Sẽ có khoảng 25-50 đại biểu Quốc hội là người ngoài Đảng

(Dân trí) - Ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày Chủ nhật 22/5/2016. Tổng số đại biểu Quốc hội là 500 người, trong đó số ở Trung ương là 198 và ở địa phương là 302 đại biểu. Đại biểu Quốc hội ngoài Đảng dự kiến khoảng 25-50 người.

 

Ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày Chủ nhật 22/5/2016 (Ảnh minh họa: TTXVN).
Ngày bầu cử Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021 là ngày Chủ nhật 22/5/2016 (Ảnh minh họa: TTXVN).

 

Tại Hội nghị toàn quốc về triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016-2021, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, sẽ có 3 hội nghị hiệp thương, giới thiệu người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND. Hội nghị lần thứ nhất diễn ra ngày 17/2, hội nghị lần hai diễn ra vào ngày 18/3 và lần thứ ba vào ngày 17/4.

Người được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử có hạn chót để nộp hồ sơ tại Ủy ban Bầu cử ở các tỉnh nơi cư trú hoặc nơi công tác thường xuyên vào ngày 13/3.

Đến ngày 22/5 (ngày Chủ nhật) cử tri cả nước sẽ đi bầu cử. Kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu HĐND được công bố chậm nhất ngày 1/6. Hội đồng Bầu cử Quốc gia sẽ công bố kết quả bầu cử và danh sách người trúng cử đại biểu Quốc hội chậm nhất ngày 11/6.

Theo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự kiến số lượng, cơ cấu, thành phần đại biểu Quốc hội khóa XIV, số lượng đại biểu Quốc hội khóa XIV sẽ là 500 người.

Cụ thể, số lượng đại biểu ở Trung ương dự kiến là 198 người (39,6%); trong đó các cơ quan Đảng là 11 đại biểu, Chính phủ và cơ quan thuộc Chính phủ là 18, các cơ quan của Quốc hội (đại biểu chuyên trách ở Trung ương) là 114 người, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức thành viên là 31 đại biểu; TAND Tối cao 1 đại biểu; VKSND Tối cao 1 đại biểu; Kiểm toán Nhà nước là 1 đại biểu…

Sẽ có khoảng 80 Ủy viên Trung ương Khoá XII tham gia Quốc hội khoá XIV, trong đó 12-14 vị là Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Số lượng đại biểu ở địa phương là 302 (60,4%) với 63 lãnh đạo chủ chốt ở địa phương làm Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội và 67 Phó trưởng đoàn chuyên trách (mỗi địa phương 1 người, riêng Hà Nội, TPHCM, tỉnh nghệ An và tỉnh Thanh Hoá sẽ có 2 phó đoàn chuyên trách).

Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự kiến số lượng đại biểu của Bộ Quốc phòng là 15 người, Bộ Công an 3 người. Số đại biểu doanh nghiệp, hiệp hội, nghiệp đoàn về lĩnh vực sản xuất kinh doanh dự kiến 7 người. Đại biểu ngoài Đảng 25-50 người, người trẻ dưới 40 tuổi khoảng 50, đại biểu tái cử khoảng 160 đại biểu.

Ông Phạm Minh Chính - Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương cho biết, độ tuổi chung của người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND là nam sinh từ tháng 5/1961, nữ sinh từ tháng 5/1966 trở lại đây.

Người ứng cử đại biểu Quốc hội phải bảo đảm các tiêu chuẩn quy định tại Luật Tổ chức Quốc hội. Người ứng cử đại biểu HĐND phải đảm bảo các tiêu chuẩn quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương.

Theo Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 4/1/2016 của Bộ Chính trị, các cấp ủy, các tổ chức đảng lãnh đạo cần đảm bảo cuộc bầu cử được tiến hành dân chủ, bình đẳng, đúng pháp luật, an toàn, tiết kiệm và thực sự là ngày hội của toàn dân. Bên cạnh đó cần lãnh đạo tốt công tác nhân sự, đảm bảo phát huy dân chủ và sự lãnh đạo tập trung, thống nhất của Đảng trong công tác cán bộ; gắn kết quả nhân sự của Đại hội Đảng các cấp và quy hoạch cán bộ với công tác chuẩn bị nhân sự để giới thiệu những người tiêu biểu, có quan điểm, lập trường chính trị vững vàng…

Đặc biệt, không đưa vào danh sách ứng cử người có biểu hiện cơ hội chính trị, tham vọng quyền lực, có tư tưởng cục bộ, bảo thủ; đang bị thanh tra, kiểm tra dấu hiệu vi phạm, đã bị các cơ quan có thẩm quyền kết luận không trung thực; người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra những vụ việc tham nhũng, lãng phí, mất đoàn kết nghiêm trọng.

Chỉ thị cũng yêu cầu lãnh đạo bầu đủ số lượng đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp, đặc biệt coi trọng chất lượng đại biểu; đảm bảo cơ cấu hợp lý về số đại biểu là người đang công tác ở cơ quan Đảng, Nhà nước, lực lượng vũ trang, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể nhân dân; giảm hợp lý số đại biểu công tác tại cơ quan hành chính, tăng số lượng đại biểu chuyên trách, đảm bảo tỷ lệ người ứng cử là phụ nữ… Việc lựa chọn, giới thiệu người ứng cử và tự ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND phải đảm bảo theo đúng quy trình pháp luật.

“Cần ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, vi phạm pháp luật về bầu cử. Kiên quyết đấu tranh chống mọi luận điệu xuyên tạc, âm mưu, hoạt động phá hoại cuộc bầu cử, lợi dụng bầu cử để gây rối an ninh, trật tự. Có các phương án chủ động đối phó với những tình huống thiên tai có thể xảy ra trong thời gian tiến hành bầu cử”- Chỉ thị nêu rõ.

Kha Xuân Lộc