Sẽ sớm bầu lại Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ

(Dân trí) - Lãnh đạo chủ chốt và bộ máy nhân sự các cơ quan nhà nước vừa được bầu, kiện toàn tại Quốc hội kỳ này có 3 tháng “thử thách” trước mắt vì tháng 7 tới, tại kỳ họp đầu tiên của khóa mới, Quốc hội một lần nữa bầu lại từ Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng cho tới các nhân sự khác…


Ba chức danh lãnh đạo chủ chốt sẽ được bầu lại vào tháng 7 tới.

Ba chức danh lãnh đạo chủ chốt sẽ được bầu lại vào tháng 7 tới.

Việc bầu mới 3 chức danh lãnh đạo chủ chốt của nhà nước tại kỳ họp này, như các tờ trình, báo cáo của các cơ quan giới thiệu, đề cử nêu ra trước Quốc hội là để kiện toàn bộ máy nhà nước của nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016). Quốc hội phải thực hiện việc bầu lại các nhân sự ngay trong những ngày sau cùng của nhiệm kỳ là để thay thế 3 lãnh đạo cao nhất của nhà nước đã không còn tham gia Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương sau Đại hội Đảng lần thứ 12 diễn ra cuối tháng 1 vừa qua.

Trong thể chế của Việt Nam, như phân tích của đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa), quyền lực nhà nước luôn gắn liền với quyền lực chính trị. Đây là lần đầu tiên mà cả 3 chức danh lãnh đạo cao nhất của nhà nước cùng lúc không còn ở những vị trí nắm quyền trong Đảng.

“Những người giữ cương vị lãnh đạo mà lại không đồng thời giữ vị trí trong Đảng thì sự thật là sẽ rất khó trong việc thực hiện chức năng nhiệm vụ vì khi đó người lãnh đạo không có đầy đủ quyền lực về mặt luật pháp, chính trị. Vậy nên, vì giữ cương vị trọng trách nào đó trong bộ máy mà lại không đồng hành với vị trí, quyền lực chính trị thì quả là rất khó” – ông Lê Nam đã nhấn mạnh trong một bài trả lời phỏng vấn Dân trí đăng trong ngày khai mạc kỳ họp 11.

Theo đó, Quốc hội phải tiến hành miễn nhiệm chức vụ với cả Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp này (những người không còn tham gia trong bộ máy lãnh đạo Đảng). Mà các cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước không thể một ngày không có người đứng đầu. Do đó, Quốc hội cũng phải tiến hành bầu lại nhân sự mới thay thế tại kỳ họp.

Kỳ họp 11, Quốc hội khóa XIII vừa qua đã thực hiện việc bầu, phê chuẩn 37 chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước. 16 chức danh được bầu là: Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước; Thủ tướng; Chủ tịch Quốc hội và 9/18 thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Tổng Kiểm toán Nhà nước; Chánh án TAND tối cao; Viện trưởng Viện KSND tối cao. 21 chức danh được phê chuẩn gồm 3 Phó Thủ tướng, 18 Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

Và thực tế, theo phương án giới thiệu của Đảng, bà Nguyễn Thị Kim Ngân, ông Trần Đại Quang, ông Nguyễn Xuân Phúc – những Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII của Đảng đã được Quốc hội thống nhất bầu làm tân Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước và Thủ tướng Chính phủ thay cho các nhân sự đã được miễn nhiệm.

Kèm theo việc thay đổi những lãnh đạo chủ chốt đứng đầu các cơ quan cao nhất của nhà nước, bộ máy nhân sự các khối cơ quan lập pháp, hành pháp, tư pháp cũng được thực hiện để kiện toàn cả hệ thống.

Tuy nhiên, theo quy định của Hiến pháp, Quốc hội khóa nào sẽ bầu ra người đứng đầu các cơ quan nhà nước của khóa đó. Quốc hội khóa XIII thực hiện việc bầu, phê chuẩn các chức danh kỳ này, như khẳng định của Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc, cũng vẫn là nhân sự của nhiệm kỳ khóa XIII (2011-2016).

3 tháng tới, sau cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIV, tại kỳ họp đầu tiên, Quốc hội khóa XIV sẽ bầu ra các chức danh lãnh đạo và bộ máy của mình. Điều đó có nghĩa, tất cả các vị trí nhân sự vừa được bầu mới, kiện toàn mới cũng sẽ phải thực hiện việc bầu lại, trình phê chuẩn lại.

Điểm khác biệt so với công tác nhân sự tại kỳ họp này là, tại kỳ họp tới, Quốc hội xem xét thêm các vị trí nhân sự theo quy định bắt buộc phải là đại biểu Quốc hội.

Ví dụ, theo quy định của Hiến pháp, ở khối cơ quan Quốc hội – những người làm công tác chuyên trách của Quốc hội, các thành viên của UB Thường vụ Quốc hội đều phải là đại biểu Quốc hội. Kỳ họp vừa qua, Quốc hội mới chỉ bầu được Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, 2 Phó Chủ tịch mới là các ông Phùng Quốc Hiển, Đỗ Bá Tỵ, 7 ủy viên UB Thường vụ khác là Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, các Chủ nhiệm UB của Quốc hội vì các nhân sự thay thế có sẵn là các đại biểu Quốc hội.

Tuy nhiên, trong cơ cấu UB Thường vụ Quốc hội hiện vẫn còn những nhân sự đã hết tuổi công tác hoặc không còn tham gia Ban chấp hành Trung ương Đảng, cần phải tiếp tục kiện toàn như vị trí của Chủ nhiệm UB Đối ngoại (hiện tại do ông Trần Văn Hằng đảm nhiệm), Chủ nhiệm UB Pháp luật (hiện tại do ông Phan Trung Lý đảm nhiệm).

Nhìn vào danh sách những người đang công tác ở các cơ quan khác được chuyển sang giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khóa XIV ở khối cơ quan Quốc hội có thể thấy đây là những nhân sự được “dấm” để thay thế. Tuy nhiên, các “ứng viên” này hiện không phải là đại biểu Quốc hội nên phải đợi sau kỳ bầu cử này, nếu trúng đại biểu Quốc hội mới được trình để bầu vào các vị trí đang… chờ.

Đó là lý do vì sao, những vị trí nhân sự này chưa được kiện toàn tại kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khóa XIII.

Ngoài ra, theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Quốc hội, Quốc hội bầu các chức danh Chủ tịch nước và Phó chủ tịch nước; Chủ tịch Quốc hội, Phó chủ tịch Quốc hội, các ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng chính phủ “trong số các đại biểu Quốc hội”.

Như vậy tại kỳ bầu cử đại biểu Quốc hội tháng 5 tới, nếu người nào giữ chức danh bắt buộc là đại biểu Quốc hội mà không trúng cử thì đương nhiên thôi chức danh đó.

Đồng thời với đó, kỳ họp sau, Quốc hội cũng bầu, phê chuẩn lại toàn bộ những chức danh đã thực hiện tại kỳ họp này (cả những chức danh không cần bắt buộc là đại biểu Quốc hội).

Việc chuyển giao quyền lực, kiện toàn sớm bộ máy nhân sự các cơ quan vừa qua, theo đó, vừa để tránh tạo ra những khoảng trống quyền lực trong thời điểm chuyển từ nhiệm kỳ cũ sang một nhiệm kỳ mới vừa tạo ra một “phép thử” với cán bộ, một cuộc “thi vượt rào” bằng kỳ bầu cử Quốc hội tháng 5 tới, như một đại biểu Quốc hội đã so sánh.

P.Thảo