Đảm bảo sinh kế cho người bám biên giới là xây dựng thế trận lòng dân

(Dân trí) - “Đảm bảo kế sinh nhai lâu dài thì người dân ở khu vực biên giới mới bám đất, bảo vệ lãnh thổ”; “Cuộc sống bình yên thì mới có thế trận lòng dân”… phát biểu của lãnh đạo Quốc hội, lãnh đạo quân đội đều nhấn mạnh nguyên lý cần áp dụng với vùng Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

 

Chiều 23/9, UB Thường vụ Quốc hội nghe Đoàn giám sát báo cáo; Chính phủ báo cáo (bổ sung) về việc thực hiện chính sách, pháp luật về kết hợp phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh trên địa bàn chiến lược (trọng tâm là các địa bàn Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ).

Trưởng Đoàn giám sát - Chủ nhiệm UB Quốc phòng - An ninh Nguyễn Kim Khoa khẳng định những chuyển biến về kinh tế - xã hội ở địa bàn Tây Bắc – Tây Nguyên – Tây Nam Bộ và đưa ra một số kiến nghị liên quan đến các chính sách về đất đai, hỗ trợ vốn.

Tán thành những đánh giá của Đoàn giám sát, Trung tướng Bế Xuân Trường - Phó Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam cho rằng, các cơ chế chính sách phát triển kinh tế gắn với quốc phòng an ninh thời gian qua mang lại rất nhiều kết quả. Song, vẫn còn vấn đề cần giải quyết để xây dựng thế trận quốc phòng nhân dân vững chắc ở những địa bàn chiến lược.

Trung tướng Bế Xuân Trường khái quát nguyên lý, phải đảm bảo kế sinh nhai lâu dài cho người dân ở khu vực biên giới để họ bám biên giới, bảo vệ biên giới.

Trung tướng Bế Xuân Trường khái quát, đảm bảo sinh kế lâu dài, người dân mới bám biên giới, bảo vệ đất đai lãnh thổ.
Trung tướng Bế Xuân Trường khái quát, đảm bảo sinh kế lâu dài, người dân mới bám biên giới, bảo vệ đất đai lãnh thổ.

Ông Trường phân tích, từ Nghị quyết của Bộ Chính trị, chương trình hành động của Chính phủ và các văn bản chính sách phải hướng tới thúc đẩy phát triển kinh tế trên địa bàn “3 Tây”.

Chia sẻ những trăn trở về ba địa bàn đặc biệt, là 3 vùng “phên giậu” của tổ quốc, luôn tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp, ông Trường nhấn mạnh, chỉ khi kinh tế của người dân khá lên thì xây dựng thế trận quốc phòng tốt hơn.

Bàn về hiệu quả của các nguồn lực, chính sách đầu tư cho 3 vùng trọng điểm về quốc phòng, an ninh này, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Công Tuấn phân tích, để phát triển nông nghiệp ở khu vực biên giới, miền núi rất khó khăn, ngoài ngân sách nhà nước phải thu hút được đầu tư của xã hội, của các doanh nghiệp. Bên cạnh đó các vấn đề giao thông để kết nối, thủy lợi để đảm bảo an ninh nguồn nước, giải quyết đất ở và đất sản xuất cho đồng bào…

Ông Tuấn cũng nhận định, việc giải quyết đất ở, đất sản xuất chắc chắn phải gắn với sắp xếp đổi mới đất nông, lâm trường. Tuy nhiên cũng cần có giải pháp căn cơ vì có hiện tượng đồng bào được cấp đất xong lại bán thì luôn luôn thiếu tiền, thiếu vốn đầu tư.

Thứ trưởng Nông nghiệp nhấn mạnh, hoàn thành việc phân giới cắm mốc, đường tuần tra biên giới, đặc biệt ở khu vực Tây Nguyên và Tây Nam Bộ cũng là yếu tố quan trọng bảo đảm an ninh để ổn định đời sống người dân.

Chủ nhiệm UB Các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị báo cáo giám sát nên đưa ra đánh giá đồng bộ để thấy được bức tranh tổng thể. Theo bà Mai, thời gian qua, Nhà nước đã có hỗ trợ rất cao đối với các khu vực này so với mặt bằng chung nhưng đặc điểm xã hội ở những địa bàn chiến lược này là rào cản lớn.

Nguồn lực không nhỏ nhưng các địa phương chưa cân đối được thu chi, dân cư phân tán, đời sống và sinh kế còn khó khăn. Việc tiếp cận y tế, giáo dục của người dân chưa thực sự thuận lợi.

Chủ nhiệm Trương Thị Mai đề nghị tập trung vào các giải pháp nâng cao đời sống người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số và dân cư địa bàn biên giới, địa bàn chiến lược, giải pháp sinh kế phải phù hợp với đặc thù, gắn với đời sống văn hoá của người dân.

Chủ nhiệm UB Tài chính - Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh, những năm vừa qua Đảng, Nhà nước rất quan tâm phát triển kinh tế ở các địa bàn chiến lược. Kinh tế- xã hội của Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ phát triển nhanh chóng, thay đổi căn bản, phát triển kinh tế gần gấp đôi so với 10 năm trước.

Tuy vậy, thực tế là chính sách nhiều nhưng nguồn lực đi theo còn bất cập. Thời gian tới, ông Hiển cho rằng, cần đầu tư tập trung, bố trí cho đủ nguồn lực làm cho kỳ được những việc đã “hứa” với đồng bào và quán triệt không ban hành chính sách nếu không đảm bảo nguồn lực, để khi triển khai chính sách không bị khập khiễng, ảnh hưởng đến lòng tin của người dân.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chốt lại nguyên tắc, ở các địa bàn này, phát triển kinh tế gắn với bảo đảm quốc phòng, an ninh chính là nâng cao đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần. Cuộc sống bình yên thì mới có thế trận lòng dân.

P.Thảo