Giới thiệu 2 Ủy viên Bộ Chính trị làm Phó Thủ tướng Chính phủ

(Dân trí) - Hai tân Ủy viên Bộ Chính trị vừa đắc cử tại Đại hội Đảng XII vừa qua là ông Vương Đình Huệ và ông Trương Hoà Bình được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội, đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm làm Phó Thủ tướng. “Ứng viên” Phó Thủ tướng thứ 3 là Bộ trưởng Xây dựng vừa được miễn nhiệm Trịnh Đình Dũng.

Nội dung tờ trình của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ căn cứ điều 88 Hiến pháp, Điều 2 và 28 luật Tổ chức Chính phủ, Nghị quyết số 03 của Quốc hội về cơ cấu của Chính phủ và Phó Thủ tướng Chính phủ khoá XIII, căn cứ thông báo kết luận số 03 của Bộ Chính trị về việc giới thiệu nhân sự lãnh đạo các cơ quan nhà nước để Quốc hội bầu, phê chuẩn tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khoá XIII, Thủ tướng đưa ra danh sách 20 thành viên Chính phủ mới (gồm 3 Phó Thủ tướng, 17 Bộ trưởng – Thủ trưởng cơ quan ngang bộ) trình Quốc hội đề nghị phê chuẩn bổ nhiệm.


Từ trái qua phải: Ông Vương Đình Huệ, ông Trịnh Đình Dũng và ông Trương Hòa Bình được đề nghị phê chuẩn làm Phó Thủ tướng.

Từ trái qua phải: Ông Vương Đình Huệ, ông Trịnh Đình Dũng và ông Trương Hòa Bình được đề nghị phê chuẩn làm Phó Thủ tướng.

Cụ thể, 3 nhân sự được đề nghị phê chuẩn Phó Thủ tướng gồm:

1. Ông Trương Hoà Bình – Ủy viên Bộ Chính trị:


Ông Trương Hòa Bình (trái) vừa được miễn nhiệm chức vụ Chánh án TAND Tối cao vào sáng nay 8/4. (Ảnh: N.T)

Ông Trương Hòa Bình (trái) vừa được miễn nhiệm chức vụ Chánh án TAND Tối cao vào sáng nay 8/4. (Ảnh: N.T)

Ông Trương Hoà Bình sinh năm 1955, quê quán: Cần Giuộc, Long An. Đến thời điểm này, ông Trương Hoà Bình đã tham gia Quốc hội 4 khoá (X, XII, XII, XIII), Trung ương Đảng 3 khoá (X, XI, XII) và trúng cử Ủy viên Bộ Chính trị khoá XII vừa qua.

Ông Bình trưởng thành từ lực lượng Công an, làm Phó Giám đốc Công an TPHCM năm 1997 trước khi chuyển sang làm Viện trưởng VKSND thành phố này năm 2001. Năm 2006, ông Bình trở thành Thứ trưởng Bộ Công an, được phong hàm Trung tướng và đảm nhiệm chức vụ Chánh án TAND Tối cao từ năm 2007 và vừa được Quốc hội miễn nhiệm chức vụ này.

2. Ông Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị

Giới thiệu 2 Ủy viên Bộ Chính trị làm Phó Thủ tướng Chính phủ - 3

Ông Vương Đình Huệ sinh năm 1957, quê quán: Nghi Lộc, Nghệ An, là Giáo sư – Tiến sỹ Kinh tế. Ông Huệ đã tham gia Trung ương 3 khoá (X, XI, XII), hiện là Uỷ viên Bộ Chính trị khoá XII. Ông đã kinh qua nhiều chức vụ trong nhiệm kỳ vừa qua.

Đầu năm 2011, khi đang là Tổng Kiểm toán nhà nước, ông được Quốc hội phê chuẩn bổ nhiệm làm Bộ trưởng Tài chính. Đến cuối tháng 12/2012, ông được điều động làm Trưởng Ban Kinh tế Trung ương cho đến nay.

