Người đứng đầu phải là “ông Bao Công” mới thấu đáo tâm tư người dân

(Dân trí) - “Người lãnh đạo, đứng đầu phải thực sự là “ông Bao Công” trước Đảng, trước dân thì mới nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân một cách thấu đáo được” – Uỷ viên Đoàn Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Túc phát biểu.

Ngày 17/12, Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam tổ chức tọa đàm khoa học nâng cao chất lượng công tác nắm bắt, tập hợp phản ảnh ý kiến, kiến nghị của nhân dân với Đảng, Nhà nước.

Uỷ viên Bộ Chính trị, Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ, việc nắm bắt ý kiến của nhân dân là đòi hỏi được Đảng, Nhà nước yêu cầu ngày càng sâu sắc hơn.

“Chúng ta dự định xây dựng chính sách cần phải biết nhân dân đang suy nghĩ gì, có nhu cầu gì ở lĩnh vực ấy. Chẳng hạn chính sách nông nghiệp, y tế… Việc nắm bắt tinh thần nhân dân đôi lúc phải được chuẩn hóa về điều tra xã hội học. Thông thường, chính sách dành cho đa số, vì vậy cần chú trọng điều tra xem họ suy nghĩ và mong muốn gì để xây dựng hệ thống chính sách cho phù hợp”, ông Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: Nếu đứng ngoài cuộc sống, chúng ta sẽ không dám nói sâu về những tâm tư, nguyện vọng, ý kiên và kiến nghị của người dân.
Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân: "Nếu đứng ngoài cuộc sống, chúng ta sẽ không dám nói sâu về những tâm tư, nguyện vọng, ý kiên và kiến nghị của người dân".

Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ TPHCM Trần Tấn Ngời góp ý, lâu nay, việc ý kiến của người dân chưa được tiếp thu, giải quyết một cách thấu đáo khiến nhiều người nản lòng. Vậy cần xây dựng cơ chế thế nào để khuyến khích người dân cởi mở, thật lòng, làm sao để người dân nói hết tâm tư của mình . Muốn thế “người dân đã nói rát lòng thì nhà nước, xã hội phải có cơ chế để lắng nghe, để “thấu” và tiếp thu, giải quyết triệt để.

Tán thành với những nhận xét chân thật của đại biểu, Phó Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Đỗ Văn Đương nhận xét: “một cơ thể có bệnh thì phải được dốc ra, nói ra bệnh được thì mới có đường bốc thuốc, chữa bệnh”.

Ông Đương nêu thực tế trong quá trình làm đại biểu Quốc hội của mình, ngay tại TPHCM, có nhiều vấn đề người dân không dám nói hoặc nói mãi không ai nghe. Ông Đương dẫn chứng, dự án làm sân golf trong sân bay Tân Sơn Nhất, nhiều người nói mãi nhưng không giải quyết để bây giờ, sân bay này quá tải cả trên trời lẫn dưới đất.

Phó Trưởng Ban Dân nguyện dẫn chứng thêm hàng loạt các bức xúc của cử tri hiện nay như việc bổ nhiệm, đề bạt cán bộ cấp cao, tuyển dụng công chức là người nhà. Đặc biệt vụ Trịnh Xuân Thanh làm ăn thua lỗ hàng ngàn tỷ đồng của nhà nước nhưng vẫn được bổ nhiệm giữ chức vụ quan trọng hay như trạng nhiều công trình thua lỗ ngàn tỷ còn đắp chiếu.

“Thực tế bức xúc là vậy nhưng giám sát hiện nay như “cưỡi ngựa xem hoa” nên chất lượng giám sát hạn chế và kiến nghị sau giám sát cũng chung chung. Việc tiếp thu ý kiến của người dân cũng tương tự vậy mà cũng không cán bộ, cơ quan nào bị làm sao cả. Như Chủ tịch MTTQ từng nói, có việc người dân phản ánh 6 tháng trước, xong nhìn lại giờ cũng vẫn thế. Nếu các ý kiến của cử tri chỉ được MTTQ tập hợp gửi đến Quốc hội theo kiểu “đánh trống bỏ dùi” thì đại biểu Quốc hội hay cán bộ Mặt trận cũng chỉ như “chim bồ câu đưa thư” thôi” – ông Đương góp ý.

Phó Chủ tịch Uỷ ban TƯ MTTQ Việt Nam Lê Bá Trình đề xuất mở rộng, tăng cường các hình thức thu thập ý kiến, nguyện vọng của nhân dân, dư luận xã hội từ trung ương đến cơ sở thông qua việc tập hợp ý kiến của cử tri và nhân dân trước kỳ họp của Quốc hội và HĐND các cấp.

Ông Trình gợi ý mở chuyên mục thu thập ý kiến của người dân trên cổng thông tin điện tử của MTTQ Việt Nam, trên mạng xã hội, nhất là vào thời điểm có những sự việc, diễn biến nóng bỏng để tập hợp thông tin, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân cho kịp thời.

Ông Nguyễn Túc cho rằng, để lắng nghe, nắm bắt được thấu đáo tâm tư của người dân, người đứng đầu phải có tâm, có tầm.
Ông Nguyễn Túc cho rằng, để lắng nghe, nắm bắt được thấu đáo tâm tư của người dân, người đứng đầu phải có tâm, có tầm.

Ông Nguyễn Túc, Ủy viên Đoàn chủ tịch cũng đề nghị Mặt trận tập trung nắm bắt những vấn đề dân búc xúc nhất và xác định quan trọng nhất là vai trò người đứng đầu.

“Người đứng đầu phải thực sự là “ông Bao Công” trước Đảng, trước dân thì mới nắm bắt tâm tư nguyện vọng của người dân một cách thấu đáo được” - ông Túc phát biểu.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân đồng ý với những ý kiến nêu ra về việc tập hợp ý kiến, kiến nghị của người dân, của cử tri gửi đến Quốc hội. Theo đó, để phản ánh kịp thời, chính xác về tình hình đất nước cần có sự thống nhất về phương pháp thực hiện, nội dung triển khai để khắc họa rõ nét hơn ý kiến, tâm tư, nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

“Dù có nhiều góc độ khác nhau, nhưng trước tiên phải làm rõ những vấn đề mà nhân dân đang quan tâm, gắn bó với từng tầng lớp cụ thể và lý giải được vì sao nhân dân lại suy nghĩ như thế” – Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân nói.

Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân lưu ý phải quan tâm đến các diễn đàn xã hội, để thông qua không gian mạng, môi trường internet thu thập được ý kiến của các tầng lớp nhân dân một cách nhanh nhất mà Mặt trận phải quan tâm đến phương diện này.

“Nếu đứng ngoài cuộc sống, chúng ta sẽ không dám nói sâu về những tâm tư, nguyện vọng, ý kiên và kiến nghị của người dân. Mặt trận sẽ dựa vào những “cảm biến xã hội” để đặt hàng các Viện nghiên cứu tổ chức điều tra, thu thập ý kiến của nhân dân, của xã hội một cách khoa học nhất” - Chủ tịch Nguyễn Thiện Nhân kết luận.

P.Thảo