50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu kể về 26 ngày đêm kiên cường giữ TP Huế

(Dân trí) - Từ những người lính trên rừng xuống, không quen với địa hình thành phố, với sự giúp đỡ, phối hợp chặt chẽ của người dân, du kích, biệt động thành... bộ đội chủ lực đã vượt sông Hương, tiến vào cố đô, chiếm giữ TP Huế suốt 26 ngày đêm, giáng đòn choáng váng vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ.

90 tuổi, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu vẫn khỏe mạnh, minh mẫn, giọng nói vẫn vang lên đầy hào sảng khi kể về những ngày cùng nhân dân Huế nổi dậy trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 50 năm về trước.

Trong cuộc tổng tiến công này, theo sự phân công của Bộ tư lệnh Quân khu Trị Thiên, ông Nguyễn Văn Thu là chỉ huy trưởng cánh Bắc TP Huế.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu (người ngồi giữa) nguyên Tham mưu trưởng Quân khu Trị Thiên, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Bắc khi tiến vào TP Huế trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu (người ngồi giữa) nguyên Tham mưu trưởng Quân khu Trị Thiên, trực tiếp chỉ huy cánh quân phía Bắc khi tiến vào TP Huế trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

“Công tác chuẩn bị về hậu cần, lực lượng, phương tiện, vũ khí cho trận đánh này đã được tính toán kỹ càng và triển khai hết sức chu đáo. Với một lượng khối lượng công việc rất lớn, đòi hỏi phải tuyệt đối bí mật trong khi lực lượng bảo an, hệ thống nằm vùng, chỉ điểm dày đặc của Mỹ - Ngụy lùng sục khắp nơi thì đây là một nhiệm vụ không hề dễ dàng.

Có thể nói công tác chuẩn bị cho trận đánh này đã rất thành công, nhờ biết dựa vào dân, hướng dẫn nhân dân và do nhân dân trực tiếp đảm nhiệm. Công tác chuẩn bị chu đáo, bí mật là một trong những yếu tố tiên quyết quyết định đến thắng lợi của trận đánh này”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu nhiều lần nhấn mạnh sự đóng góp của người dân Huế trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.

Quân giải phóng tiến vào Phu Văn Lâu (ảnh tư liệu)
Quân giải phóng tiến vào Phu Văn Lâu (ảnh tư liệu)

Dưới sự lãnh đạo của Thành ủy, các tầng lớp nhân dân thành phố Huế đã hết lòng giúp đỡ bộ đội chủ lực, từ việc dẫn đường, vận chuyển vũ khí, đào hầm trú ẩn… Việc nghiên cứu chiến trường được triển khai cụ thể, như đi đường nào, vào khu vực nào, ém quân chỗ nào, đưa quân tập kết ở đâu cũng được chuẩn bị kỹ càng đảm bảo không để xảy ra sai sót.

“Vũ khí của ta được tập kết ở bờ sông Hương. Ngư dân đóng thuyền hai đáy, giấu súng, đạn vào đó vận chuyển đến chân cầu Đông Ba tập kết. Vũ khí từ đây được các mẹ, các chị buôn thúng bán mẹt giấu trong các gánh hàng để vận chuyển vào nội thành.

Bộ đội đặc công cũng được đưa vào nội thành, phụ trách các tổ biệt động để sẵn sàng phối hợp trong đánh ra, ngoài đánh vào. Việc đưa một lực lượng lớn bộ đội chính quy vào “ém” xung quanh thành phố nhưng phải đảm bảo yếu tố bí mật cực kỳ khó.

Trinh sát của ta phải dùng cơm trộn thuốc mê rải dọc đường. Những con chó bị ngấm thuốc mê, ngủ say đến tận 8h sáng hôm sau, lúc đó, hàng nghìn lính thuộc nhiều đơn vị vũ trang chính quy đã vào đến điểm tập kết an toàn, sẵn sàng phối hợp với các cánh quân khác để tiến vào nội đô”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu kể tiếp.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu: 26 ngày đêm chiếm giữ TP.Huế là thắng lợi của lòng dân, biết dựa vào dân, thắng lợi của công tác chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt và đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu: 26 ngày đêm chiếm giữ TP.Huế là thắng lợi của lòng dân, biết dựa vào dân, thắng lợi của công tác chuẩn bị kỹ càng về mọi mặt và đảm bảo được yếu tố bí mật, bất ngờ

Đêm 30 Tết, đoàn quân đã tiến sát, ém xung quanh thành phố. Ai cũng hồi hộp chờ hiệu lệnh tấn công. 2h30 ngày 31/1/1968, tức rạng sáng mồng 1 Tết Mậu Thân, hiệu lệnh tiến công bắt đầu. Các đơn vị dưới sự chỉ đường của du kích đã nhanh chóng tiến đến chiếm lĩnh các mục tiêu với sự yểm trợ của xe tăng, pháo cao xạ phía sau.

Những người lính quen ở rừng nhanh chóng, sáng tạo trong việc triển khai đội hình tiến công ở điều kiện mới. Với sự phối hợp chặt chẽ giữa bộ đội chủ lực, chính quyền địa phương, du kích, biệt động thành trong đánh ra, ngoài đánh vào chỉ trong vòng 3 tiếng đồng hồ, ta đã làm chủ toàn thành phố Huế. Tuy nhiên, đơn vị đánh chiếm đồn Mang Cá bị bật ra trước sự kháng cự quyết liệt của địch.

Bị mất Huế chỉ trong một thời gian ngắn, Mỹ - Ngụy đổ quân hòng chiếm lại địa bàn có ý nghĩa chiến lược về chính trị, quân sự trong toàn miền Nam. Cuộc chiến đấu giữ TP. Huế diễn ra ác liệt trong 26 ngày đêm.

TP.Huế rực rỡ cờ hoa trong ngày kỉ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân
TP.Huế rực rỡ cờ hoa trong ngày kỉ niệm 50 năm tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân

“Các trận đánh trong thế giằng co diễn ra liên tục, ác liệt. Quân ta thương vong nhiều. Những lúc như thế, chính lực lượng sinh viên Huế là người trực tiếp vận chuyển thương binh về tuyến sau, nhân dân Huế cùng quân y tổ chức cứu chữa. Trong cuộc chiến đấu ác liệt như thế nhưng công tác hậu cần, thuốc men vẫn được đảm bảo, liên tục tiếp tế vào nội thành.

Có thể nói, thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Huế là thắng lợi của lòng dân, biết dựa vào dân. Cuộc chiến đấu giữ TP.Huế kéo dài 26 ngày đêm trở thành một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh giải phóng dân tộc của quân và dân Huế”, Thiếu tướng Nguyễn Văn Thu nhận định.

Thắng lợi toàn diện quân sự, chính trị của toàn miền Nam có sự đóng góp rất lớn của quân và dân TP. Huế, đã giáng 1 đòn phủ đầu vào ý chí xâm lược của Mỹ, đánh hủy các mục tiêu, tiêu hao một lực lượng lớn các lực lượng trang bị vũ khí tối tân của Mỹ - Ngụy, buộc Mỹ phải xuống thang chiến tranh.

Hoàng Lam