Đức ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam về Biển Đông

(Dân trí) - Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc tốt đẹp chuyến thăm chính thức tới Đức và dự Hội nghị Thượng đỉnh G20, theo lời mời của Thủ tướng Angela Merkel. Hai bên đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời giữa hai nước. Đức ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam về Biển Đông.

Đức coi trọng và ủng hộ Việt Nam

Nhìn lại chuyến thăm Cộng hòa Liên bang Đức (CHLB) từ ngày 5 - 8/7 với 40 hoạt động trong chương trình làm việc khẩn trương cho thấy, chuyến công tác tại Đức của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đạt nhiều kết quả tích cực thúc đẩy quan hệ hữu nghị hợp tác song phương giữa hai nước, đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, đồng thời thể hiện sự đóng góp tích cực, chủ động của Việt Nam trong tiến trình hội nhập quốc tế thông qua Hội nghị Thượng đỉnh G20.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã hội đàm với Thủ tướng Angela Merkel, hội kiến Tổng thống Frank-Walter Steinmeier, gặp Chủ tịch Hội đồng Liên bang (Thượng viện), có các cuộc gặp Bộ trưởng Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng và lãnh đạo nhiều bang của Đức; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp Đức; thăm hỏi, nói chuyện với cán bộ nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Berlin, Tổng lãnh sự quán Việt Nam tại Frankfurt và bà con kiều bào.

Tại các cuộc hội đàm, hội kiến, làm việc, hai bên đánh giá cao quan hệ hữu nghị truyền thống gắn bó lâu đời giữa hai nước, nhất trí tiếp tục duy trì và phát huy cách làm mới hiệu quả hơn đối với các cơ chế hợp tác hiện có, nhất là việc tăng cường tin cậy chính trị đưa quan hệ hai nước vào chiều sâu.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc hội đàm tại Đức (ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Angela Merkel trong cuộc hội đàm tại Đức (ảnh: TTXVN)

Hai bên cho rằng, hai nước còn nhiều tiềm năng hợp tác và cần phối hợp thúc đẩy, tạo cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp hai nước tiếp xúc kết nối với nhau nhiều hơn, nhất là qua các diễn đàn doanh nghiệp nhân dịp các chuyến thăm cấp cao hoặc tại các diễn đàn kinh tế toàn cầu...

Về các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm, hai bên nhất trí cần phải giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế. Với tư cách là nước đầu tàu trong EU, có kinh nghiệm xử lý các tranh chấp trên biển, Đức khẳng định ủng hộ tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình trên tinh thần thượng tôn luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) và thể hiện đầy đủ Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), sớm tiến tới COC.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp, đối thoại với một số doanh nghiệp hàng đầu của Đức đang mong muốn hợp tác đầu tư tại Việt Nam; dự và phát biểu tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt – Đức có quy mô gần 700 doanh nhân, nhà đầu tư, lớn nhất từ trước đến nay. Thủ tướng tin tưởng sẽ có một làn sóng đầu tư mới của Đức vào Việt Nam, mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân hai nước.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Doanh nghiệp Việt - Đức, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Đoàn Chính phủ Việt Nam đã chứng kiến lễ ký kết, trao 36 văn bản hợp tác giữa các cơ quan và doanh nghiệp hai nước với tổng giá trị gần 4 tỷ USD.

Vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế

Tại Hội nghị G20 diễn ra vào ngày 7-8/7/2017 ở Hamburg (CHLB Đức) với chủ đề “Định hình một thế giới kết nối”, Việt Nam với tư cách là nước chủ nhà Hội nghị APEC 2017 đã cùng với Đức, các quốc gia G20 khác và các nước thành viên APEC tích cực tham gia đóng góp ý kiến vào những vấn đề lớn toàn cầu.

Với tư cách là diễn giả chính tại phiên thảo luận về phát triển bền vững, biến đổi khí hậu và năng lượng, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ về tầm quan trọng của tăng cường hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu. Thủ tướng nhấn mạnh Việt Nam là một trong những quốc gia chịu tác động nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đồng thời cũng chịu tác động tiêu cực của việc khai thác và sử dụng không bền vững nguồn tài nguyên nước sông Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức (ảnh: TTXVN)
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Đức (ảnh: TTXVN)

Thủ tướng Chính phủ hoan nghênh G20 đã nhất trí cam kết nỗ lực bảo đảm việc quản lý, sử dụng hiệu quả và trách nhiệm tài nguyên nước cũng như hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu; đề nghị G20 và cộng đồng quốc tế nâng cao trách nhiệm, ý thức tự cường, nghiêm túc thực hiện các cam kết quốc tế và phối hợp hành động hiệu quả, tăng cường hỗ trợ tài chính và công nghệ cho các nước đang phát triển trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững và bao trùm.

Nằm trong số ít lãnh đạo được mời phát biểu lần thứ hai tại G20, tại phiên thảo luận về vai trò phụ nữ, xu thế số hóa nền kinh tế, Thủ tướng đã nhấn mạnh những thành tựu bình đẳng giới của Việt Nam, đề cao vai trò, đóng góp quan trọng của phụ nữ. Việt Nam đang từng bước phát triển nền kinh tế số, nhất là trong lĩnh vực công nghệ thông tin, ngân hàng, thuế, hải quan, quản lý hành chính nhà nước… Việt Nam mong nhận được sự hợp tác của các thành viên G20.

Với vai trò Chủ nhà APEC 2017, Việt Nam thúc đẩy sự kết nối với G20 về các chủ đề ưu tiên trong Nghị sự APEC 2017 là phát triển bền vững, ứng phó biến đổi khí hậu và sử dụng hiệu quả năng lượng; phối hợp với các thành viên APEC thúc đẩy trao đổi sâu rộng và có các cơ chế, khuôn khổ hợp tác về phát triển bền vững, bao trùm, cả về kinh tế, xã hội và tài chính.

Bên lề Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc gặp làm việc song phương, gặp gỡ lãnh đạo các nước G20, Thủ tướng Australia, Tổng thống Hàn Quốc, Tổng thống Indonesia, Thủ tướng Ấn Độ, Chủ tịch Ủy ban châu Âu, Hội đồng châu Âu, tập trung trao đổi các định hướng, biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương và hợp tác giữa Việt Nam và các thành viên G20.

Trong thời gian giữa các phiên họp, Thủ tướng đã có các cuộc gặp trao đổi thân mật với Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Tổng thống Pháp Emmanuel Macro, Tổng thống các nước Nam Phi, Guinea, Senegal... nhằm tăng cường quan hệ hợp tác song phương.

Chuyến thăm chính thức làm việc tại CHLB Đức và tham dự Hội nghị G20 của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã kết thúc tốt đẹp, tiếp thêm xung lực cho quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - CHLB Đức, đồng thời thể hiện vị thế quốc gia, nâng cao hình ảnh đất nước Việt Nam đổi mới, phát triển năng động, là đối tác tin cậy và có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế.

Châu Như Quỳnh