Khẳng định sự trường tồn của giá trị tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị và Kế hoạch tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh đến năm 2015, Ban Bí thư Trung ương Đảng chỉ đạo tổ chức Cuộc vận động sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh."

Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" được trao tặng cho các tác phẩm, tác giả, các đơn vị, cá nhân có thành tích nổi bật trong việc phát hiện, tuyên truyền, quảng bá, cổ vũ, nhân rộng các điển hình tiên tiến, gương người tốt việc tốt, nhân tố mới trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, có tác động tích cực đến cộng đồng và trong xã hội, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, ngành, địa phương, đơn vị.

Giải thưởng chia làm hai đợt, đợt 1 từ tháng 5/2011 đến tháng 3/2013; đợt 2 từ tháng 4/2013 đến tháng 5/2015.

Nhân kỷ niệm 125 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Lễ trao Giải thưởng sáng tác, quảng bá tác phẩm văn học nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh" đợt 2 năm 2015 sẽ được Ban Tuyên giáo Trung ương tổ chức tối 13/5 tới đây. Chương trình sẽ được tường thuật trực tiếp trên sóng VTV1 Đài Truyền hình Việt Nam và sóng VOV1 Đài Tiếng nói Việt Nam từ Trung tâm Nghệ thuật Âu Cơ (Hà Nội)

Tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ, nhà báo sáng tác và quảng bá

Theo Ban Chỉ đạo Giải thưởng, quán triệt nội dung, yêu cầu Chỉ thị 03-CT/TW của Bộ Chính trị và chỉ đạo của Ban Bí thư, phát huy kết quả đạt được trong đợt 1 thực hiện Giải thưởng, trong hai năm qua, cấp ủy các cấp đã quan tâm nhiều hơn đến việc chỉ đạo, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện để các văn nghệ sỹ, nhà báo sáng tác và tổ chức quảng bá các tác phẩm về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về tình hình, kết quả thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Liên hiệp các Hội văn học, nghệ thuật Việt Nam và các hội văn học, nghệ thuật chuyên ngành Trung ương tiếp tục tuyên truyền, hướng dẫn, định hướng, động viên hội viên sáng tác, quảng bá thông qua giao ban, sinh hoạt nghiệp vụ, thông tin qua các tạp chí, trang tin của Hội, nhân những ngày kỷ niệm lớn, trong dịp đón xuân mới..., qua đó, kêu gọi, động viên văn nghệ sỹ, trí thức, nhà báo sáng tác, các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp, đài phát thanh, đài truyền hình tham gia quảng bá về chủ đề học tập và làm theo Bác.

Lãnh đạo các cơ quan chủ quản báo, đài ở Trung ương, các tỉnh, thành phố tăng cường chỉ đạo các cơ quan báo chí viết về những gương điển hình, mô hình tốt, cách làm sáng tạo, hiệu quả trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh... Hầu hết các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành đều có hội viên gửi tác phẩm tham gia Giải thưởng.

Tại các địa phương, Bộ phận Giúp việc, Bộ phận chuyên trách Chỉ thị 03 các tỉnh, thành ủy đã tích cực tham mưu cho Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền về các điển hình, cách làm mới, hiệu quả ở địa phương; huy động được sự tham gia của hệ thống các thiết chế văn hóa, thiết chế thông tin, truyền thông vào hoạt động quảng bá; đội ngũ văn nghệ sỹ, trí thức, nhà báo tham gia hoạt động sáng tác. Các tỉnh, thành phố đều tổ chức đánh giá kết quả, biểu dương, khen thưởng tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong hoạt động sáng tác, quảng bá.

Nhiều hội văn học, nghệ thuật, hội nhà báo của địa phương đã tổ chức cho hội viên đi thực tế đến những di tích lịch sử, gặp gỡ điển hình tiêu biểu, mô hình sáng tạo, hiệu quả, các phong trào về xây dựng nông thôn mới, xây dựng đời sống văn hóa để tìm hiểu, sáng tác, viết tin, bài; tổ chức trại sáng tác và tạo điều kiện cho hội viên tham gia trại sáng tác do Trung ương tổ chức; động viên, khen thưởng kịp thời các hội viên có tác phẩm đạt giải cấp tỉnh.

Ban Tuyên giáo, Sở Văn hóa, Thể thao, Du lịch, Sở Thông tin và Truyền thông chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, giới thiệu tác phẩm, bài viết có chất lượng trên đài phát thanh-truyền hình, báo tỉnh, cổng thông tin điện tử.

Một số tỉnh miền núi, vùng khó khăn đã chú trọng đầu tư cho các đội chiếu phim, đội tuyên truyền lưu động phục vụ đồng bào vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền những gương người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Hệ thống thiết chế văn hóa, thông tin ở địa phương như thư viện, bảo tàng, nhà văn hóa, bưu điện văn hóa xã đều tích cực, chủ động tuyên truyền, giới thiệu những tác phẩm, ấn phẩm về điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Những cố gắng, sự chủ động trong công tác tổ chức, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương nêu trên đã góp phần quan trọng vào việc làm tăng lên về số lượng và chất lượng tác phẩm của Giải thưởng đợt này.

Tạo sức lan tỏa lớn

Hai năm qua, Ban Tuyên giáo Trung ương, cấp ủy các cấp đã chủ động trong công tác chỉ đạo, tổ chức, phối hợp, nắm tình hình, cung cấp thông tin, hướng dẫn; xây dựng chương trình, kế hoạch, động viên, khuyến khích, tạo điều kiện cho hoạt động sáng tác, quảng bá triển khai đều, rộng, trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội.

