Tham nhũng không giảm trong 10 năm qua

(Dân trí) - Đó là một trong những thông tin được đưa ra tại Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo kết quả nghiên cứu, khảo sát 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Thanh tra Chính phủ tổ chức ngày 24/3.

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TTCP)
Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Thanh tra Chính phủ phát biểu tại hội thảo (Ảnh: TTCP)

Kết quả khảo sát 1.098 người trên khắp cả nước cho thấy: Tham nhũng ngày càng được nhiều người đánh giá là “phổ biến” và “rất phổ biến”; tỷ lệ người dân trả chi phí ngoài quy định và các nhóm xã hội quan tâm đến tham nhũng là không đổi trong 10 năm gần đây; tham nhũng ngày càng tinh vi phức tạp; các nhóm đối tượng đều bình chọn tham nhũng là 1 trong 3 vấn đề nghiêm trọng nhất hiện nay, trong đó cán bộ công chức xếp đây là vấn đề số 1 trong các vấn đề kinh tế, xã hội, môi trường.

Đáng chú ý, đa số những người được hỏi đều đánh giá tham nhũng không giảm trong 10 năm qua. Tỷ lệ cán bộ nhà nước đánh giá việc thi hành biện pháp phòng ngừa tham nhũng hiệu quả còn hạn chế, nhất là các biện pháp liên quan đến cá nhân.

Trong khi đó, thực hiện cơ chế phát hiện xử lý hành vi tham nhũng chưa được đánh giá cao; tỷ lệ tài sản tham nhũng thu hồi được rất thấp (chỉ có khoảng 3,8% đối tượng tham gia khảo sát cho rằng tỷ lệ thu hồi là “cao”). Đa số cán bộ công chức cho rằng cần tiếp tục hoàn thiện mô hình tổ chức phòng chống tham nhũng và thay đổi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan, đơn vị chuyên trách phòng chống tham nhũng.

Từ đó, nhóm nghiên cứu của Thanh tra Chính phủ khuyến nghị Luật Phòng chống tham nhũng (sửa đổi) phải có cơ chế đảm bảo thi hành và tránh bị tác động bởi các yếu tố chủ quan trong quá trình thực hiện các biện pháp cụ thể về phòng ngừa, phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng. Bên cạnh việc xem xét sửa đổi, bổ sung một số khái niệm liên quan đến tham nhũng thì cần phải đổi mới căn bản quy định về kê khai tài sản, thu nhập, áp dụng nhiều biện pháp để minh bạch hóa tài sản. Bổ sung quy định về bảo vệ người cung cấp thông tin và miễn trừ trách nhiệm pháp lý trong một số trường hợp; cân nhắc chính sách khoan hồng phù hợp đối với người đưa hối lộ trong trường hợp bị ép buộc, bất khả kháng hoặc đã chủ động tố giác khi bị phát hiện…

Ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Tổng Than tra Chính phủ cho rằng, việc tiến hành khảo sát thực tiễn và rà soát pháp luật có ý nghĩa quan trọng giúp phản ánh một góc nhìn khác từ phía người dân, doanh nghiệp, cán bộ công chức - viên chức và các chuyên gia về thực trạng tham nhũng và tiến triển công tác phòng chống tham nhũng trong 10 năm qua. Dự thảo báo cáo khảo sát cho thấy những phát hiện về tình trạng, diễn biến và hiệu quả của các biện pháp phòng chống tham nhũng, các giải pháp và đề xuất dựa trên cảm nhận và trải nghiệm của các đối tượng khảo sát.

Mặc dù kết quả nghiên cứu dựa trên các con số có sự chênh lệch nhất định so với thực tế nhưng ông Thanh cho rằng, những nhận định và kết luận về tình hình tham nhũng nói chung là có cơ sở chính đáng.

Thế Kha