Làm theo lời Đảng, lời Bác để bà con noi gương

Dù tuổi đã cao nhưng già làng -đảng viên Alăng Cần vẫn vững vàng như cây lim, cây táu giữa đại ngàn. Ông thường nói: “Là đảng viên thì phải gương mẫu đi trước để dân bản theo sau”.

Già Alăng Cần bên vườn keo của gia đình. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Già Alăng Cần bên vườn keo của gia đình. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Già làng Alăng Cần năm nay đã 73 tuổi nhưng luôn là người đi đầu trong mọi hoạt động ở địa phương để bà con dân tộc Cơ Tu, thôn Phú Túc, xã Hòa Phú, Hòa Vang, TP Đà Nẵng tin yêu, noi gương.

Một lần đã tin, mãi mãi giữ niềm tin

Già làng Alăng Cần (thôn phú túc, xã Hòa Phú, H. Hòa Vang, TP Đà Nẵng), giác ngộ cách mạng khi 20 tuổi, làm người dẫn đường cho cán bộ cơ sở tại địa bàn xã 1 (huyện Đông Giang, Quảng Nam).

Già làng Alăng Cần cho biết ngày ấy nhờ cán bộ cách mạng về thôn bản hoạt động cách mạng, vận động nhân dân theo Đảng, theo Bác, nhờ đó niềm tin về Đảng đã bắt rễ trong ông. Dù biết làm cách mạng là gian khổ, khó khăn nhưng khi đã quyết tâm thì dù ăn củ mài, củ sắn, ngủ rừng, vượt suối, ròng rã trường kỳ vẫn một lòng theo Đảng làm cách mạng đến cùng.

Khi ấy, ông được cơ sở cách mạng chọn làm giao liên, tiếp tế, dẫn đường cho bộ đội. Nhiều đồng chí cán bộ, bộ đội Khu 2 Hòa Vang đã được dân làng che chở trong suốt những năm kháng chiến trường kỳ.

Phát hiện có cơ sở cách mạng tại xã, địch bố ráp săn lùng dữ dội, ông đã cùng dân làng Cơ Tu đưa cán bộ lên núi để bí mật để tiếp tục hoạt động.

Do địch chốt chặt các con đường xuống đồng bằng nên việc tiếp tế lương thực rất khó khăn, người dân bản làng Cơ Tu phải bí mật vào sâu giữa đại ngàn tìm củ chụp, củ mài, hái rau để vừa nuôi sống dân làng và hỗ trợ cán bộ.

Trong một lần làm nhiệm vụ bảo vệ khu căn cứ, giữ đường Túy Loan, ông bị thương nặng ở vai, dù vậy ý chí của ông vẫn không sờn và tiếp tục hoạt động cách mạng bởi ông nói, với ông đã “một lần tin Đảng là mãi mãi giữ lòng tin”.

Từ sự trưởng thành về ý thức và hành động, năm 1975, sau hơn 10 năm hoạt động cách mạng, Alăng Cần vinh dự được Chi bộ xã 1 (Đông Giang, Quảng Nam) kết nạp vào hàng ngũ Đảng.

“Giây phút được đứng vào hàng ngũ Đảng là giây phút vô cùng tự hào, nước mắt rưng rưng. Đây không chỉ là vinh dự lớn lao sau bao nhiêu năm tin, theo Đảng mà bản thân ý thức được là Đảng viên phải luôn là tấm gương sáng, cống hiến hết mình cho dân, cho nước…

Với hơn 40 năm tuổi Đảng, 50 năm theo cách mạng, nhắc đến Đảng, đến Bác Hồ, già làng Alăng Cần luôn tự hào và biết ơn vì nhờ Đảng chỉ đường dẫn lối, người Cơ Tu được sống tự do, ấm no, hạnh phúc.

