Quá nửa đại biểu Quốc hội đồng ý hạn chế “quy tội” người 14 - 16 tuổi

(Dân trí) - Trao đổi bên hành lang Quốc hội chiều 19/6, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, kết quả thăm dò ý kiến các đại biểu Quốc hội trước khi luật sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự được đưa ra biểu quyết, hơn một nửa số đại biểu thể hiện sự nhất trí với phương án thu hẹp phạm vi chịu trách nhiệm hình sự đối với người 14 - 16 tuổi.

Cụ thể, trong tổng số 435 phiếu lấy ý kiến được thu lại để tổng hợp, có 276 đại biểu Quốc hội đồng ý với phương án Chính phủ trình. Con số này tương đương 63,4% số các đại biểu đã thể hiện quan điểm và bằng 56,2% tổng số đại biểu Quốc hội.

Việc tỷ lệ ý kiến ủng hộ phương án này chênh lệch không nhiều so với phương án giữ nguyên phạm vi chịu trách nhiệm hình sự như Bộ Luật Hình sự 2015 cho thấy quan điểm về vấn đề nhân đạo trong chính sách hình sự với người phạm tội ở lứa tuổi này vẫn rất khác nhau. Tuy nhiên, Quốc hội sẽ quyết định theo đa số.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.
Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật Hình sự 2015 cũng đã được gửi đến các đại biểu Quốc hội. Tại báo cáo, UB Thường vụ Quốc hội cho biết, một số ý kiến đại biểu tán thành với quy định của dự thảo Luật do Chính phủ trình là “không xử lý hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội thuộc loại tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng trong nhóm 3 tội danh: Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác (Điều 134), Tội hiếp dâm (Điều 141), Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản (Điều 169).

Một số ý kiến đề nghị giữ khoản 2 Điều 12 của Bộ luật Hình sự 2015 vì cho rằng, tình trạng bạo lực học đường, hiếp dâm, bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản do người chưa thành niên thực hiện thời gian qua có chiều hướng gia tăng, cần phải xử lý nghiêm.

UB Thường vụ Quốc hội nhận định, quan điểm nhất quán của Nhà nước được thể hiện trong Bộ luật Hình sự năm 1985 và năm 1999 là chỉ xem xét trách nhiệm hình sự đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng do cố ý hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Do yêu cầu đấu tranh phòng, chống tội phạm, Bộ luật Hình sự năm 2015 đã quy định trách nhiệm hình sự của người chưa thành niên ở độ tuổi này cả trong trường hợp phạm tội ít nghiêm trọng và phạm tội nghiêm trọng đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, Tội hiếp dâm và Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, trong lần sửa đổi này, xuất phát từ chính sách nhân đạo và yêu cầu phòng, chống tội phạm của người chưa thành niên, cũng như theo đề nghị của nhiều cơ quan, Chính phủ đề nghị sửa đổi, bổ sung theo hướng chỉ xem xét trách nhiệm hình sự của người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phạm tội rất nghiêm trọng hoặc phạm tội đặc biệt nghiêm trọng được quy định tại 28 điều luật cụ thể liệt kê tại khoản 2 Điều 12 để bảo đảm tính nhất quán trong chính sách hình sự, phù hợp với Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em mà Việt Nam là thành viên.

Sau nhiều phiên thảo luận, tại kỳ họp thứ 3, ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội vẫn còn khác nhau. Theo chỉ đạo của UB Thường vụ Quốc hội, Tổng thư ký Quốc hội đã gửi phiếu thăm dò ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về nội dung này.

Kết quả, như Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đã nói, có 276/435 ý kiến của các đại biểu tán thành với việc quy định người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng tại khoản 2 Điều 12.

Tiếp thu ý kiến của đa số các đại biểu Quốc hội, UB Thường vụ xin cho sửa đổi khoản 2 Điều 12; đồng thời sửa đổi các điều 91, 93, 94, 95 và 100 cho phù hợp với quy định tại Điều 12.

Không miễn trừ hoàn toàn cho việc luật sư không tố giác thân chủ

Một nội dung còn tranh cãi khác là phạm vi được miễn trừ trách nhiệm hình sự của luật sư khi không tố giác tội phạm là thân chủ.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, UB Thường vụ Quốc hội đã tiếp thu và cấu tạo các điều luật theo hướng thu hẹp hơn phạm vi chịu trách nhiệm hình sự của người bào chữa về hành vi không tố giác tội phạm.

Theo đó, người không tố giác là người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự, trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc tội khác là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng do chính người mà mình bào chữa đang chuẩn bị, đang thực hiện hoặc đã thực hiện mà người bào chữa biết rõ khi thực hiện nhiệm vụ bào chữa.

UB Thường vụ Quốc hội cho biết đã cân nhắc đặc thù của hoạt động bào chữa, mối quan hệ giữa người bào chữa với người được bào chữa; nhưng việc Nhà nước không miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa xuất phát từ mục đích bảo vệ an ninh quốc gia, bảo vệ trật tự, an toàn xã hội, vì lợi ích chung của cộng đồng nên trong một số trường hợp người bào chữa vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự đối với hành vi không tố giác tội phạm của chính người mà mình bào chữa.

Mặt khác, vấn đề này cũng đã được Quốc hội tổ chức lấy ý kiến nhân dân trong quá trình xây dựng Bộ luật Hình sự năm 2015. Kết quả cho thấy, đa số ý kiến nhân dân không đồng ý miễn trừ hoàn toàn trách nhiệm của người bào chữa.

P.Thảo