Công tác chỉ đạo đã bám sát thực tiễn của địa phương, cơ sở, đặc thù của từng loại hình văn học, nghệ thuật, trao đổi về chủ đề sáng tác, cách thức tổ chức thăm quan, mở trại viết, giao lưu giới thiệu tác phẩm mới, vấn đề kinh phí, động viên tổ chức, cá nhân hỗ trợ hoạt động sáng tác, quảng bá, đã tạo điều kiện cho hoạt động sáng tác, quảng bá có sức lan tỏa, tiến hành thuận lợi và đúng hướng, văn nghệ sỹ, nhà báo, những người có tâm huyết, phấn khởi tham gia.

Ban Chỉ đạo Giải thưởng cho biết số lượng tác phẩm, công trình, ấn phẩm tham gia giải thưởng tăng gần gấp đôi so với đợt 1 (đợt 1 khoảng gần 150 tác phẩm, công trình, tập thể, cá nhân, xét chọn và trao 136 giải; đợt 2 có gần 300 tác phẩm, công trình, tập thể, cá nhân, xét chọn và đề nghị trao 237 giải).

Số lượng các đơn vị, cá nhân tham gia cũng tăng lên và không chỉ ở các thành phố, trung tâm chính trị, kinh tế lớn, mà ở các địa phương, miền núi, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn.

Giải thưởng đã thu hút sự tham gia của nhiều tác giả là cán bộ, đảng viên, sinh viên, việt kiều đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài như Anh, Australia, Sri Lanka.

Hội đồng Giải thưởng đã nhận được tác phẩm của tác giả là người nước ngoài như ông Luis André Motess Rajas ở Chile. Nhiều tác giả là người dân tộc thiểu số, như Chăm, Châu ro, Tày, Êđê đã tham dự Giải thưởng.

Một số tác giả có nhiều đóng góp đối với đất nước trên các lĩnh vực nghiên cứu lịch sử, văn hóa, văn học nghệ thuật, tuổi đã cao nhưng vẫn sáng tác gửi tác phẩm tham gia Giải thưởng như giáo sư Vũ Khiêu, giáo sư Hà Minh Đức, giáo sư Trần Văn Bính...

Các tác phẩm, công trình tham gia Giải thưởng đã bám sát chủ đề về học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, góp phần trực tiếp tuyên truyền về tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, về những gương điển hình tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác.

Nhiều tác phẩm, công trình có quy mô lớn, chất lượng tốt, như vở diễn"Quyết đấu giữa sương mù"của tác giả Chu Lai, đạo diễn nghệ sỹ nhân dân Lê Hùng; Sách nghiên cứu về học tập và làm theo tư tưởng Hồ Chí Minh của Đại tướng Võ Nguyên Giáp; tác phẩm"Hồ Chí Minh anh hùng dân tộc và tầm thời đại của Người"của tác giả Hà Minh Đức; hợp xướng"ATK - Hồ Chí Minh"của nhạc sỹ Nguyễn Minh Quang; hợp xướng"Nhật lệnh gọi bình minh"của nhạc sỹ Ngô Duy Đông, thơ của Trần Khoái; kịch múa"Khoảnh khắc bất tử"của nhóm biên đạo nghệ sỹ nhân dân Phạm Anh Phương, nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Hồng Phong, nghệ sỹ Nguyễn Thị Tuyết Minh, âm nhạc của các nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân, Đặng Hùng, Đỗ Bảo; Tượng đài chất liệu đá "Bác Hồ với nhân dân các dân tộc Tuyên Quang" của nhóm tác giả Lê Lạng Lương, Nguyễn Hồng Phong, Phạm Bá Đua; phim truyện"Thầu Chín ở Xiêm;"loạt bài"Thực hiện Chỉ thị 03 và Nghị quyết Trung ương 4 ở Bình Thuận"của báo Quân đội Nhân dân; loạt bài"Việc làm tự giác theo mệnh lệnh của trái tim"của báo Hải Phòng...

Ý nghĩa thực tiễn của các tác phẩm tham gia Giải thưởng đối với việc động viên, khuyến khích, định hướng hành động trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác thể hiện rõ hơn. Tỷ lệ các tác phẩm đề cập đến các điển hình tiên tiến học tập và làm theo Bác tăng lên, nhất là lĩnh vực báo chí.

Nhiều bài báo với nội dung tổng kết thực tiễn bốn năm thực hiện Chỉ thị 03-CT/TW, giới thiệu những bài học kinh nghiệm có tác dụng sâu sắc trong chỉ đạo thực hiện, những điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Bác trên nhiều lĩnh vực đời sống xã hội, có tác dụng động viên, cổ vũ quần chúng nhân dân học tập và làm theo tấm gương đạo đức của Người.

Với sự tham gia đông đảo của đội ngũ văn nghệ sỹ, báo chí, các đơn vị thông tin, truyền thông, văn hóa, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” cho thấy chủ trương của Ban Bí thư về tổ chức Giải thưởng đã tạo ra sinh khí mới đối với hoạt động sáng tác, quảng bá về chủ đề này, qua đó, động viên, khuyến khích và phát huy được tính tích cực sáng tạo, nâng cao trách nhiệm xã hội, thể hiện sự kính trọng, tình cảm của văn nghệ sỹ, nhà báo đối với Bác; làm phong phú đời sống tinh thần cho nhân dân.

Giải thưởng góp phần khẳng định sự trường tồn của những giá trị mang ý nghĩa chính trị, văn hóa to lớn - tư tưởng, tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Theo Hương Thủy
 Vietnam+
http://www.vietnamplus.vn/khang-dinh-su-truong-ton-cua-gia-tri-tu-tuong-dao-duc-ho-chi-minh/321054.vnp