50 năm Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968:

Có một La Văn Cầu trong chiến dịch Đường 9 Khe Sanh

(Dân trí) - “Trung đội trưởng Bùi Ngọc Dương (SN 1943, quê Hà Nội) bị thương ở tay. Cánh tay bị thương lủng lẳng vướng víu, anh Dương đề nghị Tiểu đoàn trưởng Hà Kim chặt đứt tay mình để tiếp tục chiến đấu và hi sinh”, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Liên xúc động nhớ lại.

22 tuổi, từ anh công nhân quốc phòng, Nguyễn Hồng Liên (SN 1944, quê xã Sơn Thành, Yên Thành, Nghệ An) đi thẳng vào chiến trường với cân nặng vỏn vẹn 47kg. Lúc đó ông mới cưới vợ được 3 ngày. 3 ngày, chưa đủ để vợ chồng mới cưới quen hơi nhau…


Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Liên (bên phải) chụp ảnh cùng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong chuyến hành quân về thăm chiến trường xưa nhân kỉ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Liên (bên phải) chụp ảnh cùng Trung tướng Nguyễn Quốc Thước trong chuyến hành quân về thăm chiến trường xưa nhân kỉ niệm 50 năm cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân.

Ông được biên chế vào Đại đội 2, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7, thuộc Bộ tư lệnh Công binh, chi viện cho mặt trận B4 (Quảng Trị). Trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đơn vị ông được lệnh mở đường để đưa tăng pháo, vũ khí, khí tài từ bản Đông, tỉnh Xavanakhẹt, Lào để quân giải phóng tiến vào các căn cứ địch tại tập đoàn cứ điểm Khe Sanh (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị).

Năm 1966, tốt nghiệp ĐH Bách khoa, Bùi Ngọc Dương (SN 1943, quê Hà Nội) tham gia quân đội. Ông hi sinh ngày 27/1/1968 trong chiến dịch Đường 9 Khe Sanh. Với hành động nhờ người chặt cánh tay bị thương để tiếp tục chiến đấu, ông được xem là “một La Văn Cầu trong kháng chiến chống Mỹ”. Năm 1969, Bùi Ngọc Dương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Nhận thấy tầm quan trọng của thung lũng Khe Sanh này, từ năm 1964, Mỹ quyết định thiết lập một tập đoàn cứ điểm quân sự với tham vọng biến đây thành một cái “chốt cứng” trong chiến lược phòng ngự ở phía Tây Bắc chiến trường Trị - Thiên; ngăn chặn quân giải phóng từ Lào sang theo đường số 9, quấy nhiễu các hoạt động của đối phương dọc biên giới Việt - Lào.

Khe Sanh sẽ như bàn đạp cho các cuộc hành quân càn quét trên bộ của Mỹ - Ngụy. Tại tập đoàn cứ điểm này có cả sân bay cho các máy bay trinh sát của Mỹ cất cánh kiểm tra, tìm diệt bộ đội chủ lực của đối phương, đồng thời đánh phá, cắt đứt các tuyến vận chuyển, hành quân trên đường mòn Hồ Chí Minh.

Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Dương (ảnh chụp lại)
Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Bùi Ngọc Dương (ảnh chụp lại)

Chiến dịch Đường 9 Khe Sanh được mở ra nhằm đập tan tham vọng ngông cuồng của Mỹ - Ngụy. “Đây là cuộc tổng tấn công hiệp đồng quân binh chủng đầu tiên của quân giải phóng với sự tham gia của xe tăng, máy bay, pháo cao xạ, pháo mặt đất, bộ binh….

Cùng với việc mở đường bộ, chúng tôi còn có nhiệm vụ đào hầm trú ẩn cho pháo mặt đất, làm cọc tiêu sống để dẫn xe tăng men theo lòng sông Sê Pôn tiến vào Làng Vây. Cứ đêm đi, ngày nghỉ bởi địch liên tục cho máy bay bỏ bom hòng ngăn chặn bước tiến của quân ta. Hàng chục chiếc xe tăng đi nhưng chỉ có 3 chiếc tới đích. Sự xuất hiện bất ngờ của xe tăng và máy bay tầm thấp của ta ở Khe Sanh đã giáng cho địch đòn bất ngờ, choáng váng, góp phần tiêu hao một lượng lớn sinh lực địch ở tập đoàn cứ điểm này”, ông Liên nhớ lại.

