Thủ tướng: Giải quyết nơi an cư cho người nghèo cũng cần thiết như lo chuyện cháy nhà, nước lụt

(Dân trí) - “Lo cháy nhà, nước lụt ở mỗi địa phương là chuyện cần thiết nhưng vấn đề nơi an cư với người công nhân, người nghèo cũng là việc cấp thiết, đòi hỏi của cuộc sống” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Đây là vấn đề người đứng đầu Chính phủ lưu ý khi chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân sáng nay, 7/12.

3,7 triệu m2 nhà – vẫn chỉ đáp ứng 28% nhu cầu

Thủ tướng trò chuyện với người dân tại khu đô thị Đặng Xá.
Thủ tướng trò chuyện với người dân tại khu đô thị Đặng Xá.

Báo cáo về tình hình triển khai thực hiện các Chính sách, Chương trình phát triển Nhà ở xã hội, Bộ trưởng Xây dựng Phạm Hồng Hà cho biết, thời gian qua, 3,7 triệu m2 nhà ở xã hội tại khu vực đô thị và khu công nghiệp đã được đưa vào sử dụng, góp phần giải quyết chỗ ở cho gần 500.000 người thu nhập thấp, công nhân lao động.

Hàng triệu hộ gia đình người có công với ngước, hộ nghèo ở nông thôn, khu vực thường xuyên bịt hiên tai, bão, lũ có chỗ ở an toàn và ổn định.

Đồng thời, việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội đã góp phần quan trọng vào việc tái cấu trúc thị trường BĐS, khắc phục lệch pha cung-cầu, giúp cho thị trường phát triển ổn định, lành mạnh.

Cụ thể, đến hết tháng 11/2016, có khoảng 91.000 hộ người có công đã được hỗ trợ nhà ở với nguồn kinh phí cấp trên 2.500 tỷ đồng. 8.800 hộ nghèo khu vực nông thôn được hỗ trợ vay vốn làm nhà. Giai đoạn 1 của chương trình, hơn nửa triệu hộ dân đã hoàn thành hỗ trợ. Hiện giai đoạn 2 đang triển khai với khoảng 300.000 hộ dân khác.

Chương trình xây dựng cụm, tuyến dân cư và nhà ở vùng thường xuyên ngập lũ đồng bằng sông Cửu Long hoàn thành qua 2 giai đoạn với xấp xỉ 1000 cụm tuyến dân cư và bở bao, bốt rí cho gần 2000.000 hộ khu vực ngập lũ vào ở. 130 dự án thuộc các khu vực sạt lở đang hoàn thiện thủ tục để triển khai trong giai đoạn 2016 - 2020 theo chỉ đạo của Thủ tướng.

Chương trình hỗ trợ hộ nghèo xây dựng nhà ở phòng, tránh bão, lụt khu vực Bắc Trung Bộ và Duyên hải miền Trung cũng đã qua giai đoạn thí điểm, mở rộng, hoàn thành việc hỗ trợ nhà ở cho gần 18.000 hộ dân.

Các dự án phát triển nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp tại khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp, từ năm 2009 đến nay đã cán mốc 3,7 triệu m2 nhà. Hiện trên cả nước tiếp tục triển khai 191 dự án với quy mô xây dựng khoảng 160.000 căn hộ nữa…

Gói tín dụng 30.000 tỷ đồng, theo đó, được đánh giá là đã hoàn thành “sứ mệnh” với 33.000 tỷ đồng đã ký hợp đồng cam kết cho vay và xấp xỉ 29.000 tỷ đồng đã giải ngân xong (tính đến hết tháng 10/2016). Trong giai đoạn khó khăn của thị trường bất động sản, gói tín dụng này đã góp phần tháo gỡ khó khăn, giúp thị trường bất động sản hồi phục tích.

Dù vậy, Bộ trưởng Xây dựng cũng xác nhận một số chương trình nhà ở phát triển chậm so với kế hoạch ban đầu. Việc phát triển nhà ở xã hội cho người nghèo, người thu nhập thấp khu vực đô thị, công nhân khu công nghiệp chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đạt chỉ tiêu đã đề ra trong Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia (mới thực hiện được khoảng 71.000 căn hộ so với chỉ tiêu 250.000 căn, giải quyết được 28% nhu cầu).

80% người dân có nhu cầu nhà ở đều cần được hỗ trợ


Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị.

Thủ tướng phát biểu kết luận hội nghị.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhấn mạnh, đòi hỏi lớn nhất và hạn chế lớn nhất cần khắc phục là sự thiếu hụt nhà ở cho công nhân, cho người thu nhập thấp tại đô thị, nhà cho cán bộ công chức viên chức, lực lượng vũ trang. Dù kết quả đã đạt được đáng ghi nhận nhưng vẫn còn rất thấp so với nhu cầu.

