Tạo chuyển biến căn bản trong thi hành án dân sự

(Dân trí) - Giai đoạn hiện nay, các cơ quan thi hành án dân sự thủ đô Hà Nội đứng trước thời cơ và thách thức. Trong đó, yêu cầu của xã hội, của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế... đặt ra yêu cầu lớn.

Ông Lê Quang Tiến – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục thi hành án dân sự Hà Nội cho biết: “Hàng năm, đơn vị giải quyết hàng vạn bản án, quyết định của Tòa án. Tuy nhiên, nhiệm vụ trước mắt cũng như lâu dài của các cơ quan Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội còn hết sức nặng nề. Vẫn còn nhiều bản án, quyết định chưa được thi hành, tình trạng khiếu nại, tố cáo về thi hành án tuy đã giảm nhưng vẫn còn nhiều...”.

Theo đó, bối cảnh năm 2016 và cả giai đoạn 2016 – 2021, các cơ quan thi hành án dân sự thủ đô Hà Nội đứng trước thời cơ và thách thức. Trong đó, yêu cầu của xã hội, của công cuộc cải cách hành chính, cải cách tư pháp, hội nhập quốc tế (nhất là trên địa bàn thủ đô Hà Nội) đối với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các cơ quan thi hành án dân sự thành phố Hà Nội ngày càng cao.


Ông Lê Quang Tiến – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội

Ông Lê Quang Tiến – Bí thư Đảng ủy, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội

Số việc, số tiền thụ lý tăng cao, tạo áp lực hoàn thành chỉ tiêu đối với các Chấp hành viên; thị trường bất động sản vẫn còn trầm lắng, tài sản kê biên, hạ giá nhiều lần không bán được. Một số trường hợp Bản án, Quyết định của Tòa án tuyên không rõ, khó thi hành v.v.

Một là, triển khai đầy đủ, kịp thời có hiệu quả chỉ đạo của Bộ, Tổng cục, Thành phố, tranh thủ tối đa sự quan tâm của Bộ, ngành và thành phố, trong đó: Cục và các Chi cục THADS Hà Nội đã làm tốt việc quán triệt triển khai đầy đủ, kịp thời chỉ đạo của Bộ, Tổng cục, Thành phố đến các đơn vị trực thuộc, cụ thể hóa để thực hiện phù hợp với đặc điểm tình hình của Thủ đô. Trên cơ sở đó, hàng năm, Cục Thi hành án dân sự thành phố luôn chú trọng đến việc xây dựng, ban hành các Kế hoạch bảo đảm sát với tình hình thực tế, có tính khả thi cao. Đơn cử như năm 2016, nhiều kế hoạch quan trọng được ban hành như Kế hoạch số 55/KH-CTHA ngày 24/3/2016 về tổ chức thực hiện “Chương trình hành động của ngành Tư pháp triển khai thực hiện Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 07/01/2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu chỉ đạo điều hành thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2016”; Kế hoạch chỉ đạo, giải quyết các hồ sơ thi hành án dân sự trọng điểm phúc tạp, kéo dài; Kế hoạch triển khai thực hiện kết luận của Tổng Cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự tại buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội ngày 27/01/2016; Quyết định số 105/QĐ-CTHADS ngày 24/3/2016 về việc kiện toàn Tổ công tác chỉ đạo xử lý các việc thi hành án có liên quan đến hoạt động tín dụng, ngân hàng v.v. Cùng với đó, Lãnh đạo Cục cũng tập trung chỉ đạo tiếp tục tổ chức thực hiện Kế hoạch phối hợp lãnh đạo, chỉ đạo công tác Thi hành án dân sự trên địa bàn Thành phố Hà Nội (Ban hành kèm theo Quyết định số 2597/QĐ-UBND ngày 08 tháng 6 năm 2015 của UBND thành phố Hà Nội); Tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các quy chế đã được ký kết như: Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự với cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và Sở Tư pháp; Quy chế phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Chi nhánh Thành phố Hà Nội và Quy chế phối hợp với Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội.