Già Alăng Cần bên vườn keo của gia đình. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Nhờ sự vận động tích cực của già làng, những mô hình trồng cây ăn quả đã mang lại thu nhập cao cho đồng bào Cơ Tu. Ảnh: VGP/Lưu Hương

Đảng viên phải làm trước

Sau khi đất nước thống nhất, ông trở về quê hương. Từ năm 1976 -1986, ông làm Trưởng Công an xã, rồi chuyển làm công tác Đảng tại xã Hòa Phú. Sau khi nghỉ hưu, ông được bà con dân bản tín nhiệm và bầu làm già làng thôn Phú Túc, xã Hòa Phú cho đến nay.

Trong những năm tháng ấy, già làng Alăng Cần đã có nhiều đóng góp làm thay đổi nhận thức, giúp bà con dân bản về sinh sống định canh, định cư; xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, xây dựng đời sống văn hóa mới, phát triển kinh tế, thoát nghèo.

Già Alăng Cần nhớ lại: Những ngày đầu đất nước thống nhất, nhà người Cơ Tu nào cũng nghèo, thiếu đói triền miên, bà con thôn bản phải lên rừng đốt rẫy làm nương, sống du canh du cư không ổn định.

“Định canh, định cư” là chính sách lớn, đúng đắn của Đảng, Nhà nước nhưng việc vận động bà con thôn bản thực hiện cũng khó khăn bởi “du canh, du cư” đã là tập quán bao đời nay của đồng bào. Hiểu vậy nên già Alăng Cần vận động người thân trong gia đình mình làm trước, từ đó thuyết phục bà con làm theo.

Để dần xóa bỏ những hủ tục lạc hậu (tảo hôn, ma chay, cưới xin tốn kém, lễ hội đâm trâu…), ông kiên trì đến từng nhà để vận động, phân tích cho bà con hiểu đúng. Ông cũng tham gia hoà giải thành công nhiều vụ việc mâu thuẫn, tranh chấp trong bà con dân tộc với nhau, giữ vững tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội.

Cũng nhờ vào uy tín, sự kiên trì của già làng Alăng Cần mà đồng bào dần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, phát triển kinh tế rừng, giúp bà con từng bước thoát nghèo, có thu nhập ổn định.

“Mình được người thôn bản tôn trọng, tin cậy bầu làm già làng thì phải luôn tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của bà con. Bà con có khó khăn gì thì tìm cách giúp đỡ, nhờ đó bà con mới nghe, mới tin và làm theo”, già làng Alăng Cần cho biết.

Hiện thôn Phú Túc có 112 hộ với trên 426 nhân khẩu, trong đó 109 hộ là người đồng bào Cơ Tu. Nhờ sự quan tâm của Đảng, của chính quyền địa phương và sự vận động kiên trì của già làng Alăng Cần trong bao năm qua nên đến nay tại thôn Phú Túc, đường giao thông nông thôn đã khang trang, sạch đẹp; 100% hộ đồng bào Cơ Tu không còn ở nhà tạm, nhà nhà có điện thắp sáng, mạng lưới phát thanh đã đến từng gia đình. Ngoài ra, người dân thôn bản còn được chính quyền hỗ trợ phục dựng nhà Gươl truyền thống, cồng chiêng, sản xuất rượu cần để lưu giữ nét văn hóa truyền thống dân tộc mình.

Ông Nguyễn Văn Vân, Bí thư xã Hòa Phú cho biết: Trước đây, đồng bào vùng cao còn nghèo lắm, nhưng giờ thì khác rồi, cái đói, bệnh tật, thất học, hủ tục lạc hậu đã thật sự bị đẩy lùi.

Ngày nay bà con đã có ý thức tham gia phát triển kinh tế, tạo ra thu nhập ổn định như mô hình trồng cây bơ, cây chuối, trồng cây đậu xanh, cây lúa nước, nuôi gà thả vườn, nuôi vịt, trồng cỏ nuôi bò, trồng rừng, mở rộng mô hình ươm keo giống cung cấp cho nhiều tỉnh/ thành miền Trung... đời sống hòa thuận, no ấm nên người Cơ Tu ơn Đảng, ơn Bác Hồ nhiều lắm. Được như vậy là do địa phương có những đảng viên gương mẫu như già Alăng Cần, nói được, làm được theo lời Đảng, lời Bác, làm gương cho bà con

Theo Lưu Hương
Chinhphu.vn