“Nhu cầu nhà ở rất lớn, tới 80% người dân có nhu cầu thì đều là cần sự hỗ trợ thì mới lo được nhà ở cho gia đình, chỉ 20% số người dân có khả năng tự lo, tự chi trả cho lựa chọn chỗ ở của mình” – Phó Thủ tướng nói.

Nhắc lại chuyến thị sát nhà ở xã hội tại khu Đặng Xá (Gia Lâm, Hà Nội) vừa thực hiện hôm qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, đây là mô hình thành công về việc xây dựng nhà cho người thu nhập thấp với những thiết chế văn hoá đồng bộ, người dân trong cộng đồng dân cư sống đoàn kết, an ninh trật tự đảm bảo.

Thủ tướng tuyên dương một số doanh nghiệp đã chủ trương đầu tư, đưa ra những sản phẩm tốt, dù là làm thương mại nhưng giá nhà cung cấp chỉ vài trăm triệu đồng/căn hộ, để người nghèo có cơ hội chọn được nơi an cư. Gần đây, một nhà đầu tư đã lên kế hoạch về gói nhà ở với quy mô rộng lớn (khoảng 300.000 căn hộ), giá chỉ khoảng 700 triệu đồng/căn.

Thủ tướng đặt vấn đề, làm sao để không chỉ Hà Nội, TPHCM mà cả miền Đông, miền Tây Nam Bộ… những mô hình hỗ trợ nhà ở cho người dân có thể triển khai ở mọi miền tổ quốc.

“Vấn đề trước hết là cơ chế. Các địa phương có tạo điều kiện, bố trí vị trí đất đai thuận lợi, không phải ở trung tâm đô thị nhưng cũng không thể quá xa, với hạ tầng điện nước, dịch vụ cho chủ đầu tư triển khai các dự án. Rồi việc duyệt quy hoạch thế nào cho phù hợp, như gợi ý của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, có mẫu thiết kế cụ thể, cho phép làm cao tầng hơn với dự án ở ngoại thành để có thêm nguồn cung nhà, cả nhà cho thuê, thuê mua cho người dân” – Thủ tướng nêu yêu cầu.

Chính sách không thiếu, vấn đề có quyết tâm làm không

Kết luận hội nghị, Thủ tướng nhấn mạnh, làm tốt công tác chăm lo, hỗ trợ nhà ở cho người dân là đầu tư cho phát triển, không phải chỉ để kích tiêu dung. “Lo cháy nhà, nước lụt ở mỗi địa phương là chuyện cần thiết nhưng vấn đề nơi an cư với người công nhân, người nghèo cũng là việc cấp thiết, đòi hỏi của cuộc sống” – Thủ tướng nhắc.

Quan điểm chỉ đạo của Chính phủ, nhiệm vụ phát triển nhà ở xã hội là của cả nhà nước và cộng đồng. Nhà nước không bao cấp nhưng nhà nước hoan nghênh, khuyến khích và tạo điều kiện cho những doanh nghiệp, những “ông lớn” trên thị trường bất động sản đầu tư làm nhà ở giá rẻ. Công cụ hỗ trợ hữu hiệu và cụ thể nhất là chính sách đất đai.

Thủ tướng yêu cầu thời gian tới cần tập trung giải quyết điểm bức xúc là nhà ở cho 1,5 triệu công nhân chưa có nơi an cư hiện nay. Không chăm lo được đời sống tối thiểu cho lực lượng lao động chủ chốt này, Thủ tướng cho rằng, khó thực hiện thành công công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

“Cơ sở pháp luật, như chính các doanh nghiệp, nhà đầu tư nhận xét, đã có đủ. Vấn đề là có làm, có quyết tâm làm hay không, làm như thế nào. Với nhà ở cho công nhân, trước hết chính quyền địa phương và chính những ông chủ các khu công nghiệp, các nhà máy phải lo đời sống cho công nhân của mình” – Thủ tướng biểu dương mô hình đã triển khai tại Bình Dương, Đồng Nai thời gian qua.

Ngân sách nhà nước, Thủ tướng khẳng định, cũng phải lo một phần. Thủ tướng chỉ định, Bộ Tài chính phải làm việc này, phải tiếp tục các chính sách hỗ trợ về lãi suất, thuế để thu hút đầu tư vào lĩnh vực, tăng nguồn cung nhà ở xã hội; nghiên cứu tổng thể, đề xuất gói tài chính như đề xuất của nhiều địa phương là yêu cầu Ngân hàng chính sách xã hội phải bố trí tỷ lệ nhất định vốn cho hoạt động hỗ trợ người dân làm nhà.

Thủ tướng cũng đồng ý để Bộ LĐ,TB&XH, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam cùng tham gia lo các thiết chế văn hóa đi kèm trong các khu nhà ở của công nhân…

P.Thảo