Phó Thủ tướng thống nhất tính lại phí BOT

(Dân trí) - Đáp lại phản ánh của UB Tài chính Ngân sách của Quốc hội về bất cập trong nhiều tuyến đường duy nhất được cho phép thực hiện dự án BOT để thu phí, không cho người dân sự lựa chọn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng xác nhận đang có nhiều vấn đề, cần tính toán lại…


Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT báo cáo, đánh giá tổng thể các dự án BOT giao thông.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT báo cáo, đánh giá tổng thể các dự án BOT giao thông.

Phiên thảo luận tại phiên họp thứ 50 của UB Thường vụ Quốc hội về tình hình kinh tế xã hội, điều hành ngân sách 6 tháng đầu năm 2016 tiếp tục mở ra nhiều vấn đề.

Thẩm tra sơ bộ tình hình thu chi ngân sách từ đầu năm đến nay, UB Tài chính – Ngân sách của Quốc hội nêu một vấn đề, qua giám sát và kiến nghị của cử tri, có thể thấy tình trạng xây dựng các dự án BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao) trong lĩnh vực hạ tầng đang có nhiều mặt bất hợp lý.

Cơ quan thẩm tra phản ánh, nhiều tuyến đường duy nhất được các bộ, ngành cho phép thực hiện dự án BOT để tổ chức thu phí, mà người dân không có phương án lựa chọn. Việc này đã gây bức xúc và tạo gánh nặng lớn cho người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh trong nước, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế.

UB Tài chính – Ngân sách đề nghị Chính phủ rà soát, chấn chỉnh nội dung này, đồng thời báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện tất cả các dự án BOT. Ngoài ra, cơ quan thẩm tra cũng yêu cầu làm rõ những tồn tại, bất cập và hướng xử lý trong triển khai, quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, nhất là các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông.

Cùng ý này, trong phần thẩm tra báo cáo về tình hình thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội, Chủ nhiệm UB Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cũng đề nghị Chính phủ thực hiện rà soát, đánh giá hiệu quả các dự án đầu tư kết cấu hạ tầng theo hình thức BOT, điều chỉnh hợp lý biểu phí sử dụng dịch vụ, để giảm gánh nặng chi phí cho doanh nghiệp, người dân.

Giải trình thêm vấn đề phí BOT trong phiên thảo luận, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng xác nhận, hiện nay có rất nhiều ý kiến về vấn đề này. Phó Thủ tướng khẳng định, Chính phủ đang tập trung yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải báo cáo, đánh giá tổng thể các dự án.

“Dù doanh nghiệp đầu tư, nhưng đây chính là vốn gián tiếp của ngân sách vì người dân đóng phí, nên cần tính toán lại để đảm bảo lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp, đặc biệt là của nhân dân” - Phó thủ tướng khẳng định.

Trong nhiều cuộc làm việc gần đây, việc rà soát phí BOT đường bộ thường xuyên được các lãnh đạo Chính phủ đề cập.

Bộ KH-ĐT đã thanh tra nhiều dự án BOT giao thông và lên tiếng về hiện tượng khống vốn lên tới hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng khiến cho mức thu phí đường “đội” lên, thời hạn thu phí phải kéo dài, gây gánh nặng cho người dân, doanh nghiệp.

Bộ này đã nêu quan điểm phải công khai chi phí đầu tư, doanh thu để đối chứng về mức phí, thời hạn thu cụ thể với từng dự án.

Văn phòng Chính phủ cũng ủng hộ quan điểm công khai, tính đủ các khoản cấu thành phí BOT. Cơ quan tham mưu của Thủ tướng, của Chính phủ đã lên kế hoạch làm việc với Bộ GTVT để rà soát các số liệu về phí áp dụng hiện nay. Thông tin được phản ánh đã gây sốc với lãnh đạo Văn phòng Chính phủ khi có trạm BOT báo cáo thu chỉ 1 tỷ đồng tiền phí/ngày nhưng dư luận nêu con số thực thu tới 3 - 4 tỷ đồng.

Tại cuộc làm việc với Bộ GTVT cuối tháng 5 vừa qua, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng đã yêu cầu bộ này phối hợp với bộ Tài chính rà soát mức phí BOT đường bộ để đảm bảo nguyên tắc, mức phí áp dụng hợp lý, bảo đảm hài hoà lợi ích Nhà nước, nhà đầu tư và khả năng chi trả của người sử dụng. Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo bộ GTVT tăng cường công khai, minh bạch trong lựa chọn nhà đầu tư, phối hợp kịp thời với các bộ, ngành để được hướng dẫn nếu có vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Gần đây nhất, ngày hôm qua, 11/7, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng trực tiếp yêu cầu kiểm tra cụ thể dự án BOT xây dựng cầu Hạc Trì (Phú Thọ) mà Tổng Cục đường bộ Việt Nam sau đó đã cắm biển cấm ô tô qua cầu Việt Trì cũ, buộc các phương tiện chuyển sang lưu thông qua cầu mới. Người dân, theo đó, không có sự lựa chọn nào khác ngoài việc mua vé để qua cầu Hạc Trì mới, không có sự lựa chọn nào khác.

P.Thảo