Thu thuế được 5,7 tỷ đồng, tiền chi bộ máy quản lý gấp nhiều lần?

(Dân trí) - Chiều 8/11, thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp, đại biểu Quốc hội đề nghị dừng luôn loại thuế này vì việc thu thuế thực hiện cả năm chỉ được khoảng 5,7 tỷ đồng mà chi phí vận hành việc quản lý, thu thuế lại lớn hơn nhiều lần…

Đại biểu Thạch Phước Bình (Trà Vinh) tán thành đề xuất miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp với toàn bộ diện tích đất (kể cả phần vượt hạn mức giao đất) của các hộ, gia đình, cá nhân vì số tiền thuế này tính ra chỉ khoảng 34,3 tỷ đồng/năm, không lớn, không tác động đáng kể tới thu ngân sách nhà nước.

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) lại có hướng phân tích khác. Theo ông Cường, nếu miễn giảm 100% thuế sử dụng đất cho tất cả các đối tượng là các hộ gia đình nông dân được giao đất, chỉ thu tiền sử dụng đất đối với phấn đất được giao mà không không sử dụng cho sản xuất nông nghiệp thì tổng số tiền cả năm thu được trên toàn quốc là 5,7 tỷ đồng.


Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị dừng hẳn việc thu thuế đất nông nghiệp.

Đại biểu Hoàng Văn Cường đề nghị dừng hẳn việc thu thuế đất nông nghiệp.

Cho rằng chính sách điều chỉnh giá trị chỉ 5,7 tỷ đồng/năm không mang lại nhiều ý nghĩa vì để thu ngân sách được khoản tiền đó là quá nhỏ, chi phí vận hành việc quản lý, thu khoản tiền này hàng năm thậm chí còn lớn hơn nhiều lần 5,7 tỷ đó.

Vì thế, thay vì bàn việc việc miễn giảm thuế, đại biểu Cường cho rằng nên ban hành chính sách thôi không thu khoản thuế này nữa để không phải giải quyết vấn đề hành chính liên quan.

Đại biểu cũng đặt vấn đề, mục tiêu của chính sách này không phải là thu tiền về cho ngân sách mà cần hướng đến việc làm thế nào để quản lý, sử dụng đất thực sự có hiệu quả, tránh tình trạng đất đai không được huy động vào sản xuất nông nghiệp và không tạo ra các nguồn lực phát triển.

Theo ông Cường, ở nhiều vùng nông thôn hiện nay có tình trạng người nông dân được giao đất không sản xuất nông nghiệp, bỏ hoang đất đai chính vì việc giao đất mà không áp thuế nên dù không sử dụng người được giao vẫn giữ đất, gây khó hăn cho việc tích tụ ruộng đất, cho mục đích tổ chức sản xuất nông nghiệp theo quy mô lớn. Đại biểu dẫn chứng, mấy ngày nay, báo chí phản ánh nhiều việc để thuê được 10 ha đất, doanh nghiệp phải thỏa thuận với hàng trăm hộ gia đình mà sau đó cũng không yên tâm đầu tư vì đó chỉ là đất đi thuê, không đảm bảo ổn định.

“Chính vì vậy, nếu chúng ta tiếp tục duy trì chính sách cứ miễn giảm thuế cho tất cả mọi người được giao đất, không cần biết người ta có hay không sản xuất nông nghiệp” – đại biểu Cường cảnh báo, việc triển khai chính sách này có thể cản trở sự hình thành mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Ông Cường đề nghị điều chỉnh chính sách, chỉ miễn thuế đất với người thực sự sử dụng đất để sản xuất nông nghiệp, đi liền với việc xoá bỏ chính sách hạn điền hiện nay.

Ngược lại với quan điểm này, đại biểu Hoàng Thanh Tùng (Sóc Trăng) cho rằng, chính sách miễn giảm thuế là để khuyến khích đầu tư sản xuất vào lĩnh vực nông nghiệp còn việc ruộng đất có nơi vẫn bị để hoang hoá thì có nhiều lý do chứ không phải vì được miễn thuế nên người dân để đất hoang.

Ông Tùng cho rằng, với những trường hợp sử dụng đất nông nghiệp không đúng mục đích, ruộng đất được giao mà để hoang không canh tác, pháp luật cũng có đủ cơ chế để xử lý, thu hồi lại, giao cho người khác tổ chức sản xuất.


Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình thêm một số nội dung các đại biểu nêu ra.

Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng giải trình thêm một số nội dung các đại biểu nêu ra.

Đại biểu Trần Hoàng Ngân (TPHCM) cũng ủng hộ chính sách tiếp sức, khuyến khích cho người nông dân được đề xuất vì theo đại biểu, đời sống của bộ phận 62% dân số với 23 triệu lao động trong khu vực nông nghiệp hiện còn rất khó khăn.

“Tổng vốn đầu tư của nhà nước cho nông nghiệp chỉ 6%, nhưng đóng góp của nền nông nghiệp lại bằng 17% GDP. Nếu bên cạnh chính sách giảm thuế có thêm chính sách khác đầu tư cho nông nghiệp thì tốt. Nên tiếp sức cho các dự án đang dở dang, như đường giao thông ở khu vực ĐBSCL. Nếu các chính sách này đồng bộ được thì sẽ giúp nông dân ta có cuộc sống tốt đẹp hơn” – ông Ngân nói.

Giải trình thêm về nội dung này, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho rằng, việc bổ sung miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với toàn bộ diện tích đất nông nghiệp vượt hạn mức của hộ gia đình, cá nhân, với cả diện tích vượt hạn mức là thực hiện chủ trương, quan điểm của Đảng đề giảm bớt khó khăn cho người nông dân, khuyến khích hộ gia đình, cá nhân gắn bó và đầu tư hơn nữa vào sản xuất nông nghiệp. Đề xuất này cũng để đảm bảo sự công bằng cho người nông dân với những trường hợp tổ chức được nhà nước giao đất sản xuất đang được miễn thuế với toàn bộ diện tích được giao.

Về ý kiến phản đối việc thu 100% thuế sử dụng đất nông nghiệp đối với diện tích đất nông nghiệp mà tổ chức được nhà nước giao đất nhưng không trực tiếp sử dụng để sản xuất nông nghiệp vì cho rằng việc làm này là trái pháp luật, Bộ trưởng Tài chính dẫn quy định của luật Đất đai 2013, Nghị quyết 55 của quốc hội để khẳng định đề xuất được Chính phủ đưa ra phù hợp chính sách chung hiện nay.

P.Thảo