3. Ông Trịnh Đình Dũng – Ủy viên Trung ương Đảng

Giới thiệu 2 Ủy viên Bộ Chính trị làm Phó Thủ tướng Chính phủ - 4

Ông Trịnh Đình Dũng sinh năm 1956, quê tại Mê Linh, Hà Nội, trình độ học vấn: Thạc sỹ. Ông Dũng là Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khoá XI, XII. Ông Dũng từng đảm nhiệm nhiều vị trí công tác tại tỉnh Vĩnh Phúc trước khi trở thành Bí thư Tỉnh uỷ tỉnh này trong khoảng thời gian từ 2004-2010. Ông được phê chuẩn làm Bộ trưởng Xây dựng từ tháng 7/2011.

Với các nhân sự được đề nghị phê chuẩn làm Bộ trưởng – Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, có thêm 2 Ủy viên Bộ Chính trị khác có trong danh sách trình ra Quốc hội. Đây là các “ứng viên” cho chức vụ Bộ trưởng Quốc phòng, Bộ trưởng Công an.

Ông Ngô Xuân Lịch – Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng – Chủ nhiệm Tổng Cục chính trị QĐND được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Quốc phòng.

Ông Ngô Xuân Lịch sinh năm 1954, quê ở Duy Tiên, Hà Nam, là cử nhân luật. Từ tháng 3/2011 giữ chức Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam, được phong hàm Thiếu tướng (2003), Thượng tướng (12/2011) và Đại tướng (10/2015).

Ông Tô Lâm – Ủy viên Bộ Chính trị, Thượng tướng – Thứ trưởng Bộ Công an được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Công an.

Ông Tô Lâm sinh năm 1957, quê tại Văn Giang, Hưng Yên, trình độ Giáo sư – Tiến sỹ. Từng được bổ nhiệm các vị trí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, rồi Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh I, Thứ trưởng Bộ Công an. Phong hàm Thiếu tướng (2007), Trung tướng (2010), Thượng tướng Công an nhân dân (2014).

Trong danh sách có nhiều Thứ trưởng, lãnh đạo các cơ quan chuyên môn thuộc các Bộ có Bộ trưởng vừa được miễn nhiệm được đề nghị phê chuẩn làm Bộ trưởng mới gồm:

Thứ trưởng Lê Vĩnh Tân (Bộ Nội vụ) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Nội vụ

Thứ trưởng Lê Thành Long (Bộ Tư pháp) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Tư pháp

Thứ trưởng Nguyễn Chí Dũng (Bộ KH-ĐT) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Kế hoạch – Đầu tư

Thứ trưởng Trần Tuấn Anh (Bộ Công thương) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Công thương

Thứ trưởng Trần Hồng Hà (Bộ Tài nguyên – Môi trường) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Tài nguyên – Môi trường

Thứ trưởng Trương Minh Tuấn (Thông tin – Truyền thông) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông

Thứ trưởng Nguyễn Ngọc Thiện (Bộ VH,TT&DL) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng VH,TT&DL

Thứ trưởng Chu Ngọc Anh (Bộ Khoa học – Công nghệ) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Khoa học – Công nghệ

Thứ trưởng Phạm Hồng Hà (Bộ Xây dựng) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Xây dựng

Giám đốc ĐH Quốc gia Phùng Xuân Nhạ được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo

Phó Chủ nhiệm – Thứ trưởng Đỗ Văn Chiến (UB Dân tộc) được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng – Chủ nhiệm UB Dân tộc

Ngoài ra, có 5 nhân sự khác được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đưa vào danh sách trình Quốc hội xem xét phê chuẩn gồm:

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Trương Quang Nghĩa được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng GTVT

Bí thư Đảng uỷ khối các cơ quan Trung ương Đào Ngọc Dung được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng LĐ,TB&XH

Bí thư Tỉnh uỷ Hà Nam Mai Tiến Dũng được đề nghị phê chuẩn giữ chức Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ.

Phó Chánh văn phòng Trung ương – nguyên Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng được đề nghị phê chuẩn giữ chức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Phan Văn Sáu được đề nghị phê chuẩn giữ chức Tổng Thanh tra Chính phủ.

P.Thảo