"Mong Thủ tướng mới có lời tuyên thệ thể hiện quyết tâm phòng chống tham nhũng!"

(Dân trí) - “Cần có đánh giá thẳng thắn về tham nhũng, lãng phí trong 5 năm qua và 5 năm sắp tới và cần có giải pháp đồng bộ thực hiện với quyết tâm cao hơn. Tôi mong Thủ tướng Chính phủ mới cần có lời tuyên thệ thể hiện quan tâm phòng chống tham nhũng mạnh mẽ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông”- đại biểu Bùi Mạnh Hùng nói.

Quyết tâm phòng chống tham nhũng như quyết tâm bảo vệ chủ quyền


Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Ảnh: Quochoi.vn).

Đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Ảnh: Quochoi.vn).

Thảo luận tại hội trường Quốc hội sáng 1/4 về tình hình phát triển kinh tế - xã hội 5 năm qua và kế hoạch giai đoạn 2016-2020, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) đánh giá, sức mạnh của nền kinh tế đã được tăng cường, đời sống của nhân dân được cải thiện so với đầu nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, ông Hùng cho rằng cần phải xem lại việc đánh giá tăng trưởng kinh tế theo mức hợp lý. “Đánh giá việc cơ cấu lại nền kinh tế đạt được kết quả bước đầu là đúng, song đó là một sự chuyển biến chậm chạp, thậm chí yếu kém, cần một giải pháp tích cực hiệu quả hơn trong 5 năm tới”- ông Hùng nói.

Theo ông Hùng, thời gian tới cần đặt vấn đề phòng chống tham nhũng, lãng phí lên hàng đầu bởi việc này ảnh hưởng đến sự hưng thịnh của quốc gia.

“Hơn ai hết Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ phải đặt phòng chống tham nhũng lên vị trí hàng đầu. Nhiệm kỳ này Quốc hội cũng đã thông qua Luật Phòng chống tham nhũng, lãng phí nhưng việc triển khai chưa quyết liệt, tham nhũng càng tinh vi phức tạp và mở rộng hơn”- ông Hùng nhận định.

Vị đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Phước đánh giá, tham nhũng không chỉ ở lĩnh vực kinh tế mà còn lan rộng sang các lĩnh vực khác. Trong khi các biện pháp chống tham nhũng chưa đủ mạnh, dù đã có một số kết quả nhưng chống lãng phí kết quả còn yếu; chưa có ai bị kỷ luật vì lãng phí.

“Cần có đánh giá thẳng thắn về tham nhũng, lãng phí trong 5 năm qua và 5 năm sắp tới và cần có giải pháp đồng bộ thực hiện với quyết tâm cao hơn. Tôi mong Thủ tướng Chính phủ mới cần có lời tuyên thệ thể hiện quan tâm phòng chống tham nhũng mạnh mẽ như Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng từng tuyên bố mạnh mẽ về vấn đề Biển Đông. Nói cách khác, coi tham nhũng là giặc nội xâm, phải quyết tâm phòng chống như đấu tranh bảo vệ chủ quyền dân tộc”- ông Hùng nêu quan điểm.

Không “cần kiệm liêm chính” thì làm sao “chí công vô tư”?

Chia sẻ ý kiến của đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước), đại biểu Nguyễn Công Hồng (Đồng Nai) cho rằng, nếu so với đánh giá về tình hình tham nhũng, lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước được đưa ra trong báo cáo của Tổng Thanh tra Chính phủ và Tổng Kiểm toán Nhà nước thì nhóm nhiệm vụ này thể hiện trong dự thảo báo cáo của Chính phủ “rất khiêm tốn”.


