Thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài: Chỉ áp dụng khi “có đi có lại”?

(Dân trí) - Chính phủ đề xuất thí điểm cho phép người nước ngoài tự truy cập cổng thông tin điện tử của các cơ quan quản lý xuất nhập cảnh Việt Nam để thực hiện thủ tục xin thị thực điện tử. Cơ quan thẩm tra của Quốc hội cho rằng nên giới hạn phạm vi, chỉ áp dụng với công dân một số nước theo nguyên tắc có đi có lại…

Chiều 9/11, Quốc hội xem xét dự thảo Nghị quyết về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

Trình bày Tờ trình dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về việc thực hiện thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, thực hiện chủ trương hội nhập quốc tế của Đảng và Nhà nước ta, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam để góp phần phát triển du lịch, môi trường đầu tư kinh doanh… giữa tháng 10 vừa qua, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 36a về xây dựng Chính phủ điện tử, cải cách hành chính, trong đó có việc xây dựng và triển khai cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.


Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày đề án thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài tại Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày đề án thí điểm cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài tại Quốc hội. (Ảnh: Quochoi.vn)

Theo dự thảo Nghị quyết, toàn bộ quá trình từ nộp hồ sơ, xem xét giải quyết và thông báo kết quả cấp thị thực cho người nước ngoài đều thực hiện bằng phương tiện điện tử. Người nước ngoài được giải quyết cấp thị thực điện tử sẽ truy cập Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý xuất nhập cảnh để in thị thực.

Theo Bộ trưởng Công an, quy định cấp thị thực điện tử như trên sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam du lịch, tìm hiểu cơ hội đầu tư, giúp công tác kiểm tra, kiểm soát của cơ quan kiểm soát xuất nhập cảnh được nhanh chóng. Tuy nhiên, việc cấp thị thực điện tử như vậy chưa được quy định trong Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.

Để tạo cơ sở pháp lý cho việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài có nhu cầu nhập cảnh vào Việt Nam, việc xây dựng, ban hành nghị quyết của Quốc hội để thực hiện thí điểm chủ trương này là cần thiết.

Thẩm tra đề xuất đưa ra, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt khái quát, UB này nhất trí nhận định, việc thí điểm để tiến tới áp dụng hình thức thị thực điện tử đối với người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam không chỉ có ý nghĩa về chính trị, pháp lý, đối ngoại mà còn tác động trực tiếp, tích cực đến phát triển kinh tế- xã hội, nhất là khi Việt Nam đang chủ động hội nhập quốc tế.

Việc cấp thị thực điện tử cũng là tiến tới bảo đảm công khai, minh bạch, thuận lợi và tiết kiệm trong việc cấp thị thực điện tử cho người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam, đáp ứng yêu cầu cải cách và đơn giản hóa thủ tục hành chính, thu hút người nước ngoài vào Việt Nam du lịch, khảo sát thị trường, tìm cơ hội đầu tư, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội, đặc biệt là trong lĩnh vực du lịch.


Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh yêu cầu thực hiện thí điểm theo lộ trình, thận trọng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh yêu cầu thực hiện thí điểm theo lộ trình, thận trọng. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đánh giá về nội dung của dự thảo Nghị quyết, cơ quan thẩm tra nhận định, việc quy định đối tượng áp dụng thí điểm là tất cả người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam là quá rộng, sẽ đặt ra thách thức không nhỏ đối với hoạt động quản lý nhà nước về quốc phòng, an ninh và đối ngoại, nhất là trong điều kiện tình hình thế giới hiện nay đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó lường; điều kiện về nhân lực, vật lực của nước ta trên thực tế còn nhiều khó khăn.

Do vậy, UB Quốc phòng- An ninh đề nghị quy định về đối tượng áp dụng theo hướng thí điểm chọn nhóm công dân một số quốc gia nhất định theo nguyên tắc có đi có lại (với những nước đã áp dụng thị thực điện tử với công dân Việt Nam) hoặc với các nước có quan hệ truyền thống hữu nghị với Việt Nam. Sau thời gian thí điểm sẽ tổ chức tổng kết đánh giá để kiến nghị sửa đổi quy định của pháp luật hiện hành.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng- An ninh Võ Trọng Việt cho biết, xác định đối tượng điều chỉnh và lộ trình thực hiện như vậy vừa bảo đảm thận trọng, phù hợp với tính chất của việc thí điểm đồng thời đảm bảo về thời gian để Chính phủ tập trung chuẩn bị về nhân lực, vật lực để thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý người nước ngoài nhập cảnh Việt Nam.

P.T