Các đơn vị được ăn Tết sớm. Gọi là ăn Tết chứ thực chất mỗi người được 2 chiếc bánh bao làm bằng sắn – thứ sắn đồng bào bỏ lại trong quá trình chạy giặc. Trong khí thế tiến công sôi sục ấy, hầu như không người lính nào nghĩ đến Tết, bởi vì trước mắt họ là cả một cuộc chiến cực kỳ cam go và khốc liệt, cuộc chiến có thể thay đổi vận mệnh của cả dân tộc.

Quân giải phóng tiến lên chiếm các mục tiêu của địch tại Khe Sanh (ảnh tư liệu)
Quân giải phóng tiến lên chiếm các mục tiêu của địch tại Khe Sanh (ảnh tư liệu)

Ngày 18/1/1968, các lực lượng phối hợp tấn công địch ở cao điểm 845, 832, (khu vực Tà Cơn). Ðêm 20/1/1968, lực lượng ta bất ngờ tấn công vào tập đoàn cứ điểm Khe Sanh mở đầu đợt 1 của chiến dịch giải phóng Khe Sanh, tiêu diệt chi khu quân sự Hướng Hóa (21/1/1968). Ngày 23/1, quân giải phóng đánh chiếm Huội San, bắt đầu chiến dịch vây hãm Tà Cơn.

“Lực lượng công binh được lệnh sử dụng bộc phá mở cửa mở, phá hàng rào dây thép gai, lô cốt địch để bộ binh tiến vào, chiếm lĩnh các mục tiêu. Ở mũi phía Tây, Sư đoàn 304 không vào kịp, công binh thay bộ binh tấn công. Trung đội trưởng Bùi Ngọc Dương (SN 1943, quê Hà Nội) bị thương ở tay. Cánh tay lủng lẳng vướng víu, anh Dương đề nghị Tiểu đoàn trưởng Hà Kim chặt đứt để tiếp tục chiến đấu.

Xác máy bay Mỹ tại khu di tích Tà Cơn, nơi cách đây 50 năm đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Mỹ - Ngụy
Xác máy bay Mỹ tại khu di tích Tà Cơn, nơi cách đây 50 năm đã diễn ra cuộc chiến đấu ác liệt giữa quân giải phóng miền Nam Việt Nam và quân đội Mỹ - Ngụy

Bị thương lần thứ 2, anh ấy được đưa về tram quân y tiền phương cứu chữa nhưng không qua khỏi. Tinh thần chiến đấu quả cảm và sự hi sinh anh dũng của Trung đội trưởng Bùi Ngọc Dương đã tiếp thêm sức mạnh cho các lực lượng tiến lên diệt cứ điểm Làng Vây, làm chủ đoạn đường 9 từ Cà Lu đến biên giới Việt – Lào, đẩy cụm cứ điểm Tà Cơn vào thế bị cô lập hoàn toàn”, cựu chiến binh Nguyễn Hồng Liên kể tiếp.

Mỹ - Ngụy đã điều động quân số lớn cùng với các loại vũ khí hiện đại nhằm chiếm lại Khe Sanh. Do tương quan lực lượng chệnh lệch, các đơn vị được lệnh rút ra ngoài, củng cố lực lượng để chuẩn bị cho giai đoạn 2 của chiến dịch.

“Chúng tôi được lệnh vượt sông Sê Pôn rút ra ngoài. Khi 2 tiểu đoàn qua được bờ Bắc an toàn thì địch ném bom vào đội hình của Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 7. Hơn 80 đồng đội của chúng tôi đã nằm lại dưới lòng sông Sê Pôn…”, đôi mắt ông mờ đi.

Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Liên (giữa) bên phần mộ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)
Cựu chiến binh Nguyễn Hồng Liên (giữa) bên phần mộ đồng đội tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Hướng Hóa (Quảng Trị)

Năm 1970, ông Nguyễn Hồng Liên được cử đi học tại Trường sỹ quan Công binh và ở lại trường giảng dạy. Chiến tranh kết thúc, ông chuyển sang Trường Kiểm sát nhân dân Trung ương rồi về Tòa án Quân khu 4 công tác cho đến khi nghỉ hưu.

50 năm sau ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân ông mới có dịp quay lại chiến trường. Ông đứng rất lâu trước những xác xe tăng, máy bay địch ở Sân bay Tà Cơn – nơi đây, rất nhiều đồng đội của ông đã ngã xuống…

Hoàng Lam