Đại biểu Nguyễn Công Hồng: Hôm nay 1/4 nhưng ý kiến phát biểu của tôi hoàn toàn chân thành và nghiêm túc. (Ảnh: Quochoi.vn)

Đại biểu Nguyễn Công Hồng: "Hôm nay 1/4 nhưng ý kiến phát biểu của tôi hoàn toàn chân thành và nghiêm túc". (Ảnh: Quochoi.vn)

“Hôm nay là ngày 1/4 nhưng ý kiến tôi sắp phát biểu hoàn toàn xuất phát từ suy nghĩ chân thành, xây dựng và nghiêm túc”- ông Nguyễn Công Hồng mở đầu bài phát biểu thẳng thắn của mình và phân tích: “Rất khiêm tốn không chỉ dừng lại ở 9 dòng đánh máy, mà có cảm giác không có gì mới, mang tính đột phá. Nội dung nêu trong này đều đã thể hiện trong Nghị quyết Trung ương 3 Khóa 10 về tăng cường sự lãnh đạo của đảng về phòng chống tham nhũng, lãng phí và thể hiện ngay trong Luật Phòng chống tham nhũng. Rất khiêm tốn cũng thể hiện ở tiêu đề nói về thực hành tiết kiệm nhưng nội dung không thấy có”.

Dẫn ra 4 đức tính “Cần - Kiêm - Liêm - Chính” mà Bác Hồ từng nhắc nhở cán bộ, vị đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai cho rằng nhiều người không chịu cần kiệm, sống xa hoa.

“Sống xa hoa thì khó lòng liêm khiết, không liêm khiết khó chính trực. Một cán bộ không “cần kiệm liêm chính” thì làm sao “chí công vô tư”? Đối với những người như vậy thì tham ô của công, đục khoét của dân, ăn hối lộ có thể chưa tới nhưng “công bộc của dân” thì đã xa. Những người như vậy cần đưa ra khỏi đội ngũ của chúng ta vì nguy cơ tham nhũng rất cao. Chính vì thế cần đưa ý về thực hành tiết kiệm vào trong báo cáo này”- ông Hồng thẳng thắn.

Ông Hồng nhận định, việc xây dựng kế hoạch phát triển có thể đi theo con đường từ dưới lên nhưng chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, lãng phí phải đi từ trong ra ngoài.

“Mất vài cán bộ có thể đau xót nhưng để làm gương cho nhiều người thì cái giá đó rất đáng làm. Tôi thiết nghĩ nên chăng cân nhắc đưa phương châm này từ trên xuống, từ trong ra ngoài để làm kim chỉ nam cho đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống lãng phí trong nhiệm kỳ tiếp theo. Để cử tri đánh giá được công tác này, cần bổ sung tiêu chí, cụ thể để khi tổng kết nhiệm kỳ có cơ sở đánh giá bằng kết quả cụ thể như giải quyết dứt điểm các vụ án tham nhũng, không còn tình trạng đầu tư một số dự án lớn nhưng không hiệu quả, chấm dứt cán bộ sử dụng phưng tiện công vào việc riêng... Nếu không làm như vậy thì cuối nhiệm kỳ lại đưa ra nhận định chung chung “phòng chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu đặt ra” nhưng yêu cầu cụ thể là gì thì chưa rõ”- ông Hồng kết thúc bài phát biểu.

Đại đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội) cũng trăn trở vấn đề lãng phí: “Cách đây chục năm rồi, cử tri rất khen một Bộ trưởng. Khi được bổ nhiệm từ Thứ trưởng lên Bộ trưởng đã được văn phòng đề nghị mua ô tô mới cho tương xứng với vị trí mới nhưng đã kiên quyết từ chối, rằng xe cũ vẫn chạy tốt, an toàn. Nhiều năm làm Bộ trưởng, ông vẫn đi xe cũ nhưng lạ thay, công việc của Bộ đó thu được nhiều đổi mới”- bà An nói và đúc kết: Nếu chống được lãng phí, Quốc hội sẽ không phải bấm nút thông qua các con số bội chi nữa, đất nước sẽ giàu lên và phát triển bền vững hơn.

Thế Kha