Cần Thơ:

Đại biểu “truy” chuyện loạn tin trên Facebook, bạo lực trong trường học

(Dân trí) - Hôm nay 7/12, HĐND TP Cần Thơ khoá IX tiếp tục ngày làm việc với thứ ba với phiên chất vấn, trả lời chất vấn. Nhiều câu hỏi liên quan đến các vấn đề bạo lực học đường, gian lận trong thi cử, tình trạng ngập úng… đã được các đại biểu đặt ra.

Đại biểu Trần Phú Lộc Thành nêu câu hỏi với Giám đốc Sở TT&TT: Hiện nay mạng xã hội phát triển rất mạnh, len lỏi vào từng ngóc ngách của đời sống xã hội. Tự do phát biểu ý kiến là quyền của người dân, nhưng đối với những thông tin chưa được kiểm chứng, thông tin xuyên tạc, sai sự thật bây giờ đang khá phổ biến trên mạng xã hội. Việc này rất nguy hiểm vì nó không định hướng được dư luận, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, gây nhiều hệ lụy đáng tiếc. Vậy đâu là giải pháp của ngành để quản lý chặt chẽ hơn vấn đề này trong thời gian tới?

Ở câu hỏi này, ông Đỗ Hoàng Trung, Giám đốc Sở TT&TT cho biết: Vấn đề mạng xã hội hiện nay rất phổ biến. Đặc biệt khó hơn có những tài khoản Facebook đặt máy chủ ở nước ngoài nên chúng tôi thường xuyên phối hợp với các ngành khảo sát thông tin trên báo chí cũng như thông tin trên mạng xã hội.

Ông Đỗ Hoàng Trung - Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND
Ông Đỗ Hoàng Trung - Giám đốc Sở TT&TT Cần Thơ trả lời câu hỏi của đại biểu HĐND

“Bằng những biện pháp nghiệp vụ chuyên môn, khi xác định thông tin nói sai sự thật, chúng tôi xác định đối tượng, yêu cầu gỡ bỏ. Nếu thông tin vi phạm pháp luật thì sẽ có sự phối hợp để xử lý. Thời gian qua Cần Thơ đã xử lý 5 vụ việc, 5 đối tượng. Nếu trường hợp thông tin sai sự thật, máy chủ ở nước ngoài, thì báo cáo và đề xuất Bộ TT&TT để Bộ làm việc với nhà mạng, giám đốc của Facebook và yêu cầu gỡ.”- Ông Trung cho biết.

Đại biểu Lê Văn Thưởng đặt vấn đề với ngành Giáo dục & Đào tạo: Vừa qua một số tỉnh, thành phố xảy ra tình trạng bạo lực học đường (học sinh đánh nhau, giáo viên chỉ đạo học sinh tát bạn), đề nghị Giám đốc Sở Giáo dục & Đào tạo cho biết trên địa bàn TP Cần Thơ có xảy ra bạo lực học đường hay không? Ngành Giáo dục đã có biện pháp gì để phòng ngừa tình trạng này xảy ra?

Liên quan đến câu hỏi này, bà Trần Hồng Thắm – Giám đốc Sở GD&ĐT Cần Thơ cho biết: Trong thời gian qua ngành Giáo dục Cần Thơ đã coi trọng và xây dựng các cơ sở giáo dục đảm bảo an toàn về trường học. Thường xuyên phối hợp với lực lượng chức năng, giáo dục đạo đức nhà giáo trong các cơ sở giáo dục. Cần Thơ có biện pháp ngăn chặn từ rất sớm nên các vụ việc nghiêm trọng như các tỉnh thành khác ở Cần Thơ không xảy ra.

Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ trả lời câu hỏi của đại biểu
Bà Trần Hồng Thắm - Giám đốc Sở GD&ĐT TP Cần Thơ trả lời câu hỏi của đại biểu

Tuy nhiên bà Thắm cũng cho biết: Mặc dù không xảy ra nhưng Cần Thơ cũng không chủ quan. “Chúng tôi vẫn thường xuyên theo dõi, thanh tra, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của đội ngũ giáo viên các cấp trên địa bàn thành phố. Chú ý đến các giải pháp phòng ngừa, ngoài việc tuyên truyền nhắc nhở, thường xuyên giáo dục đạo đức nhà giáo gắn với các quy tắc ứng xử trong trường học. Ngoài ra theo giỏi, giám sát thường xuyên quy chế chuyên môn của ngành trong giảng dạy trong đánh giá học sinh để hạn chế các biểu hiện tiêu cực.”- Bà Thắm nói.

Liên quan đến ý kiến về tình trạng ngập úng đang diễn ra ngày càng nghiêm trọng tại TP Cần Thơ, ông Mai Như Toàn – Giám đốc Sở Xây dựng cho biết: Trước đây, tình trạng triều cường gây ngập chỉ tác động trực tiếp đến các vùng sản xuất nông nghiệp. Từ năm 2017, khi đỉnh lũ ở thượng nguồn đạt 2,03m đã bắt đầu tác động đến đô thị.

Đến ngày 10/10 vừa qua, mức triều ở Cần Thơ ghi nhận được là 2,23m, vượt quá khả năng chống chịu của thành phố là 2m. Qua khảo sát, có 62/73 tuyến đường ở quận Ninh Kiều bị ngập, nước tràn qua tất cả các bờ, đi vào khu vực nội ô.

Tại buổi chất vấn nhiều đại biểu quan tâm vấn đề, đường phố Cần Thơ hễ mưa là ngập
Tại buổi chất vấn nhiều đại biểu quan tâm vấn đề, đường phố Cần Thơ hễ mưa là ngập

Tình trạng ngập do nhiều nguyên nhân như: Sụt lún đô thị, biến đổi khí hậu, nhưng đây là những quá trình diễn ra từ từ, không phải đột biến tức thời. “Hiện nay, mực nước ở thượng nguồn những năm về sau càng lúc càng thấp, nhưng ở đô thị lại tăng cao”.

Ông Toàn nêu nghịch lý và cho biết: Hiện nay, các khu vực đê bao được xây dựng ở thượng nguồn, nhưng lại không có điều tiết nước. Do vậy, cần phải có cơ chế quản lý các vùng. Điều này một mình Cần Thơ không thể làm được mà cần có sự vào cuộc của các địa phương và các bộ ngành.

Ngoài ngập do triều cường, do lũ thượng nguồn, Cần Thơ còn đang đối mặt với tình trạng cứ mưa là ngập. “Chúng tôi xác định nguyên nhân căn cơ nhất là hệ thống thoát nước không đảm bảo tải lưu lượng. Thời gian qua, TP đã được có được dự án nâng cấp đô thị 1, 2, nhưng các dự án này chỉ giải quyết được bài toán ngập tại các con hẻm nhỏ. Khi nước được đưa ra hệ thống thu gom chính (vốn không đảm bảo việc tải lượng nước) vẫn bị tắc nghẽn, và gây ngập".

Ông Toàn cũng cho biết, hiện nay, TP đang triển khai Dự án phát triển TP Cần Thơ và tăng cường khả năng thích ứng của đô thị (gọi tắt là dự án 3). Trong đó có việc nâng cấp đầu tư 30 tuyến đường chính gắn với hệ thống thu gom nước. Khi 30 tuyến đường này hoàn thành kết hợp cải tạo cảnh quan, sẽ cơ bản giải quyết chuyện ngập của TP.

Phạm Tâm