Lãnh đạo đã giới thiệu “người được chọn”, tập thể rất khó... làm trái ý!

(Dân trí) - “Lâu nay, trong công tác cán bộ, chúng ta đang làm ngược so với quy trình minh bạch. Ở các cơ quan, thường là người đứng đầu lựa chọn rồi giới thiệu nhân sự ra trước tập thể để đơn vị đánh giá, nhận xét và bầu cho “người đã được chọn” đó. Tôi xin nói, trường hợp đó, tập thể, cấp uỷ khó có thể làm ngược ý lãnh đạo”…

PGS.TS Vũ Văn Phúc - Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Đảng Trung ương trao đổi với PV Dân trí.

PGS.TS Vũ Văn Phúc: Trong công tác cán bộ, lâu nay chúng ta đang làm ngược so với quy trình minh bạch.
PGS.TS Vũ Văn Phúc: "Trong công tác cán bộ, lâu nay chúng ta đang làm ngược so với quy trình minh bạch".

Trịnh Xuân Thanh không phải người Hậu Giang nhưng vẫn làm điều “trái tai gai mắt”

- Nghị quyết về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược chính thức được Ban chấp hành Trung ương Đảng thông qua ít ngày trước. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu sớm triển khai các nội dung của Nghị quyết trên thực tế. Những quy định mới về tiêu chuẩn cán bộ, đánh giá cán bộ bằng hiệu quả công việc, bố trí Bí thư cấp uỷ không phải là người địa phương… đã đảm bảo tính khả thi để có thể đi vào cuộc sống, thưa ông?

- Những mục tiêu, giải pháp Trung ương đề ra để xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược lần này có rất nhiều đột phá cần quan tâm. Trung ương khẳng định, việc đánh giá cán bộ dựa trên thực tế công việc, từ kết quả thực hiện nhiệm vụ chính trị đặt ra, tức là, anh nói hay như thế nào nhưng kết quả công việc không tốt là chứng tỏ anh không có năng lực.

Việc đánh giá cán bộ sẽ thực hiện giữa những người đồng cấp, có cùng chức vụ như nhau, tức là đánh giá, so sánh ngang trong một nhóm, ví dụ cùng là Giám đốc Sở thì Giám đốc Sở nào tốt hơn, cùng là uỷ viên Trung ương thì xem uỷ viên nào thực hiện chức trách của mình là người đứng đầu các bộ ngành, các địa phương tốt hơn…

Cách thức đánh giá như vậy rất rõ ràng, khả thi, căn cứ so sánh rất tốt. Thậm chí tôi cho rằng có thể đánh giá cả cấp cán bộ trong Bộ Chính trị, các uỷ viên Bộ Chính trị được phân công ở những nhiệm vụ khác nhau thì ai thực hiện chức trách tốt hơn.

- Một trong những nội dung Tổng Bí thư chỉ đạo ngay sau khi Trung ương thông qua Nghị quyết cần triển khai ngay là quy định Bí thư tỉnh uỷ không phải là người địa phương. Đây là giải pháp có thể “chữa cháy” cấp tốc trong tình hình “cả họ làm quan” hiện nay?

- Chủ trương Bí thư cấp uỷ, Chủ tịch UBND cấp tỉnh, cấp huyện không phải là người địa phương đã có từ lâu nhưng thời gian qua chúng ta thực hiện chưa tốt. Do đó Trung ương lần này chủ trương quán triệt thực hiện, đặc biệt, phát biểu bế mạc hội nghị, Tổng Bí thư nhấn mạnh, trong thời gian tới phải thực hiện nghiêm chủ trương này.

Tôi cho rằng điều đó hết sức quan trọng. Nếu Bí thư không phải người địa phương thì sẽ không bị ràng buộc bởi mối quan hệ họ hàng, thân quen ở địa phương, không có lợi ích gì của cá nhân, của dòng tộc, của người thân quen, của cánh hẩu trên địa bàn. Do đó, công việc lãnh đạo, điều hành ở địa phương có thể sẽ khách quan, công tâm, minh bạch. Được vậy thì địa phương đó sẽ phát triển, không có lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân chi phối.

- Thực hiện nghiêm chủ trương này như chỉ đạo của Tổng Bí thư có khắc phục được những quan hệ “lắt léo” của lãnh đạo như ở Đà Nẵng hay chuyện “cả họ làm quan” như ở nhiều địa phương thời gian qua?

- Tôi cho rằng bố trí Bí thư cấp uỷ không phải người địa phương là một giải pháp rất quan trọng mà Trung ương 7 đề ra nhưng không có nghĩa thực hiện được quy định này thì sẽ giải quyết, khắc phục được tất cả những hạn chế trong công tác cán bộ đang bộc lộ hiện nay. Nó chỉ giúp hạn chế phần nào.

