Người phản ánh suy thoái của cán bộ phải chịu trách nhiệm về kết quả xác minh

(Dân trí) - Mỗi người dân có thể phản ánh, kiến nghị tới Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), các cơ quan về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ chủ chốt, người đứng đầu cấp ủy, Đảng viên. Cơ quan tiếp nhận phản ánh cần xác minh, gửi kết quả giải quyết đến người giám sát trong hạn 20 ngày…

Đây là những nội dung quy định của Ban Bí thư về giám sát của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đối với việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, lối sống của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và Đảng viên mới được ban hành (do Chủ nhiệm UB Kiểm tra Trung ương Trần Quốc Vượng ký).

Quy định nêu rõ nguyên tắc giám sát trên tinh thần xây dựng, bảo đảm dân chủ, công khai, khách quan, minh bạch; tránh né tránh hoặc để bị lợi dụng. Việc giám sát cũng không được làm cản trở hoặc ảnh hưởng đến công việc, sinh hoạt của tổ chức, cá nhân, gia đình người đứng đầu, cán bộ chủ chốt…

Người dân có thể thực hiện quyền giám sát thông qua MTTQ hoặc các tổ chức chính trị xã hội từ TƯ đến cơ sở bằng cách phản ánh, kiến nghị đến các cơ quan về những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, Đảng viên. Các biểu hiện suy thoái được xác định trong 27 nội dung được đề cập tại Nghị quyết TƯ 4 khóa này về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Ngoài ra, việc giám sát cũng có thể căn cứ theo các chuẩn mực đạo đức công vụ, đạo đức nghề nghiệp của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt.

Quy định của Ban Bí thư nêu rõ hình thức giám sát thông qua việc quan sát, tìm hiểu, giao tiếp với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt; thông qua tiếp nhận báo cáo, phản ánh của các tổ chức, cá nhân, dư luận xã hội, cơ quan truyền thông.

Khi phát hiện hoặc tiếp nhận báo cáo, phản ánh về những biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống của cán bộ, Ban thường trực MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội báo cáo bằng văn bản hoặc phản ánh trực tiếp với cấp ủy, tổ chức đảng cùng cấp để xem xét, xử lý. Cơ quan tiếp nhận phản ánh của mặt trận, người dân chậm nhất trong vòng 20 ngày làm việc phải thông báo bằng văn bản kết quả giải quyết đến chủ thể giám sát. Trường hợp vụ việc phức tạp, việc giải quyết có thể kéo dài nhưng không quá 30 ngày làm việc.

Trường hợp xác định cán bộ, Đảng viên có vi phạm như thông tin phản ánh, cấp ủy, tổ chức Đảng xem xét, xử lý theo quy định.

Để có thể giám sát, các chủ thể giám sát được mời tham dự các cuộc họp, hội nghị của cấp ủy, tổ chức Đảng, HĐND, UBND liên quan đến nội dung giám sát, các cuộc đối thoại giữa người dân và cán bộ, người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, đơn vị.

Người giám sát phải chịu trách nhiệm về kết quả giám sát, tránh nể nang, né tránh hoặc để bị lợi dụng trong hoạt động giám sát.

Đối tượng giám sát có quyền được “thanh minh”, giải trình với cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan có thẩm quyền về nhận xét, đánh giá của chủ thể giám sát đối với mình. Người đứng đầu, cán bộ chủ chốt cũng có quyền từ chối trả lời, cung cấp thông tin, tài liệu không thuộc quyền hạn, chức trách, nhiệm vụ của mình hoặc không liên quan đến nội dung, phạm vi giám sát.

Định kỳ 3 tháng, 6 tháng và hàng năm, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị xã hội báo cáo kết quả thực hiện quy định về giám sát với người đứng đầu, cán bộ chủ chốt với cáo ủy, tổ chức Đảng cấp trên.

P.Thảo