Chuẩn bị tốt để thi hành án các vụ án lớn, trọng điểm mới được xét xử

Ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp cho biết, trong quý IV/2017 sẽ triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018, tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, kéo dài và chuẩn bị tốt để thi hành các vụ án lớn, trọng điểm mới được xét xử.

Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp - ông Đỗ Đức Hiển.
Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Tư pháp - ông Đỗ Đức Hiển.

Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III/2017, ông Đỗ Đức Hiển - Chánh văn phòng kiêm Người phát ngôn Bộ Tư pháp đã thông tin cụ thể về kết quả công tác thi hành án dân sự năm 2017, tính từ ngày 1/10/2016 đến ngày 30/9/2017.

Theo đó, Tổng cục Thi hành án dân sự đã thi hành xong 549.415 việc, đạt tỷ lệ 79,25%, tăng 18.987 việc (tăng 0,72%) so với năm 2016. Về tiền, đã thi hành xong trên 35.242 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 38,31%, tăng gần 6.145 tỷ đồng (tăng 21,12%) so với năm 2016.

“Như vậy, so với chỉ tiêu, nhiệm vụ Quốc hội giao năm 2017, hệ thống thi hành án dân sự đã thi hành vượt chỉ tiêu cả về việc (vượt 9,24%) và về tiền (vượt 8,30%)”- ông Hiển cho hay.

Riêng đối với các vụ việc liên quan đến tín dụng, ngân hàng, ông Đỗ Đức Hiển cho biết đã thi hành xong trên 4.400 việc, tương ứng với số tiền trên 27.701 tỷ đồng (tăng 1.092 việc và tăng 8.046 tỷ 633 triệu 225 nghìn đồng so với năm 2016). Bộ Tư pháp đã tổ chức quán triệt, chỉ đạo các cơ quan thi hành án dân sự thực hiện nghiêm túc các quy định về thi hành án liên quan đến khoản nợ xấu của tổ chức tín dụng.

Trong Quý III/2017, các cơ quan thi hành án dân sự trên toàn quốc đã đưa vào vận hành Cổng, Trang thông tin điện tử Thi hành án dân sự, công bố các thủ tục hành chính, thống nhất thực hiện cơ chế một cửa, hỗ trợ trực tuyến và tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích, qua đó góp phần rút ngắn thời gian thi hành án, nêu cao tinh thần phục vụ người dân, doanh nghiệp.

“Trong quý IV sẽ triển khai công tác thi hành án dân sự năm 2018, tập trung giải quyết có hiệu quả các vụ việc phức tạp, kéo dài và chuẩn bị tốt để thi hành các vụ án lớn, trọng điểm mới được xét xử”- ông Hiển cho hay.

Quy định mới về mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp khi thi hành án

Chính phủ vừa ban hành Nghị định 115/2017/NĐ-CP quy định chi tiết trình tự, thủ tục, mức tiền pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành án; việc tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp.

Theo đó, việc nộp tiền để bảo đảm thi hành án, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền đã nộp chỉ được thực hiện trên cơ sở quyết định của cơ quan điều tra, Viện Kiểm sát, Tòa án, cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền.

Việc nộp tiền, tạm giữ, hoàn trả, nộp ngân sách nhà nước số tiền pháp nhân thương mại đã nộp để bảo đảm thi hành án phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục do nghị định này quy định và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

Về mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án, tiền được nộp để bảo đảm thi hành án là tiền Việt Nam đồng hoặc ngoại tệ thuộc sở hữu hợp pháp của pháp nhân thương mại bị khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử. Tiền nộp để bảo đảm thi hành án gồm có tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền và tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường.

Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành án phạt tiền do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức phạt tiền cao nhất quy định tại điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại.

Mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường thiệt hại được quy định như sau: Nếu điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì mức tiền nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường do cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không dưới 50% và không cao hơn mức thiệt hại cao nhất về tài sản quy định tại điều khoản đó.

Nếu trong điều khoản được áp dụng để khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử đối với pháp nhân thương mại không có tình tiết quy định mức thiệt hại về tài sản thì tùy từng trường hợp, cơ quan tiến hành tố tụng đang giải quyết vụ án có thể áp dụng các biện pháp theo quy định của pháp luật để xác định mức thiệt hại làm cơ sở cho việc quyết định mức tiền cụ thể mà pháp nhân thương mại phải nộp để bảo đảm thi hành nghĩa vụ bồi thường. Mức tiền nộp được quyết định trong từng trường hợp cụ thể nhưng không cao hơn mức thiệt hại thực tế đã được xác định.

Nghị định có hiệu lực từ 1/1/2018.

Thế Kha