“Giải cứu” thịt heo làm nóng nghị trường TPHCM

(Dân trí) - Tình trạng người chăn nuôi heo điêu đứng vì cảnh không ai mua, giá mua rẻ mạt, được các đại biểu đặt ra gay gắt trên nghị trường TPHCM. Các đại biểu chất vấn trách nhiệm của ngành nông nghiệp ở đâu trong các chiến dịch “giải cứu” nông sản thời gian qua.

Sáng ngày 6/7, kỳ họp thứ 5 HĐND TPHCM khóa IX tiếp tục diễn ra ngày làm việc thứ 3 với phiên thảo luận tại hội trường. Trong phiên họp này, ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, đại diện cho ngành mình trả lời chất vấn của các đại biểu HĐND TP.

Làm sao tránh cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”

Phát biểu tại buổi thảo luận, đại biểu Hoàng Thị Diễm Tuyết đặt vấn đề trách nhiệm của cơ quan quản lý ngành nông nghiệp đối với việc tiêu thụ nông sản cho nông dân.

Đại biểu Tuyết chất vấn: “Thời gian qua báo chí nói nhiều đến việc dư thừa nguồn cung các nông sản như chuối, heo và đặt vấn đề giải cứu các sản phẩm này. Ở đây chúng ta thấy rõ bài toán sản xuất và tiêu thụ sản phẩm có độ chênh nhau. Sở đóng vai trò gì trong việc giải quyết bài toán đó? Chúng ta rút ra bài học gì để trong tương lai không vấp phải tình trạng như vậy nữa?”.

Thịt heo đang ế vì không có thương lái mua, người dân phải tổ chức giải cứu
Thịt heo đang ế vì không có thương lái mua, người dân phải tổ chức "giải cứu"

Trả lời cử tri, ông Nguyễn Phước Trung cho biết thực tế thành phố không bị ảnh hưởng nhiều. Chẳng hạn như ở mặt hàng thịt heo vừa rồi, tổng đàn heo cả nước tăng rất cao, từ 27,5 triệu con lên 30 triệu con. TPHCM cũng tăng nhưng đàn heo thịt không tăng nhiều vì TP định hướng phát triển heo nái để cung cấp giống cho các tỉnh thành khác.

Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận 1 bài học mà ai cũng thấy là vấn đề tiêu thụ sản phẩm cho người nông dân. Sở đã nhận ra bài toán này từ lâu và đã tiến hành nhiều giải pháp kết nối người nông dân với các đơn vị tiêu thụ sản phẩm.

Ông nói: “Sở tổ chức ký kết với các hợp tác xã, các siêu thị, bếp ăn ở các khu công nghiệp – khu chế xuất, kết hợp với Sở Giáo dục – Đào tạo để giới thiệu nông sản đến hệ thống nhà ăn các trường học, tham gia nhiều hội chợ, tổ chức các chợ phiên để giới thiệu và bán các nông sản có chứng nhận VietGap…”.

Theo ông Trung, giải pháp “giải cứu” tốt nhất mà thành phố đang triển khai là làm đồng bộ nhiều phương án để hỗ trợ người nông dân tăng năng suất nuôi trồng, giảm giá thành và tăng chất lượng sản phẩm. Khi đó, hàng vừa rẻ vừa tốt, dễ bán mà lợi nhuận lại cao, không còn rơi vào cảnh lao đao, cần “giải cứu” vì “được mùa mất giá, được giá mất mùa”.


Nghị trường nóng vì vấn đề giải cứu thịt heo.

Nghị trường nóng vì vấn đề "giải cứu" thịt heo.

Mở doanh nghiệp đầu mối để tiêu thụ nông sản

Tuy nhiên, các đại biểu vẫn chưa hài lòng với câu trả lời của người đứng đầu ngành nông nghiệp TPHCM. Đại biểu Võ Văn Tân đặt vấn đề: “Tôi muốn Sở nói rõ hơn các việc làm, tác động của mình nhằm giúp người dân tiêu thụ sản phẩm, như báo chí hay nói là "giải cứu" đó? Ngoài tăng năng suất, giảm giá thành và kết nối giao thương thì còn có cách nào hay hơn không?”.

Ông Trung trả lời: “Tôi cũng rất quan tâm, trăn trở với vấn đề này. Thực ra chúng tôi cũng đã bàn với các hợp tác xã trực tiếp sản xuất nông sản và có ý tưởng thành lập 1 doanh nghiệp mới với thành viên là các hợp tác xã sản xuất. Doanh nghiệp này đưa ra 2 tôn chỉ, mục đích rõ ràng. Thứ nhất là sản phẩm sản xuất ra phải an toàn. Thứ 2 là sản phẩm phải được nâng giá mua cho bà con và tính toán cắt bớt chi phí trung gian trong quá trình đưa đến người tiêu dùng để giảm giá bán, tăng doanh số phân phối và bà con tiêu thụ nhiều hơn”.

Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, cho biết đang nghiên cứu tổ chức 1 doanh nghiệp đầu mối để hỗ trợ nông dân TP tiêu thụ nông sản
Ông Nguyễn Phước Trung - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TPHCM, cho biết đang nghiên cứu tổ chức 1 doanh nghiệp đầu mối để hỗ trợ nông dân TP tiêu thụ nông sản

Ông cũng cho biết doanh nghiệp trên sẽ tổ chức rất nhiều hoạt động dài hơi, có khả năng mở rộng để phát triển hệ thống tiêu thụ nông sản cho người nông dân như: tổ chức chợ phiên, bán online, bán vào các chung cư theo đơn đặt hàng, mở rộng hệ thống phân phối riêng...

“Bên cạnh đó, chúng tôi nghiên cứu trang bị xe chuyên dụng chuyển trực tiếp nông sản sơ chế xong đưa ngay đến các khu công nghiệp – khu chế xuất cho công nhân sử dụng, tăng cường các giải pháp tiêu thụ nông sản”, ông Trung cho biết thêm.

Bài: Tùng Nguyên
Ảnh: Nguyễn Quang