Đề xuất đẩy sớm hoạt động lấy phiếu tín nhiệm lên giữa năm 2018

(Dân trí) - UB Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề xuất đẩy sớm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong nhiệm kỳ này lên nửa năm so với chương trình dự kiến.

UB Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề xuất đẩy sớm việc lấy phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu và phê chuẩn trong nhiệm kỳ này lên nửa năm so với chương trình dự kiến.

Cụ thể, chương trình dự kiến phiên họp thứ 22 của UB Thường vụ Quốc hội, nội dung thảo luận, cho ý kiến về việc lấy phiếu tín nhiệm được bố trí vào sáng ngày 22/3, ngày làm việc cuối cùng của phiên họp.

Nghị định 85 khác so với Nghị định 35 ban hành trước đó, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành 1 lần trong 1 khoá Quốc hội thay vì có 2 lần lấy phiếu đã từng thực hiện.
Nghị định 85 khác so với Nghị định 35 ban hành trước đó, việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ được tiến hành 1 lần trong 1 khoá Quốc hội thay vì có 2 lần lấy phiếu đã từng thực hiện.

Theo chương trình này, Trưởng ban Công tác đại biểu thuộc UB Thường vụ Quốc hội Trần Văn Túy trình bày tờ trình về nội dung này để UB Thường vụ Quốc hội thảo luận trước khi chủ tọa phiên họp kết luận.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu cho biết, hiện có ý kiến đề xuất đẩy việc lấy phiếu tín nhiệm, từ thời điểm Quốc hội họp kỳ 6 (cuối năm 2018) lên kỳ họp thứ 5 (tháng 5 – 6/2018). Tuy nhiên, việc này lại trái với Nghị quyết 85 năm 2015 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm.

Cụ thể, theo quy định của Nghị quyết 85, Quốc hội, Hội đồng nhân dân tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong mỗi nhiệm kỳ vào kỳ họp thường lệ cuối năm thứ ba của nhiệm kỳ, tức là vào kỳ họp 6.

Đến thời điểm này, cơ quan tham mưu – Ban Công tác Đại biểu, chưa trình phương án chính thức nào mà đang chuẩn bị cả 2 phương án (lấy phiếu tín nhiệm vào kỳ họp thứ 5 và kỳ họp thứ 6) để xin ý kiến Thường vụ Quốc hội.

Trưởng Ban Công tác Đại biểu giải thích, đây mới là nội dung đang thảo luận, chứ chưa thành chủ trương chính thức. Hiện Ban Công tác Đại biểu mới đang nghiên cứu, lên phương án dự phòng chứ chưa trình.

Theo Nghị quyết 85, quy trình lấy phiếu tín nhiệm tại Quốc hội có quy định, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có báo cáo bằng văn bản gửi đến UB Thường vụ Quốc hội chậm nhất là 30 ngày trước ngày khai mạc kỳ họp Quốc hội có hoạt động lấy phiếu tín nhiệm. Do đó, nếu việc lấy phiếu tín nhiệm tại khoá này được quyết định đẩy sớm lên nửa năm so với dự kiến, việc điều chỉnh quy định phải thực hiện ngay để kịp hoàn thiện quy trình.

Quyết định việc cho thôi nhiệm vụ 1 đại biểu Quốc hội trong tháng 3

Theo chương trình dự kiến, phiên họp lần thứ 22 sẽ diễn ra trong 2 đợt, đợt 1 vào ngày 12 – 13/3 và đợt 2 vào ngày 20 – 22/3.

Trong đợt 1, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đo đạc và bản đồ; một số nội dung của dự thảo Nghị định quy định về đối tượng, phạm vi, mức, phương thức hỗ trợ tiền sử dụng sản phẩm, dịch vụ công ích thủy lợi; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục; dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học; dự án Luật Cạnh tranh (sửa đổi).

Ngày 13/3, UB Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét, quyết định việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội đối với ông Ngô Đức Mạnh, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận (người đã được bổ nhiệm làm Đại sứ Việt Nam tại Nga)

Đợt 2, Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về việc tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); cho ý kiến lần 2 về các vấn đề còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt; tổ chức chất vấn và trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội với việc đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Khoa học & Công nghệ Chu Ngọc Anh và Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long.

P.Thảo