnh