Nguồn chi mạnh tay hơn cho khoa học công nghệ

(Dân trí) - Đây là thông tin nêu ra trong báo cáo của Bộ trưởng KH-CN Chu Ngọc Anh để chuẩn bị cho phiên trả lời chất vấn trước UB Thường vụ Quốc hội chiều 19/3. Báo cáo nêu nhiều con số, khoản bố trí cho khoa học công nghệ đạt khoảng 2% chi ngân sách, liên tục gia tăng. Nguồn từ doanh nghiệp đã tăng lên với tỷ lệ 48%.

Nhóm vấn đề được chọn để chất vấn Bộ trưởng Chu Ngọc Anh là hiệu quả ứng dụng kết quả các đề tài nghiên cứu khoa học trong thực tế đời sống xã hội; công tác kiểm soát nhập khẩu công nghệ trong sản xuất kinh doanh, dịch vụ; ứng dụng khoa học-công nghệ thúc đẩy tăng năng suất lao động; ứng dụng công nghệ cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Bộ trưởng khẳng định, trong thời gian qua, Bộ Khoa học và Công nghệ đã nỗ lực tổ chức thực hiện các nhóm giải pháp tiếp tục đổi mới cơ bản, toàn diện hoạt động khoa học và công nghệ. Trong đó đặc biệt chú trọng vấn đề hiệu quả của hoạt động khoa học và công nghệ, đẩy mạnh ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ trong thực tiễn đời sống kinh tế - xã hội.

Năm 2017, xếp hạng chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) của Việt Nam đã tăng 12 bậc, từ vị trí 59/128 lên vị trí 47/127 nước và nền kinh tế, dẫn đầu nhóm các quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh
Bộ trưởng Bộ Khoa học - Công nghệ Chu Ngọc Anh

Kinh phí ngoài ngân sách liên tục tăng

Theo báo cáo, trong giai đoạn 2011-2015, tổng chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ được Quốc hội thông qua là 69.592 tỷ đồng, trong đó kinh phí đầu tư phát triển là 30.799 tỷ đồng (chiếm 44%) và kinh phí sự nghiệp là 38.793 tỷ đồng (chiếm 56%).

Bố trí ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ trong giai đoạn này (tính cả chi khoa học và công nghệ trong an ninh, quốc phòng) đã cơ bản đảm bảo được quy định của Luật Khoa học và công nghệ, các Nghị quyết của Quốc hội, đạt mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước (tương đương 0,5%-0,6% GDP).

Tuy nhiên, nếu không tính phần dành cho an ninh, quốc phòng và dự phòng thì chi cho khoa học và công nghệ chỉ đạt từ 1,36% đến 1,52% tổng chi ngân sách nhà nước, báo cáo nêu rõ.

Đến giai đoạn 2016-2018, Bộ trưởng cho biết, chi ngân sách nhà nước cho khoa học và công nghệ được đảm bảo ở mức 2% tổng chi ngân sách nhà nước. Cơ cấu kinh phí đầu tư phát triển/kinh phí sự nghiệp khoa học và công nghệ tiếp tục được đảm bảo theo tỷ lệ 40/60.

Theo bộ trưởng thì nguồn kinh phí ngoài ngân sách nhà nước cho riêng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ đã liên tục gia tăng. Năm 2016, tổng kinh phí dành cho hoạt động khoa học và công nghệ đạt 33.905 tỷ đồng, bao gồm ngân sách nhà nước 17.730 tỷ đồng, tổng kinh phí từ doanh nghiệp chi cho nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ là 16.175 tỷ đồng.

Như vậy, về cơ cấu chi cho khoa học và công nghệ, ngân sách nhà nước chiếm 52%, nguồn từ doanh nghiệp đã tăng lên 48%. Sự chuyển biến tích cực này có được nhờ doanh nghiệp đã quan tâm nhiều hơn tới khoa học công nghệ và sự đầu tư trọng điểm của một số doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Viễn thông Quân đội Viettel, Tập đoàn Dầu khí quốc gia. Đây là dấu hiệu cho thấy hiệu quả trong tăng cường xã hội hóa trong nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, Bộ trưởng đánh giá.

Báo cáo của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng cho biết, cả nước hiện có 303 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, 43 tổ chức được cấp giấy chứng nhận hoạt động công nghệ cao. Ngoài ra, có khoảng 2.000 doanh nghiệp đạt điều kiện doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong các lĩnh vực: công nghệ thông tin, sản xuất phần mềm, doanh nghiệp trong các khu công nghệ cao, doanh nghiệp sở hữu sáng chế, giải pháp hữu ích chưa tiến hành đăng ký để cấp Giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ.

Theo báo cáo, tổng doanh thu năm 2016 của các doanh nghiệp khoa học và công nghệ đạt 14.402 tỷ đồng, tăng 16,32% so với năm 2015. Tổng lợi nhuận sau thuế năm 2016 của các doanh nghiệp này đạt 1.290 tỷ đồng, tăng 2,35% so với năm 2015, trong đó, 32 doanh nghiệp có doanh thu trên 100 tỷ đồng. Doanh nghiệp KH&CN trong năm 2016 đã giải quyết được hơn 16.600 việc làm.

Không nhập thiết bị cơ khí cũ quá 10 năm tuổi

Theo Bộ trưởng Chu Ngọc Anh, việc kiểm soát thiết bị, dây chuyền công nghệ đã qua sử dụng hiện vẫn gặp một số khó khăn, vướng mắc. Về tuổi thiết bị, nhiều ý kiến cho rằng, việc quy định chung tuổi cho thiết bị đã qua sử dụng các lĩnh vực tại các quy định hiện hành (không quá 10 năm) là chưa phù hợp, ví dụ, thiết bị thuộc lĩnh vực cơ khí, điện có thể kéo dài hơn, đến 15 - 20 năm.

Về thiết bị đã qua sử dụng trong dự án đầu tư, một số chủ đầu tư (chủ yếu là doanh nghiệp FDI Nhật Bản, Hàn Quốc) mong muốn có xác nhận của cơ quan quản lý nhà nước về việc chắc chắn được nhập khẩu thiết bị đã qua sử dụng khi triển khai dự án. Đối với những trường hợp thiết bị vượt quá 10 năm tuổi, nhưng doanh nghiệp cần thiết phải nhập khẩu để bảo đảm duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, trong Thông tư chưa quy định rõ quy trình thủ tục xem xét việc nhập khẩu đối với trường hợp đặc biệt này.

Nhằm tháo gỡ vướng mắc này, Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết, Bộ Khoa học và Công nghệ đã xây dựng nội dung sửa đổi Thông tư số 23/2015/TT-BKHCN và đang phối hợp với Bộ Công Thương đưa vào Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Quản lý ngoại thương.

Theo đó, Thông tư sửa đổi dự kiến quy định tiêu chí nhập khẩu chung là “tuổi thiết bị không quá 10 năm, riêng đối với lĩnh vực cơ khí, tuổi không quá 20 năm”. Đối với các ngành, lĩnh vực khác giao các bộ, cơ quan ngang bộ xây dựng tiêu chí và trình Thủ tướng phê duyệt. Đối với dự án đầu tư mới, đầu tư dịch chuyển cả nhà máy từ nước ngoài (chủ yếu là từ Nhật Bản, Hàn Quốc) sang Việt Nam, không áp dụng tiêu chí tuổi của máy móc, thiết bị mà kiểm soát thông qua công nghệ áp dụng và chất lượng, hiệu suất còn lại của thiết bị được giám định tại nước ngoài, trước khi đóng gói, nhập khẩu. Bên cạnh đó, bổ sung quy định cụ thể về hồ sơ, trình tự thủ tục cho phép nhập khẩu thiết bị đối với trường hợp đặc biệt (tuổi thiết bị vượt quá 10 năm)…

P.Thảo