“Có những nhà báo tự cho phép mình đứng trên cuộc sống"

(Dân trí) - “Hiện có những nhà báo dường như không chỉ đứng ngoài cuộc sống mà đôi khi còn tự cho phép mình đứng trên cuộc sống để phán xét, phê bình trong khi không dành thời gian để tự xem xét lại bản thân, nâng cao trình độ, đạo đức lối sống”, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng nói.


Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (áo trắng) trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Q.C)

Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng (áo trắng) trao đổi cùng các đại biểu dự hội nghị. (Ảnh: Q.C)

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác của Hội Nhà báo Việt Nam diễn ra tại TPHCM ngày 22/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng cho rằng, trong năm 2015, với sự nỗ lực cao của các cấp hội, các hội viên, hoạt động của Hội Nhà báo đã mang lại nhiều hiệu quả. Trong đó, việc khẩn trương chuẩn bị và tổ chức thành công Đại hội hội nhà báo có ý nghĩa rất lớn đối với hoạt động hội nhiệm kì 2016- 2021.

Ông Võ Văn Thưởng cũng cho rằng, vui với những kết quả đã đạt được, nhưng với tinh thần tự phê bình, cần thẳng thắn với những thiếu sót trong hoạt động của hội. Cụ thể, hoạt động hội vẫn còn những điểm thiếu chuyên nghiệp, việc bồi dưỡng rèn luyện nghiệp vụ, ảnh hưởng của hội với các cơ quan truyền thông còn hạn chế… Việc nắm bắt khuynh hướng, diễn biến tư tưởng của hội viên, việc bảo vệ nhà báo bị đe dọa, phê bình các nhà báo lợi dụng chức trách để làm điều tiêu cực chưa kịp thời; có những tổ chức hội chưa quản lí chặt chẽ hội viên.

Cũng theo ông Thưởng, thời gian qua báo chí đã phát triển nhanh, sinh động, Hội Nhà báo phải phát triển mạnh mẽ hơn nữa để tương xứng với sự phát triển của báo chí, từ đó nắm bắt kịp và làm chủ được những vấn đề của báo chí.

Hội cần là nơi tập hợp, đoàn kết, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của những người làm báo, hội như một mái nhà chung ấm áp tình đồng nghiệp. Để đáp ứng được điều đó đòi hỏi hội phải vững mạnh, đòi hỏi năng lực phẩm chất của từng hội viên.

Ông Thưởng nhấn mạnh yêu cầu đào tạo, bồi dưỡng được những hội viên có phẩm chất đạo đức, giàu tâm huyết, giàu ý tưởng, thấy được vinh dự thực hiện sự nghiệp báo chí cách mạng.

“Hiện có những nhà báo dường như không chỉ đứng ngoài cuộc sống mà đôi khi còn tự cho phép mình đứng trên cuộc sống để phán xét, phê bình trong khi không dành thời gian để tự xem xét lại bản thân, nâng cao trình độ, đạo đức lối sống”, ông Võ Văn Thưởng phân tích.

Theo ông Thưởng, Hội Nhà báo còn phải là môi trường nung nấu ý chí đấu tranh bảo vệ lẽ phải, bảo vệ những điều tốt đẹp trên tinh thần phụng sự Tổ quốc, nhân dân.

Hội lấy yêu cầu phục vụ sự nghiệp của Đảng, Nhà nước là mục tiêu thực hiện, phấn đấu; định hướng dư luận xã hội theo yêu cầu sự nghiệp cách mạng. “Lâu nay, trong các cuộc giao ban báo chí, các cuộc trao đổi chúng ta hay vin vào nhu cầu của người đọc, nhu cầu hưởng thụ của một bộ phận người đọc nào đó để thiết kế trang báo. Đây là điều phải suy nghĩ”, ông Võ Văn Thưởng nhấn mạnh.

Kết lại bài phát biểu, Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương yêu cầu báo chí tiếp tục tập trung tuyên truyền, đưa nghị quyết XII vào cuộc sống. Việc tuyên truyền này của báo chí sẽ góp phần vào việc tạo sự thống nhất trong đảng, sự đồng thuận trong xã hội.

Phát biểu tại Hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TPHCM Đinh La Thăng cho biết, hiện có 137 cơ quan báo chí Trung ương và 38 cơ quan báo chí địa phương đang hoạt động trên địa bàn TPHCM.

Bí Thư Thăng đánh giá cao những hoạt động đầy tính sáng tạo của báo chí, điển hình nhất là các chuyên mục mang tính nhân văn và nhiều ý nghĩa xã hội của một số tờ báo. Ông Đinh La Thăng nhấn mạnh, TPHCM đang đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế gắn với việc nâng cao chất lượng tăng trưởng. Muốn thực hiện tốt nhiệm vụ này, bên cạnh việc khích lệ, biểu dương những thành tích của tập thể, cá nhân thì cũng cần mạnh mẽ và trung thực chỉ ra những yếu kém ở bất cứ cấp nào, bất cứ vấn đề gì bằng thái độ thẳng thắn, xây dựng và không né tránh.

Bí thư Thành ủy TPHCM đề nghị các nhà báo, trên cơ sở các mục tiêu chung của thành phố và đất nước, hãy bằng ngòi bút sắc sảo của mình để “thay đổi cách nghĩ, cách làm, cách hành động, trong đó nói phải đi đôi với làm, nói ít làm nhiều, đã nói là làm, làm được thì mới nói, mới hứa”.

Kim Tân