Luật Biểu tình, cử tri sốt ruột, Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị xong

(Dân trí) - Cử tri thắc mắc, Quốc hội đã có dự kiến nhưng đến nay Luật Biểu tình chưa được ban hành. UB Pháp luật của Quốc hội cho biết, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, dự án luật này vẫn chưa được đưa vào...

Tập hợp kiến nghị cử tri từ Ban Dân nguyện của UB Thường vụ Quốc hội cho biết, cử tri các tỉnh Quảng Bình, Long An, TPHCM, Hải Phòng kiến nghị: trong tình hình hiện nay, việc ban hành Luật biểu tình là rất cần thiết, nhằm hướng dẫn người dân thực hiện quyền công dân chính đáng của mình và xử lý nghiêm các hoạt động biểu tình trái phép, gây mất an ninh, trật tự an toàn xã hội.

Cử tri phản ánh, nhiều đại biểu Quốc hội đã kiến nghị, Quốc hội đã có dự kiến nhưng đến nay Luật Biểu tình chưa được ban hành.


(Ảnh minh hoạ)

(Ảnh minh hoạ)

Trả lời kiến nghị của cử tri, UB Pháp luật của Quốc hội cho biết, dự án Luật Biểu tình đã được đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2016 để trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa 13 (tháng 3/2016) và thông qua tại kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa 14 (tháng 10/2016).

Tuy nhiên, đây là dự án Luật có nhiều nội dung khó, liên quan trực tiếp đến việc thực hiện quyền cơ bản của công dân. Tại kỳ họp thứ 3, Chính phủ đã có tờ trình về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017, trong đó Chính phủ báo cáo về tiến độ chuẩn bị dự án Luật Biểu tình là “dự án có nội dung mới, phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực pháp luật khác nhau, cần tiếp tục nghiên cứu, đánh giá toàn diện”.

UB Pháp luật thông tin tới cử tri, đến nay, Chính phủ vẫn chưa chuẩn bị xong để báo cáo Quốc hội đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

UB Pháp luật cho biết, cơ quan này ghi nhận ý kiến của cử tri để báo cáo UB Thường vụ Quốc hội phối hợp với Chính phủ chỉ đạo sớm hoàn thiện dự án luật để trình Quốc hội,

Mở rộng vấn đề xây dựng luật nói chung, cử tri Lào Cai đề nghị Quốc hội nghiên cứu quy định Quốc hội có cơ quan làm luật riêng, đảm bảo tính chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả của luật, không nên giao cho các Bộ chuyên môn xây dựng dự thảo luật như hiện nay để hạn chế việc lồng ghép lợi ích của các ngành chuyên môn vào luật.

Thời gian làm luật không nên quy định thông qua tại một hay hai kỳ họp mà cần nghiên cứu, rà soát thật kỹ trước khi thông qua để tránh trường hợp luật chưa có hiệu lực thi hành đã phải sửa đổi như thời gian vừa qua.

Văn bản trả lời nêu rõ, về quy trình xây dựng pháp luật và vấn đề tổ chức xây dựng luật, xác định trách nhiệm của cơ quan soạn thảo, cơ quan trình, cơ quan thẩm định, cơ quan thẩm tra, phối hợp trong quá trình soạn thảo và trình luật đã được quy định rất cụ thể trong Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015.

Trong đó, để bảo đảm tính khách quan, ban soạn thảo được thành lập với đầy đủ thành phần gồm đại diện cơ quan, tổ chức chủ trì soạn thảo, cơ quan, tổ chức có liên quan, các chuyên gia, nhà khoa học hoạt động trong lĩnh vực chịu sự điều chỉnh của dự thảo luật. Thời gian qua, các ban soạn thảo đều đã cố gắng thực hiện đúng quy định này của luật, góp phần nâng cao chất lượng chuẩn bị các dự án luật được giao.

Theo UB Pháp luật, hệ thống pháp luật rất rộng, bao quát mọi lĩnh vực. Hiện nay, Quốc hội có Hội đồng Dân tộc và 9 Ủy ban của Quốc hội được phân công thực hiện nhiệm vụ xây dựng pháp luật theo chuyên môn sâu về từng lĩnh vực, nhóm lĩnh vực; đồng thời, các cơ quan của Quốc hội luôn phối hợp chặt chẽ với nhau và với các cơ quan có liên quan để thực hiện ngày càng tốt hơn nhiệm vụ của mình trong công tác xây dựng pháp luật.

"Không thể có một cơ quan nào của Quốc hội có thể đảm nhận toàn bộ công tác xây dựng pháp luật thay thế các cơ quan khác như đã phân công", uỷ ban Pháp luật nêu quan điểm.

Về thời gian xem xét, thông qua luật, Uỷ ban Pháp luật khẳng định việc này cũng đã được Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật quy định rất chặt chẽ tùy thuộc vào chất lượng chuẩn bị và sự đồng thuận của Quốc hội để bảo đảm Quốc hội xem xét dự án một cách thận trọng trước khi thông qua.

Thực tế có dự án được xem xét, thông qua trong 1 kỳ họp, 2 kỳ họp hoặc 3 kỳ họp tùy thuộc vào tính chất, nội dung và chất lượng chuẩn bị của dự án.

UB Pháp luật cũng hứa ghi nhận ý kiến của cử tri để chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền xem xét, tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình lập pháp và tham mưu cho Quốc hội trong việc sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để nâng cao hơn nữa chất lượng công tác xây dựng luật, khắc phục được những tồn tại, hạn chế hiện nay mà cử tri còn băn khoăn, nêu ý kiến.

P.Thảo