Đề xuất hợp nhất Bộ KH-ĐT, Tài chính: Người không giữ tiền vẫn được chi, rất rủi ro!

(Dân trí) - Nói về những chồng lấn, trùng lặp trong chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ ngành dẫn tới chủ trương hợp nhất một số bộ, như Bộ KH-ĐT với Bộ Tài chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng, có nhiều chứng cứ cho thấy đáng để suy ngẫm, nghiên cứu về việc này.

Những ngày qua, khi cho ý kiến về kết quả giám sát tối cao việc thực hiện chính sách cải cách bộ máy hành chính nhà nước, các đại biểu Quốc hội dành nhiều quan tâm tới việc, cơ quan giám sát chỉ ra ít nhất 9 điểm còn trùng lặp, chồng lấn giữa các bộ ngành và đề xuất nghiên cứu hợp nhất như ngành giao thông – xây dựng, KH-ĐT và Tài chính, lĩnh vực tôn giáo và dân tộc… Vấn đề này cũng từng được đề cập tại Hội nghị lần thứ 6 Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XII diễn ra đầu tháng 10 vừa qua khi bàn đến việc tiếp tục đổi mới, tinh gọn bộ máy nhà nước.

Trao đổi về vấn đề này bên hành lang Quốc hội, TS.Nguyễn Sỹ Dũng nhận định, đây là vấn đề rất đáng suy ngẫm và nghiên cứu bởi thực chất, một công việc mà có tới 2-3 cơ quan cùng tham gia quản lý, đôi khi rất trùng lặp.

TS.Nguyễn Sỹ Dũng nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.
TS.Nguyễn Sỹ Dũng nguyên là Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội.

Ông Dũng phân tích từ ví dụ của ngành kế hoạch – đầu tư và tài chính. Cụ thể, cùng một lĩnh vực quản lý là đầu tư công, ông Dũng đặt câu hỏi: “Cùng là các khoản đầu tư từ ngân sách, chẳng phải đều lấy lấy tiền của kho bạc do ngành tài chính quản lý sao?”.

Theo nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, tính cả những nguồn vốn đi vay về về đầu tư như vốn ODA, vốn vay ưu đãi… do Bộ KH-ĐT quản lý hiện nay, về bản chất, đó cũng là tiền ngân sách. Vậy mà các khoản lại tách ra với những chủ thể khác nhau thì rất khó quản lý.

“Nói chung giờ cả thế giới không còn làm vậy, chỉ một số nước theo mô thức xã hội chủ nghĩa, trong đó, Việt Nam chắc chắn là một trong những nước cuối cùng còn giữ Bộ KH-ĐT. Một khi nhà nước đã chuyển chức năng vận hành nền kinh tế sang cho thị trường điều tiết và khi muốn bảo đảm môi trường đầu tư kinh doanh cho bình đẳng thì nhà nước không nên “nhảy” vào lĩnh vực đầu tư. Nếu nhà nước có muốn đầu tư gì đó nguồn đầu tư thống nhất phân bổ từ ngân sách và người chịu trách nhiệm phân bổ ngân sách đó chỉ nên là một thôi chứ không nên là hai, ba” – TS. Dũng nói.

Theo đó, ông cho rằng, việc đưa ra đề xuất hợp nhất 2 Bộ, trong trường hợp này, hoàn toàn có căn cứ. Chứng cứ khá rõ ràng là các nước phát triển đã không còn duy trì Bộ KH-ĐT nữa.

Trao đổi về việc Bộ trưởng KH-ĐT Nguyễn Chí Dũng lý giải, cùng là quản lý lĩnh vực đầu tư công nhưng Bộ Tài chính quản lý chi đầu tư thường xuyên còn Bộ KH-ĐT phụ trách chi đầu tư cho phát triển nên không trùng lặp, giẫm chân nhau, TS.Nguyễn Sỹ Dũng cho rằng: “Nếu chia việc ra cho nhiều người làm thì bao giờ cũng có việc, nhưng chia việc đó có hợp lý hay không là chuyện khác”.

Ông ví von, cũng là việc nấu cơm, có thể giao cho một người toàn bộ quy trình cũng được mà chia ra cho một người đi vo gạo, một người đổ nước vào nồi cũng được nhưng bản chất việc chia việc ra như thế “không bổ sung thêm giá trị cho nồi cơm”.

Phân tích giải pháp để tránh hiện tượng giẫm chân nhau khi chưa thể ngay lập thức hợp nhất các bộ, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội nêu nguyên tắc: “Như chức năng quản lý nợ công, thực chất, người nào chịu trách nhiệm giữ tiền, chịu trách nhiệm thanh toán các khoản chi, các khoản nợ của nhà nước thì đó nên là người chịu trách nhiệm quản lý nợ, chỉ một thôi. Còn người không giữ tiền, không chịu trách nhiệm thanh toán nợ mà lại vẫn giữ quyền chi thì sẽ rất rủi ro”.

Ông Dũng nhấn mạnh, việc quản lý nợ, thông thường các nước đều để Bộ Tài chính làm. Thiết chế kho bạc nhà nước thường cũng chính là bộ phận thuộc bộ Tài chính.

P.Thảo