Có lực cản nào trong Chính phủ hay do lợi ích nhóm chi phối?

Đại biểu Quốc hội: Những hạn chế của Chính phủ được đề cập vẫn chỉ ở mức khái quát, chưa đầy đủ đối với những vấn đề đang được người dân quan tâm.

Tham gia ý kiến vào Báo cáo công tác nhiệm kỳ của Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn ĐBQH TP HCM) nhận thấy, những kết quả Chính phủ đã đạt được trong nhiệm kì vừa qua là rất đáng trân trọng. Trong sự sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng thuận, ủng hộ và làm hết sức mình của các tầng lớp nhân dân thì vai trò điều hành của Chính phủ đã được thể hiện rõ nét.

Song bên cạnh những mặt thành công, vẫn còn nhiều những hạn chế, yếu kém đang tồn tại trong công tác điều hành của Chính phủ. Mặc dù báo cáo của Chính phủ đã đề cập khá sát với thực tiễn, nhưng vẫn chỉ ở mức khái quát, chưa được đầy đủ đối với những vấn đề đang được người dân quan tâm.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn ĐBQH TP HCM) không hài lòng với cách lý giải nguyên nhân còn hạn chế của Chính phủ.
Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (Đoàn ĐBQH TP HCM) không hài lòng với cách lý giải nguyên nhân còn hạn chế của Chính phủ.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm đặc biệt quan tâm tìm hiểu những nguyên nhân dẫn đến những hạn chế và yếu kém còn tồn tại trong hoạt động điều hành của Chính phủ. Đại biểu dẫn báo cáo của Chính phủ, từ đầu đến cuối nhiệm kỳ, nguyên nhân dẫn đến những tồn tại, yếu kém vẫn được chỉ ra là do “vấn đề nhận thức về kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau, nên việc xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn lúng túng thiếu nhất quán chưa thật phù hợp, chưa tạo được động lực mạnh mẽ để phát huy, phân bổ và sử dụng nguồn lực có hiệu quả”.

Không hài lòng với cách lý giải nguyên nhân này của Chính phủ, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm cho rằng, nhận thức về kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một quá trình, là quy luật của nhận thức. Trong quá trình nhận thức đó còn có ý kiến khác nhau, còn có nhận thức ở những mức độ khác nhau là điều dễ hiểu.

Khi đó, để lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành đất nước trong từng giai đoạn tùy vào nhận thức của Đảng ta, Nhà nước ta ở mức độ nào, vấn đề gì đã đủ rõ thì đường lối, chính sách, thể chế được xây dựng trên cơ sở nhận thức đó, vấn đề gì chưa đủ rõ thì tiếp tục nghiên cứu để từ thực tiễn đúc kết, nâng tầm lý luận nhận thức trong phát triển.

Tuy nhiên Đại biểu nhận thấy, trong thực tế trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, với vai trò là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất của đất nước lại có tình trạng xây dựng thể chế, chính sách nhiều mặt còn thiếu nhất quán, chưa thật phù hợp.

“Như báo cáo của Chính phủ thì thật sự rất đáng lo, bởi vì tính kỷ cương, sự đoàn kết tầm chiến lược, tư duy đổi mới được quán triệt như thế nào trong triển khai thực hiện nghị quyết của Đảng? Tôi tự hỏi có lực cản nào trong Chính phủ hay do lợi ích nhóm chi phối... đã dẫn tới tình trạng đó? Có hay không những vấn đề đủ rõ từ thực tiễn nhưng tư duy đổi mới chưa đủ mạnh mẽ, thiếu thống nhất trong nội bộ còn do lợi ích nhóm chi phối nên không đột phá trong đổi mới thể chế, nhất là tổ chức bộ máy nhà nước để đáp ứng yêu cầu phát triển”, Đại biểu băn khoăn.

Từ thực tiễn đó, Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm mong muốn Chính phủ trong nhiệm kỳ mới, với kỳ vọng của nhân dân cần giải quyết thấu đáo vấn đề này. Đặc biệt, Trung ương Đảng, Quốc hội cần quan tâm trong lãnh đạo, giám sát vấn đề này để “nhận thức về kinh tế thị trường, định hướng xã hội chủ nghĩa vẫn chưa đủ rõ và còn khác nhau” sẽ không còn được nêu ra như một nguyên nhân dẫn đến những tồn tại hạn chế, cốt yếu hơn là phải tìm ra được nguyên nhân của nguyên nhân này để khắc phục.

Cơ quan công quyền đùn đẩy trách nhiệm cho nhau

Thống nhất với những bài học kinh nghiệm của Chính phủ đã trình bày trước Quốc hội. Tuy nhiên, Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) cũng đề xuất Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần phải có những giải pháp rất đồng bộ và căn cơ để tháo gỡ có hiệu quả những tồn tại, hạn chế đã được nêu ra trong Báo cáo công tác nhiệm kỳ.

Đồng thời, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ cần quan tâm phát huy hiệu quả công tác dự báo để giúp cho việc điều hành của Chính phủ một cách chiến lược, căn cơ, xử lý kịp thời hơn trong mọi tình huống của nền kinh tế. Đặc biệt, cần quan tâm và kiện toàn bộ máy, phân công trách nhiệm rõ ràng, nâng cao ý thức công vụ, trách nhiệm của cán bộ thực hiện công vụ hiện nay.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết chỉ rõ tình trạng đùn đẩy trách nhiệm qua lại giữa các cơ quan công quyền. Nhiều vụ việc lẽ ra thuộc trách nhiệm của cơ quan này lại đùn đẩy cho cơ quan khác, kéo theo nhiều cơ quan và thậm chí muốn cấp trên tham gia để xử lý công việc được yên tâm hơn.

“Hành xử theo thói quen này đã gây ra nhiều rào cản, ách tắc, phiền toái và chậm trễ, gây hậu quả xấu cho hoạt động sản xuất kinh doanh, cũng như đời sống và hoạt động của người dân. Điển hình như quy định cấm Salbutamol vừa qua trong chăn nuôi giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Y tế gây tác hại xấu đến sức khỏe và người sử dụng chăn nuôi”, Đại biểu dẫn chứng.

Ngoài ra, vấn đề trách nhiệm giám sát quản lý thị trường xăng dầu cũng như việc đá bóng trách nhiệm trước việc tính thuế của doanh nghiệp xăng dầu làm lãi lớn và gây ảnh hưởng đến nền kinh tế, cũng như sinh hoạt của người dân cũng được đại biểu Tuyết nêu ra và nhận định: “Nhiều chồng chéo trong phân công, cũng như thói quen né tránh của các cơ quan công quyền đã nổi lên ngày càng rõ nét”.

Đại biểu Mai Thị Ánh Tuyết đề nghị Chính phủ cần có sự quan tâm hơn nữa, đặc biệt trong việc kiện toàn bộ máy, phân định trách nhiệm của các cơ quan trực thuộc một cách rõ ràng, từ đó nâng cao nhuệ khí trách nhiệm của cán bộ thực thi công quyền, có các giải pháp nghiêm khắc, hiệu quả, xử lý nhanh tồn tại để lấy lại lòng tin trong dân và đưa nền kinh tế ứng phó tốt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế.

Theo Nguyễn Quỳnh
VOV