Họp mặt những người tham gia hoạt động ở Hội nghị Paris

Những con người từng nhau đấu tranh trên bàn đàm phán năm xưa nay gặp nhau tay bắt mặt mừng, trao nhau những chiếc ôm nồng ấm, thăm hỏi sức khỏe…

Chiều 28/4, tại Thành phố Hồ Chí Minh, Quân khu 7 tổ chức lễ họp mặt anh chị em tham gia hoạt động ở Hội nghị Paris về Việt Nam. Tham dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết; nguyên Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình, nguyên Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh Lê Thanh Hải. Đặc biệt là sự có mặt của các thành viên của các đoàn đám phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam, các Việt kiều đã giúp đỡ đoàn đàm phán.

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt tay các đại biểu tham dự cuộc họp mặt

Nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bắt tay các đại biểu tham dự cuộc họp mặt

Hội nghị Paris về Việt Nam là cuộc đấu tranh trên mặt trận ngoại giao, diễn ra từ tháng 5/1968 đến ngày 27/1/1973, Hiệp định Paris được ký kết, kết thúc thắng lợi cuộc đấu tranh ngoại giao dài nhất, khó khăn nhất trong lịch sử ngoại giao Việt Nam ở thế kỷ 20, góp phần quan trọng vào đại thắng mùa Xuân 1975, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.

Tại buổi gặp mặt, bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam đã kể lại kỷ niệm những ngày tháng đấu tranh căng thẳng trên bàn đàm phán tại Paris. Tuy đoàn đàm phán không nhiều nhưng đã làm đủ mọi việc từ đấu tranh trực diện với đối phương, gặp gỡ báo chí, tiếp xúc, vận động bạn bè quốc tế đến những công tác hậu cần.

Bà Nguyễn Thị Bình phát biểu tại buổi lễ

Bà Nguyễn Thị Bình phát biểu tại buổi lễ

Cả hai đoàn Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với tổng số 100 người, đến hôm nay, đã hơn một nửa không còn nữa. Những con người từng nhau đấu tranh trên bàn đàm phán năm xưa nay gặp nhau tay bắt mặt mừng, trao nhau những chiếc ôm nồng ấm, thăm hỏi sức khỏe…

Hiện nay, tuy tuổi cao sức yếu nhưng họ vẫn rất tâm huyết, cống hiến cho sự phát triển của đất nước. Những con người đi trước mong muốn các thế hệ sau sẽ tiếp nối truyền thống cha anh, đưa Việt Nam ngày càng phát triển.

Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch nước, nguyên Trưởng đoàn đàm phán tại Hội nghị Paris về Việt Nam của Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam, hiện đang là Chủ tịch Quỹ Hòa bình và Phát triển Việt Nam cho biết: “Trước mắt chúng ta là cuộc đấu tranh cho một nước Việt Nam độc lập, giàu mạnh và nhân dân được tự do và hạnh phúc. Cuộc đấu tranh mới này tuy không có tiếng súng nhưng hết sức khó khăn, đầy thử thách, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế vô cùng phức tạp. Để giành thắng lợi đòi hỏi sự tập hợp của dân tộc mạnh mẽ, nhiều trí tuệ, sức lực, sự ủng hộ của quốc tế rộng lớn, đòi hỏi sự phấn đấu mạnh mẽ, nhiều trí tuệ và sức lực của mỗi người, mọi người Việt Nam, trên tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, khoa học, an ninh, quốc phòng”.

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trò chuyện với các đại biểu

Bí thư Thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải trò chuyện với các đại biểu

Phát biểu chào mừng tại buổi gặp mặt, Trung tướng Phạm Văn Dỹ, Chính ủy Quân khu 7 cũng gửi những lời tri ân, cảm ơn chân thành nhất đến với những chiến sỹ trên mặt trận ngoại giao năm xưa. Hiệp định Paris để lại cho chúng ta nhiều bài học sâu sắc, ý nghĩa to lớn. Đó là phát huy sức mạnh của ngoại giao, phối hợp với mặt trận chính trị, quân sự “vừa đánh - vừa đàm”, tạo sức mạnh tổng hợp, giành toàn thắng. Bài học tiếp theo là về đường lối đối ngoại độc lập tự chủ, vì lợi ích quốc gia dân tộc; bài học về đoàn kết dân tộc và đoàn kết quốc tế, phát huy được sức mạnh đoàn kết toàn dân tộc, sự ủng hộ và giúp đỡ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới.

Theo Hà Khánh
VOV