Quảng Trị:

Khát vọng về thành phố hòa bình trên miền “đất thiêng”

(Dân trí) - Bước qua những đau thương, tàn tích chiến tranh, “vùng đất thiêng” Thành cổ (thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị) đã hồi sinh và đang khởi sắc nhờ những bàn tay cần cù, sáng tạo. Để mảnh “đất thiêng” Thành cổ phát triển mạnh mẽ hơn, trở thành nơi ngưỡng vọng, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, ý tưởng về xây dựng “thành phố hòa bình” là khát vọng, mong ước của mọi người dân.

Nhắc đến Thành cổ Quảng Trị, người dân biết đến nơi đây là vùng đất tâm linh. Nơi từng ghi dấu cuộc chiến đấu oai hùng của quân và dân ta để bảo vệ Thành cổ, mùa hè 1972. Vùng đất này đã nhuốm máu đào của hàng vạn người con của đất nước đã anh dũng hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc. Chính vì vậy, sau chiến tranh, Thành cổ Quảng Trị trở thành nơi ngưỡng vọng, tri ân những người đã khuất, để ghi nhớ công ơn của các anh hùng, liệt sĩ.

Xây dựng Thành phố hòa bình trên miền đất thiêng là khát vọng của nhân dân
Xây dựng Thành phố hòa bình trên miền "đất thiêng" là khát vọng của nhân dân

Bước lên từ chiến tranh đau thương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Quảng Trị đã bắt tay vào xây dựng quê hương, xây dựng nên một đô thị mới bên dòng sông Thạch Hãn.

Theo báo cáo, trong năm 2017, tình hình kinh tế- xã hội thị xã Quảng Trị đạt kết quả đáng phấn khởi. Kết quả thực hiện 16/16 chỉ tiêu phát triển KT- XH, quốc phòng- an ninh của thị xã đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Trong đó, nổi bật là công tác xúc tiến đầu tư được đẩy mạnh và mang lại hiệu quả nhất định; tổ chức thành công các hoạt động kỷ niệm 45 năm sự kiện 81 ngày đêm chiến đấu bảo vệ Thành cổ và 70 năm ngày Thương binh-liệt sĩ. Đặc biệt, việc triển khai thực hiện chủ đề “Năm chỉnh trang và xây dựng văn minh đô thị” đã góp phần làm cho bộ mặt đô thị của thị xã có nhiều khởi sắc.

Mỗi khi nói đến Quảng Trị, người ta thường nhắc đến con số 2 ngẫu nhiên: 2 thị xã gồm Đông Hà (nay là thành phố Đông Hà) và thị xã Quảng Trị, 2 dòng sông Bến Hải và Thạch Hãn trong chiến tranh là ranh giới tạm thời chia cắt 2 miền, 2 nghĩa trang Quốc gia là Đường 9 và Trường Sơn, 2 ngày 27, gồm ngày kỷ niệm Thương binh liệt sĩ (27/7) và ngày kỷ niệm ký Hiệp định Paris (27/1)...

Vào các dịp lễ tết, người dân khắp mọi miền về đây dâng hương tri ân liệt sĩ
Vào các dịp lễ tết, người dân khắp mọi miền về đây dâng hương tri ân liệt sĩ

Tại lễ kỷ niệm 45 năm ngày ký Hiệp định Paris 27/1/2018, ông Nguyễn Văn Hùng – Bí thư Tỉnh ủy Quảng Trị nhấn mạnh: Từ một mảnh đất bị hủy diệt hoàn toàn trong chiến tranh; phát huy truyền thống kiên cường, anh dũng trong chiến đấu; cần cù, sáng tạo trong xây dựng cuộc sống; được sự quan tâm, giúp đỡ của Đảng, Chính phủ, quân và dân trong cả nước, Quảng Trị đã vượt lên mọi khó khăn, xây dựng cuộc sống mới. Kinh tế có bước tăng trưởng khá. Các vấn đề an sinh xã hội được chăm lo. An ninh quốc phòng được giữ vững. Hệ thống chính trị được quan tâm xây dựng, củng cố ngày càng vững mạnh.

Lãnh đạo tỉnh Quảng Trị cho rằng: “Nhân dân Quảng Trị cũng như nhân dân cả nước thấu hiểu sâu sắc giá trị vĩnh hằng của hòa bình. Vì vậy, tổ chức hoạt động kỷ niệm 45 năm ngày ký kết Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam không chỉ ôn lại sự kiện lịch sử diễn ra 45 năm về trước, tri ân các anh hùng, liệt sĩ mà còn chuyển tải thông điệp tôn vinh giá trị của hoà bình – độc lập, sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc thân yêu”.

Người đứng đầu tỉnh Quảng Trị cũng nhấn mạnh rằng: Tâm nguyện của Đảng bộ và nhân dân tỉnh nhà về xây dựng thị xã Quảng Trị thành thành phố mang biểu tượng của hòa bình, để du khách trong và ngoài nước khi đến với Quảng Trị không chỉ chiêm nghiệm ký ức bi hùng của chiến tranh vệ quốc, mà còn cảm nhận giá trị của hòa bình để cùng nâng cánh tình yêu và khát vọng dựng xây đất nước.

Sông Thạch Hãn cũng là dòng sông ghi dấu ấn trong cuộc chiến Thành cổ 1972
Sông Thạch Hãn cũng là dòng sông ghi dấu ấn trong cuộc chiến Thành cổ 1972

Với ý nghĩa này, xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành thành phố tiếp cận các tiêu chí hòa bình như thành phố Hirosima Nhật Bản và nhiều thành phố khác trên thế giới là ý tưởng của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Quảng Trị và cũng là mong muốn chung của nhân dân, đồng bào trên khắp mọi miền Tổ quốc- những người luôn đau đáu với mảnh đất thiêng Quảng Trị, muốn được chung tay góp sức làm cho mảnh đất từng là chứng nhân bi tráng của lịch sử mỗi ngày giàu đẹp, bình yên hơn.

Thành cổ Quảng Trị được xem là biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng với khát vọng tự do, độc lập, là điểm nhấn trong chuỗi kiến trúc không gian tưởng niệm tâm linh ở thị xã Quảng Trị. Cùng với Thành cổ Quảng Trị, hiện trên địa bàn thị xã Quảng Trị có rất nhiều địa chỉ hành hương về nguồn thu hút nhiều du khách, bạn bè quốc tế, như dòng sông Thạch Hãn, Di tích lịch sử quốc gia Trường Bồ Đề...

Thành cổ Quảng Trị là điểm đến tri ân của người dân trong và ngoài nước
Thành cổ Quảng Trị là điểm đến tri ân của người dân trong và ngoài nước

Xây dựng thị xã Quảng Trị trở thành thành phố mang biểu tượng của hòa bình, thành phố hòa bình vừa có ý nghĩa thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội nơi miền “đất thiêng”, mà còn là nơi ngưỡng vọng, tri ân các anh hùng, liệt sĩ, làm điểm nhấn trong phát triển du lịch, điểm tham quan cho những ai yêu chuộng hòa bình.

Đăng Đức