“Ông Võ Kim Cự nên tự trọng với niềm tin của cử tri”

(Dân trí) - Lật lại chuyện cấp phép hoạt động tới 70 năm cho Formosa, các cử tri Hà Nội đặt nhiều câu hỏi về đại biểu Quốc hội, nguyên Bí thư Hà Tĩnh Võ Kim Cự. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định, Formosa là một bài học đắt giá, chưa thể cho qua, việc xem xét trách nhiệm cán bộ sẽ làm theo quy trình…

Đây là một nội dung được đề cập, trao đổi trong hội nghị tiếp xúc cử tri của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu Quốc hội Hà Nội với cử tri quận Hoàn Kiếm, Ba Đình tổ chức sáng nay, 6/8.

Chạy thử đã gây thảm hoạ, hoạt động 70 năm thì hiểm hoạ thế nào?

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị tiếp xúc cử tri Hà Nội sáng 6/8.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại hội nghị tiếp xúc cử tri Hà Nội sáng 6/8.

Cử tri Nguyễn Văn Quỳnh (phường Hàng Đào, quận Hoàn Kiếm) khuyến cáo quá trình phát triển đất nước không khuyến khích nhập công nghệ như Formosa. Hậu quả đáng sợ của công nghệ gây nguy hại với môi trường là Biển Đông rộng lớn như vậy mà hải sản chết hàng loạt. Chưa xong thảm hoạ này lại tiếp tục phát hiện hàng trăm tấn bùn thải có chất độc Xyanua ảnh hưởng đến môi trường của Formosa được chôn lấp khắp nơi.

Ông Quỳnh bức xúc “truy”: “Tổ chức nào, cá nhân nào ký kết cho Formosa làm ăn tại Việt Nam tới 70 năm? Trước khi ký, các cá nhân này hiểu bao nhiêu về kỹ thuật, về nhà đầu tư này, ngoài mục đích đầu tư, kinh tế, họ còn mục đích nào khác ở Việt Nam?”.

Vị cử tri cao niên phường Hàng Đào cho rằng, cho dù Formosa có đầu tư hàng chục tỷ USD vào Việt Nam thì hiểm hoạ họ mang đến như vậy là khôn lường. Ông Quỳnh nêu giả thiết, nếu không có vụ cá chết, việc phát hiện hàng tấn bùn thải chứa độc mang đi chôn lấp khắp nơi thì sau 70 năm doanh nghiệp này hoạt động, người Việt còn có thể sinh sống trên mảnh đất của mình không, vậy mà họ còn dám lớn tiếng hỏi người Việt cần cá, tôm hay nhà máy thép?

“Họ mới chỉ chạy thử hệ thống máy móc thôi mà đã mang đến thảm hoạ, có khi không khác gì chất độc da cam rải xuống Việt Nam thời chống Mỹ. Đã đến lúc cần xem lại chính sách đầu tư kinh tế, đất nước ta còn nghèo nhưng không vì 500 triệu USD đền bù chấp nhận hậu hoạ khôn lường 70 năm nữa. Khi nào có thể đánh bắt cá, ăn cá gần bờ như xưa - câu hỏi này cần sớm trả lời để an lòng ngư dân” – ông Quỳnh quả quyết.

Tán thành quan điểm này, cử tri Phạm Huy Hà (phường Liễu Giai, quận Ba Đình) lo ngại về việc sau vụ xả thải làm chết biển miền Trung, Formosa tiếp tục bị phát hiện thuê vận chuyển, chôn lấp chất thải rắn độc hại khắp nơi, thậm chí mang cả ra Phú Thọ “phi tang”.

“Lúc này, cần đặt vấn đề trách nhiệm của ông võ Kim Cự khi ký cấp phép hoạt động tới 70 năm cho Formosa theo kiểu “tiền trảm hậu tấu”, cấp xong rồi mới báo cáo Thủ tướng để Chính phủ buộc phải chấp nhận… chuyện đã rồi. Một người như vậy không xứng đáng với sự tin tưởng của cử tri. Có lẽ ông Cự nên tự trọng mà từ chức” – ông Phạm Huy Hà phân tích.

Cử tri Phạm Năng Khương (phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm) cũng băn khoăn về thẩm quyền cấp phép cho dự án khi rõ ràng, trình độ khoa học và quản lý các tỉnh rất khác nhau và càng khác nếu so Hà Tĩnh với Hà Nội hay với Trung ương. Dù vậy, phân cấp về thẩm quyền cấp phép dự án thì cấp tỉnh, thành lại ở cùng “khung” giống nhau. Cử tri đề nghị làm sao giám sát, thẩm tra với dự án trước khi cấp phép sẽ tốt hơn là hậu kiểm sau cấp phép như quy trình đang làm hiện nay.

“Chưa cho qua với Formosa”

Đáp lại những ý kiến này, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng giải thích, riêng cuộc đấu tranh với Formosa sau sự cố cá chết hàng loạt dọc bờ biển 4 tỉnh miền Trung, các cơ quan chức năng của Việt Nam đã mất không biết bao nhiêu công sức, vì đây không đơn giản chỉ là việc thương lượng. Đã là đấu tranh, Tổng Bí thư khẳng định, phải có lý có tình, có chứng cứ khoa học, pháp lý chặt chẽ.

“Cứ nhìn cả giàn lãnh đạo của họ phải cúi đầu nhận lỗi như nào, hứa không tái phạm thế nào, rồi nhận đền bù 11.500 tỷ đồng có thể thấy sức nặng từ cuộc đấu tranh với nhà đầu tư” – Tổng Bí thư nhấn mạnh, không thể tính hết thiệt hại, nhất là thiệt hại vô hình như sự mất niềm tin nhưng việc chấp nhận bồi thường cho thấy Formosa phải “quy thuận”.

Sự cố môi trường này, theo Tổng Bí thư, cũng cho Việt Nam một bài học sâu sắc và đắt giá, là một học phải trả phí cao.

Lật lại việc chấp thuận cho Formosa vào vùng biển Vũng Áng, Tổng Bí thư cho rằng, lãnh đạo địa phương khi đó có lẽ chỉ nghĩ tỉnh mình đang nghèo, chỉ mong có dự án vào thôi, kéo được một dự án như vậy là mừng mà chưa tính đến mặt trái của nó chứ chưa nói đến việc có âm mưu phá hoại gì không.

“Phát triển kinh tế và đánh đổi môi trường, việc này chúng ta đã có bài học từ sông Đồng Nai. Nhất quyết không chấp nhận để phát triển bằng mọi giá. Phát triển phải nghĩ đến môi trường, muốn phát triển nhanh nhưng cũng phải bền vững, bền vững từ môi trường, chứ không thể phiến diện, một phía” – Tổng Bí thư lưu ý.

Người đứng đầu Đảng cũng khẳng định không phải chấp nhận 500 triệu USD đền bù để “nói cho qua với Formosa”. Sự việc hiện mới chỉ là những bước xử lý bên ngoài, còn đi sâu vào bên trong, xử lý trách nhiệm cán bộ, theo Tổng Bí thư, phải đúng quy trình, không thể ngay lập tức kết luận lãnh đạo tỉnh như này như kia.

P.Thảo