Ví dụ từ vụ Trịnh Xuân Thanh, người này là cán bộ Bộ Công Thương, được Hậu Giang đưa về nhưng vẫn bị lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân chi phối. Mặc dù không phải người địa phương nhưng anh ta vẫn rộng đất để làm những điều ngang tai trái mắt, những chuyện khuất tất, vi phạm pháp luật.

Nói như vậy để thấy, Bí thư cấp uỷ không phải người địa phương không là giải pháp thần kỳ để giải quyết mọi vấn đề hiện nay nhưng đó là một giải pháp quan trọng để hạn chế lợi ích thân quen, gia đình chi phối tới cán bộ.

Làm ngược quy trình minh bạch

- Có ý kiến cho rằng, vấn đề lớn nhất trong công tác cán bộ hiện nay là chưa triệt để công khai mình bạch. Thiếu công khai làm méo mó quy trình, làm vô hiệu hoá các “chốt khoá” phòng ngừa tiêu cực, từ kê khai tài sản tới luân chuyển hay bố trí lãnh đạo địa phương là người nơi khác… Quan điểm của ông?

- Theo tôi, lâu nay, chúng ta đang làm ngược so với quy trình minh bạch. Minh bạch nghĩa là việc giới thiệu người ứng cử vào các cơ quan dân cử như HĐND, Quốc hội, giới thiệu để bổ nhiệm cán bộ vào chức vụ lãnh đạo… thì phải công khai cho toàn thể người dân hoặc toàn thể cán bộ, công chức, viên chức trong cơ quan biết để giám sát, để mỗi người thực hiện quyền dân chủ trực tiếp của mình là bầu chọn cán bộ. Toàn thể người dân phải được bỏ phiếu chọn người trước khi cấp uỷ, lãnh đạo đơn vị chọn. Trên cơ sở lựa chọn của người dân, của tập thể đơn vị thì lãnh đạo cơ quan và cấp uỷ mới lọc trong số những người được phiếu cao nhất mà bổ nhiệm.

Trước nay chúng ta đều làm ngược so với quy trình này, thường là người đứng đầu lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng ứng viên rồi giới thiệu ra trước tập thể, cơ quan để nhận xét, đánh giá và bầu cho “người đã được chọn” đó. Tôi xin nói, trường hợp cán bộ đã được người đứng đầu giới thiệu rồi thì nó như một phép bảo đảm, tập thể lãnh đạo và cấp uỷ khó có thể làm trái, làm ngược ý lãnh đạo được. Vậy thì cần làm ngược lại quy trình để giảm thiểu tác động này.

Ngoài ra, theo tôi, nên tổ chức thi tuyển các chức vụ lãnh đạo và ứng cử viên được tham gia thi tuyển là rộng rãi, cả ở trong và ngoài cơ quan, đơn vị, người nộp hồ sơ thi tuyển công khai và hội đồng chấm thi tuyển cũng phải minh bạch, công khai tất cả các khâu.

- Ban Tổ chức Trung ương cũng đề xuất bổ sung quy định để ràng buộc trách nhiệm của những người đứng đầu, người lựa chọn, giới thiệu cán bộ trong trường hợp người được chọn bị phát hiện sai phạm. Thực tế, chưa từng có trường hợp nào người lãnh đạo bị xem xét trách nhiệm vì giới thiệu, chọn người sai?

- Đúng là dù quy trình cán bộ vẫn làm đúng nhưng thời gian qua có không ít trường hợp các cơ quan giới thiệu người để ứng cử, để bầu bán, bổ nhiệm sai. Ví dụ trường hợp của Trịnh Xuân Thanh, cấp uỷ đảng tỉnh Hậu Giang cũng phải có trách nhiệm trong quá trình giới thiệu người này ra ứng cử đại biểu Quốc hội, qua 3 vòng hiệp thương vẫn đưa người này vào danh sách bầu để rồi ứng viên đã trúng cử đại biểu Quốc hội. Chỉ khi bầu xong, công bố kết quả chính thức thì Hội đồng bầu cử buộc phải xem xét xoá bỏ tư cách đại biểu Quốc hội của ông này, ngay trước kỳ họp đầu tiên.

- Vẫn chưa thấy một địa chỉ trách nhiệm cụ thể, một cá nhân nào được nêu tên vì giới thiệu sai nhân sự như vậy?

- Việc đánh giá, giới thiệu sai những nhân sự để bầu cử hay đánh giá, giới thiệu sai nhận sự để đề bạt, bổ nhiệm vào những vị trí lãnh đoạ quản lý thì phải xem xét trách nhiệm tổ chức đảng, cấp uỷ nơi người được giới thiệu sinh hoạt. Sau nữa cũng phải xử lý trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức đó. Bí thư cấp uỷ chẳng hạn, là người đứng đầu tổ chức đảng cơ sở mà lại cùng với tập thể thường vụ cấp uỷ ở đó đánh giá, nhận xét để giới thiệu nhân sự mà để sót lọt, không phát hiện sai phạm thì cũng phải xử lý trách nhiệm.

- Xin cảm ơn ông!

Thái Anh