Hà Tĩnh:

Thiếu cơ chế kiểm soát trung thực, việc kê khai tài sản chỉ để… cho vui !?

(Dân trí) - Lắng nghe báo cáo của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh về việc không có trường hợp nào trong số 100% cán bộ kê khai tài sản, thu nhập phải tiến hành xác minh làm rõ nguồn gốc, nhiều người dân theo dõi Kỳ họp thứ 8 Khóa XVII HĐND tỉnh này nói rằng, việc kê khai minh bạch tài sản chỉ là để cho vui.

 

Thiếu cơ chế kiểm soát trung thực, việc kê khai tài sản chỉ để… cho vui !? - Ảnh 1.

Kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Hà Tĩnh khóa XVII nhận được sự quan tâm, theo dõi rất lớn của người dân địa phương.

 

Không phát hiện trường hợp giàu bất thường

Một trong những nội dung kỳ họp nhận được nhiều sự quan tâm của người dân là kết quả thực hiện Luật phòng chống tham nhũng của cơ quan chức năng tại tỉnh này.

Theo báo cáo của Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh, trong năm 2017 (2018 vừa mới triển khai, chưa có thông kê-PV), toàn tỉnh Hà Tĩnh có 10.064/10.075 người thuộc 85 đơn vị kê khai và công khai tài sản, thu nhập, đạt tỷ lệ 99,89% (có 11 người chưa kê khai, do ốm dài ngày và đi học tập, công tác dài hạn ở nước ngoài).

Đáng chú ý là không có trường hợp nào (đạt 100%) tiến hành kê khai tài sản, thu nhập mà cơ quan chức năng phải tiến hành xác minh, làm rõ. Con số nêu trên đồng nghĩa với việc không có trường hợp nào trong diện kê khai, minh bạch tài sản tại Hà Tĩnh giàu lên một cách bất thường.

Theo dõi thông tin trên, rất nhiều cán bộ, đảng viên, người dân bày tỏ nghi ngờ tính minh bạch, tính trung thực của người kê khai. Nhiều người dân cho rằng, việc việc kê khai minh bạch tài sản chỉ là để cho vui.

“Rõ ràng đó là con số không trung thực, người dân ai nhìn vào người ta cũng biết cả đấy. Nhiều trường hợp nhà cửa, tài sản sờ sờ ra đó, ở đâu ra, người dân người ta có quyền nghi ngờ. Không có trường hợp nào phải tiến hành xác minh làm rõ việc kê khai có đúng hay không là rất khó tin”- bà Nguyễn Thị Lộc, một người dân TP Hà Tĩnh theo dõi kỳ họp bày tỏ băn khoăn.

Thiếu cơ chế kiểm soát trung thực, việc kê khai tài sản chỉ để… cho vui !? - Ảnh 2.

Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh - ông Võ Văn Phúc báo cáo thông tin việc kê khai tài sản.

 

Một người dân khác nêu quan điểm: “Tôi nghĩ với con số mà 1 trong những cơ quan phòng chống tham nhũng trình bày nêu ra thì gần như việc kê khai, minh bạch tài sản, thu nhập là làm cho vui”.

Những băn khoăn của người dân cũng được ông Võ Văn Phúc – Chánh thanh tra tỉnh Hà Tĩnh - thừa nhận: “Việc kê khai tài sản, thu nhập hiện nay đang do ý thức cá nhân tự kê khai, chưa có cơ chế hiệu quả để kiểm soát tính trung thực trong kê khai. Việc công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại các cuộc họp hay niêm yết ở các cơ quan còn mang tính hình thức”.

Chế độ mua tin phản ánh hành vi tham nhũng thiếu thực tế

Báo cáo trước kỳ họp HĐND tỉnh, Thanh tra tỉnh này cho hay, 11 tháng đầu năm 2018, toàn ngành thanh tra đã thực hiện 494 cuộc thanh tra, kiểm tra tại 4.906 tổ chức, cá nhân; đã phát hiện sai phạm tại 1.213 tổ chức, cá nhân, với số tiền sai phạm hơn 32 tỷ đồng và 398 m2 đất.

Trong đó Thanh tra tỉnh này kiến nghị thu hồi hơn 15,7tỷ đồng đồng và 398 m2 đất; xử lý khác hơn 16,6 tỷ đồng. Xử phạt hành chính 934 trường hợp với số tiền hơn 4,3 tỷ đồng. Kiến nghị xử lý hành chính 07 tập thể và 42 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 1 vụ.

Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh thừa nhận những con số về kết quả thực hiện phòng chống tham nhũng nêu trên vẫn còn nhiều hạn chế. Nguyên nhân chính xuất phát từ cả hệ thống chính trị, từng cơ quan cụ thể chưa làm tròn trách nhiệm, cơ chế triển khai còn nhiều bất cập.

Một trong những nguyên nhân mà Thanh tra tỉnh Hà Tĩnh chi ra, đó là việc triển khai phòng chống tham nhũng rất cần sự hợp tác, tố giác của người dân. Thế nhưng định mức tiêu chuẩn về kinh tế - kỹ thuật, định mức chi hành chính chưa phù hợp với tình hình thực tiễn. Báo cáo nêu chế độ mua tin phản ánh hành vi tham nhũng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng thiếu cụ thể, khó thực hiện.

Thiếu cơ chế kiểm soát trung thực, việc kê khai tài sản chỉ để… cho vui !? - Ảnh 3.

Hà Tĩnh xác nhận chưa có vụ việc tham nhũng nào được phơi bày từ việc chi tiền mua tin của người phản ánh, tố cáo.

 

“Quy định về khen thưởng đối với cá nhân có thành tích trong công tác PCTN, chế độ mua tin phản ánh hành vi tham nhũng, bảo vệ người tố cáo tham nhũng thiếu cụ thể, khó thực hiện, vì vậy chưa khuyến khích được cán bộ, đảng viên, người dân tham gia đấu tranh, tố cáo các hành vi tham nhũng”- Thanh tra Hà Tĩnh nêu rõ thêm điểm hạn chế dẫn đến việc triển khai phòng chống tham nhũng tại địa phương gặp nhiều khó khăn.

Văn Dũng