Hai là, liên tục coi công tác cán bộ là khâu cốt yếu, tạo ra bước đột phá trong việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác: Trong công tác này, tập trung vào một số nội dung trọng yếu như rà soát, đánh giá, làm rõ thực trạng về đội ngũ cán bộ (nhất là người đứng đầu). Đến nay đã đánh giá một cách đầy đủ, toàn diện tổ chức, cán bộ của 30 Chi cục và ở đơn vị Cục. Cục đã ban hành Quy chế điều động, luân chuyển, biệt phái, định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với công chức các cơ quan thi hành án dân sự trên địa bàn thành phố Hà Nội. Trên cơ sở nhận diện, đánh giá kỹ tình hình hoạt động, tính chất, khối lượng công việc của từng đơn vị, từng địa bàn để đưa ra các quyết định quản lý một cách thích hợp. Với tình hình yêu cầu công tác ngày càng cao, chỉ tiêu thi hành án các năm tăng dần, trong khi chỉ tiêu chấp hành viên giảm, Cục Thi hành án dân sự thành phố Hà Nội đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm khắc phục, tháo gỡ khó khăn cho các đơn vị toàn thành phố như: điều chỉnh giảm biên chế của những đơn vị khó khăn ít để bổ sung cho các đơn vị khó khăn nhiều (Cục đã quyết định cắt giảm biên chế của 08 đơn vị để điều chỉnh bổ sung kịp thời cho những đơn vị đang đặc biệt khó khăn); cùng với đó thì tiến hành điều động công chức từ đơn vị cắt giám biên chế sang các đơn vị mới được bổ sung; quyết liệt trong việc sắp xếp bố trí lại đội ngũ công chức lãnh đạo (nhất là người đứng đầu) của cả các Phòng chuyên môn thuộc Cục và các Chi cục, bảo đảm để không được trì trệ; những đồng chí không đáp ứng được yêu cầu thì tạo điều kiện được bố trí công việc khác hoặc thực hiện chính sách phù hợp theo quy định; tăng cường biệt phái Chấp hành viên, công chức (trong đó chủ yếu là Chấp hành viên) để hỗ trợ kịp thời cho các đơn vị đang là điểm nóng để giải quyết tức thì công việc.

Ba là, tăng cường kiểm soát đầy đủ, toàn diện, chính xác công việc của tất cả các đơn vị trên địa bàn toàn thành phố trong đó: Lãnh đạo Cục nắm chắc công việc thông qua công tác thống kê, báo cáo thống kê định kỳ và đột xuất hàng tháng, từ đó có giải pháp phù hợp với từng đơn vị. Chú trọng đẩy mạnh công tác kiểm tra định kỳ, đột xuất, kiểm tra chuyên đề và công tác tự kiểm tra. Đeo bám đến cùng những việc đã có ý kiến chỉ đạo và những vấn đề đã được kiểm tra, có kết luận. Tăng cường hướng mạnh về cơ sở, chú trọng biện pháp kiểm tra công vụ qua đó vừa đánh giá đúng tình hình, vừa có biện pháp hướng dẫn, chỉ đạo, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc của các địa phương. Đối với những vấn đề có đơn thư, phản ánh, Cục đều lắng nghe kỹ lưỡng, kiểm tra làm rõ, nếu đúng thì có biện pháp chỉ đạo quyết liệt tổ chức khắc phục, đồng thời có biện pháp kiểm điểm nghiêm túc đối với những trường hợp có sai sót (nhẹ thì kiểm điểm rút kinh nghiệm, nặng thì có hình thức xử lý kỷ luật). Tăng cường và duy trì thường xuyên công tác giao ban giữa Cục với các Chi cục. Sau mỗi lần giao ban, đều có kết luận, chỉ đạo tháo gỡ, giải quyết kịp thời vướng mắc của địa phương, định hướng những công việc cần tập trung giải quyết, tháo gỡ. Thường xuyên quan tâm đôn đốc, kịp thời cho ý kiến chỉ đạo nghiệp vụ đối với các hồ sơ khó khăn, vướng mắc, khó thi hành, các vụ việc khiếu nại phức tạp khi các Chi cục và Chấp hành viên xin ý kiến. Chỉ đạo các Chi cục, các Chấp hành viên thuộc Cục thực hiện việc rà soát, phân loại hồ sơ, xây dựng kế hoạch chi tiết để tổ chức thi hành án đối với các việc thi hành án trọng điểm, án liên quan đến tín dụng, ngân hàng, việc thu hồi tài sản cho nhà nước. Những vụ án lớn, án trọng điểm được tập thể lãnh đạo Cục bàn, chỉ đạo, hỗ trợ với Chấp hành viên và các đơn vị.

