Cà Mau:

Tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm

(Dân trí) - “Địa phương nào để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài thì Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh”, Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ trước tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài vẫn còn xảy ra và ngày càng phức tạp.

Theo UBND tỉnh Cà Mau, trong những năm qua, các cấp, các ngành đã triển khai thực hiện nhiều giải pháp ngăn chặn tàu cá và ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài. Tuy nhiên, tình hình vi phạm vẫn còn tiếp tục xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp.

Qua thống kê của tỉnh này cho biết, trong năm 2015, có 42 phương tiện vi phạm (tăng 17 phương tiện so với năm 2014); tính riêng trong quý I/2016 có đến 7 phương tiện vi phạm.

Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp. (Ảnh minh họa)
Tình trạng tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài còn xảy ra và diễn biến ngày càng phức tạp. (Ảnh minh họa)

Trước tình hình trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Nguyễn Tiến Hải chỉ đạo Sở NN&PTNT phối hợp cùng Bộ đội biên phòng, Công an tỉnh, Sở TN-MT, các địa phương ven biển tăng cường công tác quản lý tàu cá, tổ chức các lớp tập huấn, tuyên truyền ngư dân khai thác hải sản không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Các cơ quan chức năng cần tăng cường tuần tra kiểm soát trên biển và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định như phạt tiền từ 50- 70 triệu đồng đối với chủ tàu cá hoặc thuyền trưởng có hành vi cố ý đưa tàu cá, ngư dân đi khai thác thủy sản trái phép tại vùng biển của quốc gia hoặc lãnh thổ khác; tước quyền sử dụng bằng thuyền trưởng, giấy phép khai thác thủy sản từ 3- 6 tháng; buộc chủ tàu hoặc thuyền trưởng chi trả kinh phí đưa công dân Việt Nam bị cơ quan có thẩm quyền nước ngoài bắt giữ đưa về nước.

Đối với các tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt sau đó mua lại, chuộc về, trốn về, được thả về Việt Nam thì ngoài việc xử phạt như trên thì cần theo dõi, giám sát chặt chẽ các phương tiện này như bắt buộc chủ tàu vi phạm khi có đủ điều kiện hoạt động trở lại phải lắp đặt máy thông tin liên lạc đường dài trên tàu tương thích với Trạm bờ của Chi cục thủy sản; thuyền trưởng phải báo cáo vị trí tàu đang hoạt động hàng ngày trên biển về Trạm bờ; không cấp giấy phép khai thác thủy sản cho những tàu cá có 2 lần vi phạm trở lên; không xét cho chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài được hưởng các chính sách hỗ trợ của Nhà nước về phát triển thủy sản; xử lý nghiêm các phương tiện khai thác thủy sản không đúng ngư trường theo giấy phép được cấp, nhất là tàu có công suất 20CV trở lên khai thác vùng biển ven bờ, tàu sử dụng các phương tiện, chất cấm để khai thác mang tính chất hủy diệt nguồn thủy sản.

Chủ tịch tỉnh yêu cầu lực lượng Bộ đội biên phòng kiên quyết không cho xuất bến đối với chủ tàu, thuyền trưởng không thực hiện việc ký cam kết không khai thác hải sản vi phạm vùng biển nước ngoài; nếu phát hiện tàu làm nghề cào banh lông, tàu có đánh dấu và số hiệu,… không đúng quy định thì không cho ra biển hoạt động.

Yêu cầu Công an tỉnh phối hợp điều tra, xử lý các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc móc nối, đưa tàu đi khai thác ở vùng biển nước ngoài; mua, chuộc trái phép tàu cá bị nước ngoài bắt.

Chủ tịch tỉnh chỉ đạo các địa phương thông báo danh sách tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt, xử lý trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương, nhằm nâng cao ý thức người dân trong việc chấp hành các quy định của pháp luật; tổ chức họp kiểm điểm trước dân đối với các chủ tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài.

"Địa phương nào để xảy ra tình trạng tàu cá, ngư dân vi phạm vùng biển nước ngoài thì Chủ tịch huyện phải chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh", Chủ tịch tỉnh Cà Mau chỉ đạo rõ.

Huỳnh Hải