Cục trưởng “đi xe máy cũng phải dừng trả lời doanh nghiệp”, Bộ trưởng bảo “bao biện”

(Dân trí) - Thanh minh chuyện làm khó dễ cho doanh nghiệp, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế quả quyết đã hỗ trợ hết sức, đang đi xe máy vẫn phải dừng trả lời tin nhắn của doanh nghiệp. Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nói thẳng, “Cục trưởng không nên bao biện, phải nhìn thực tế của ngành mình, ở dưới không tốt như thế đâu”…

Nếu Cục trưởng làm tốt, doanh nghiệp chẳng phải kêu

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng là Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng.

Cuộc tranh luận về quy định kiểm tra chuyên ngành tại cuộc làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng với 11 Bộ ngành về về tình hình cải cách hoạt động kiểm tra chuyên ngành với hàng hóa xuất nhập khẩu sáng nay, 21/8, bắt đầu với ý kiến của Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc.

Ông Lộc tỏ ra băn khoăn khi quy định Luật Vệ sinh ATTP kiểm dịch thú ý chỉ áp dụng với thực phẩm tươi sống, nếu áp vào thực phẩm đóng gói sẵn là không phù hợp với luật ATTP và đề nghị bãi bỏ quy định này.

Tranh luận lại ý kiến của Chủ tịch VCCI, Cục trưởng An toàn thực phẩm, Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong cho hay, quá trình sửa đổi kiểm tra chuyên ngành có sản phẩm chồng chéo giữa y tế, nông nghiệp, công thương.

“Luật An toàn thực phẩm không quy định kiểm dịch nhưng trong luật thú y lại quy định. Bộ Y tế không thể bắt Bộ Nông nghiệp không thực hiện, vì vướng luật Thú y nên không dám bỏ”, ông Phong nhấn mạnh.

Ông kiến nghị nên bỏ quy định này hoặc chỉ quy định vùng đang có dịch thì vừa kiểm tra an toàn thực phẩm vừa kiểm dịch. Còn để thực hiện hậu kiểm thì phải có 2 yếu tố. Một là ý thức chấp hành pháp luật, hai là lực lượng quản lý.

Nói về việc ý thức chấp hành pháp luật ở Việt Nam chưa tốt, ông Phong dẫn chứng, sang Singapore không hề thấy hiện tượng người trốn vé tàu, vé xe. Ở Nhật Bản cũng không thấy cảnh người chế biến bơm tạp chất vào tôm hay gia đình nông dân có cảnh rau 2 luống, lợn 2 chuồng, ở chợ thì thịt lợn xề chế thành thịt bò….

Ông Phong nêu quan điểm, Nhà nước tạo điều kiện cho doanh nghiệp là đúng nhưng nếu tư vấn không đúng phải chịu hậu quả.

“Không phải đến mức như thế đâu, Cục trưởng ạ. Cục trưởng không nên bao biện quá chuyện ấy, phải nhìn thực tế của ngành mình. Anh ở trên nói thế thôi chứ ở dưới không thế đâu. Nếu tốt như thế thì DN chả phải kêu. Anh nói anh làm nhiều, thì anh phát hiện ra bao nhiêu phần trăm, anh biết không? Anh công bố cho báo chí đi” – Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đáp lại.

Tổ trưởng tổ công tác của Thủ tướng cũng lưu ý, qua câu chuyện này cho thấy thể chế có vấn đề để cần đề xuất sửa đổi.

Tuy nhiên, Cục trưởng An toàn thực phẩm vẫn quả quyết: “Bộ Y tế hoàn toàn không bao biện”. Ông Phong giải thích, những vấn đề ông trao đổi dựa trên nguyên tắc thẳng thẳn, quyết liệt, đúng thì xử lý.

“Đang đi xe máy, có nhắn tin tôi cũng dừng lại để trả lời. Cục cũng chỉ làm được đến thế, yêu cầu của DN lớn, có kiến nghị xem sửa đổi, có kiến nghị không thể đáp ứng”, Cục trưởng Cục An toàn Thực phẩm nói.

Doanh nghiệp phản ứng thủ tục "5 không"

Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong nêu ý kiến tại cuộc làm việc.
Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm Bộ Y tế Nguyễn Thanh Phong nêu ý kiến tại cuộc làm việc.

Với những thông tin Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong đưa ra, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM cho rằng, rủi ro mất ATVSTP nằm ở nhóm hàng khác không phải nằm ở nhóm thực phẩm bao bì đóng gói nhập từ bên ngoài.

Theo ông Cung, thực phẩm đóng gói nhập khẩu, các nhà sản xuất bên ngoài đã có tiêu chí, tiêu chuẩn công bố độ an toàn rồi không phải nhóm “bơm tạp chất”.

“Còn sử dụng rau 2, 3 luống, bơm tạp chất trong tôm làm cơ sở để biện giải rằng việc sử dụng thủ tục này là cần thiết thì theo tôi cơ sở khoa học và thực tiễn ở đây chưa logic, vấn đề không gắn với nhau”, TS Nguyễn Đình Cung phân tích.

Viện trưởng Viện CIEM cho biết, thủ tục này DN kêu đã 5 năm rồi và ông cho rằng những phàn nàn đó là đúng, hoàn toàn chính xác.

Ông cho rằng, phản ứng của DN với thủ tục kiểm tra chuyên ngành xoay quanh công thức “5 không”: không hợp pháp hợp lý, không minh bạch, không tiên lượng trước được, không hiệu lực và không phù hợp với thông lệ Quốc tế.

TS Cung diễn giải, không minh bạch thể hiện ở chỗ thủ tục quy định bao nhiêu hồ sơ, khi nộp nhân viên thụ lý yêu cầu nhiều hồ sơ khác ngoài quy định. Ví dụ như yêu cầu hợp đồng dán nhãn tiếng Việt, những yêu cầu đó không liên quan gì đền VSATTP.

Phản biện lại ý kiến này, Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong dẫn chứng, trên thị trường quốc tế, chỉ Nhật bản và một số nước phát triển châu Âu, còn trong ASEAN thì có Singapore là không có việc tiền kiểm mà chuyển sang hậu kiểm. Còn lại tất cả các nước, từ Trung Quốc đến Thái Lan, Philippines trên từng sản phẩm đều có số giấy phép sản xuất trên mã sản phẩm. Vậy không thể nói quy định của Việt Nam là không phù hợp thông lệ quốc tế.

Ông Phong cũng chia sẻ, cơ quan quản lý nhà nước cực kỳ áp lực trong việc này và đề nghị thành viên Tổ công tác của Thủ tướng đưa ra phương thức thay đổi phù hợp hơn.

Chủ tịch VCCI Vũ Tiến Lộc hiến kế thay giấy xác nhận đó bằng việc DN gửi thông báo cho Bộ Y tế. Tuy nhiên, Cục trưởng Cục an toàn thực phẩm vẫn bác bỏ, cho rằng điều kiện ở Việt nam chưa thể làm như vậy.

P.Thảo