Bốn là, thường xuyên đúc rút kinh nghiệm trong việc triển khai có hiệu quả các vụ việc thi hành án dân sự: Thực tiễn cho thấy, Hà Nội thường xảy ra những vụ việc thi hành án khó khăn, phức tạp. Bài học kinh nghiệm thực tiễn cho thấy, để giải quyết có hiệu quả công tác thi hành án dân sự thì ngoài phải tranh thủ tối đa sự đồng tình ủng hộ của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự hỗ trợ của các ngành, các cấp đòi hỏi phải nhạy bén, trí tuệ trong đó: (i) Phải nhận diện thật rõ ràng các vụ việc từ đó, đưa ra các định hướng cụ thể cho quá trình xử lý. Muốn nhận diện được thì phải xác minh, tìm hiểu kỹ nội dung của vụ việc, từ đó làm rõ mấu chốt của vấn đề phức tạp từ đâu (thực tiễn cho thấy có những vụ việc không phải chỉ xuất phát từ các bên đương sự mà có những vụ việc phức tạp phát sinh từ yếu tố bên ngoài tác động).(ii) Phải dựa chắc vào cơ sở pháp lý và nội dung bản án, quyết định của Tòa án, từ đó định hướng cách giải quyết. Bởi vì, dù phương pháp hay nhưng cơ sở pháp lỹ không vững chắc thì cũng không thể thực hiện được. (iii) Huy động tối đa các mối quan hệ mà mình có để tham gia vào cuộc đối với việc tổ chức thi hành từng vụ việc. (iv) Tranh thủ được sự đồng tình ủng hộ của cấp chính quyền và các tổ chức chính trị địa phương sẽ thành công. Đây là cơ sở quan trọng, quyết định sự thành công. (v) Phải kiên trì thuyết phục. Việc thuyết phục không chỉ của riêng cơ quan thi hành án mà đề nghị sự vào cuộc của các ngành, sự kiên quyết của Cục với nhiều biện pháp (kể cả biện pháp tổ chức). (vi) Khi đã có đủ cơ sở thì phải kiên quyết.v.v.

Năm là, chú trọng công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo: Công tác tiếp dân và giải quyết khiếu nại tố cáo được lãnh đạo Cục và các Chi cục Thi hành án dân sự thành phố quan tâm, hàng tuần sắp xếp lịch trực tiếp dân và cử cán bộ trực tiếp dân hàng ngày theo đúng quy định. Các trường hợp công dân đến đều được cán bộ trực tiếp dân hướng dẫn nhiệt tình, không phiền hà sách nhiễu. Tổ chức và thực hiện tốt công tác tiếp công dân, thực hiện theo Quy chế tiếp công dân. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo đảm bảo khách quan, chính xác, kịp thời, đúng quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất khiếu nại, tố cáo mới phát sinh, tố cáo, khiếu nại phức tạp, vượt cấp, kéo dài. Trong đó Cục đặc biệt chú trọng đến công tác vận động, giáo dục, thuyết phục nhờ đó có những vụ tồn đọng gần 10 năm nay đã được các bên thỏa thuận với nhau để giải quyết.

Minh Anh