Chủ tịch Quốc hội: Nhận rõ phần trách nhiệm trước yếu kém của đất nước

(Dân trí) - Hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế vẫn thấp, nợ công cao, ô nhiễm môi trường,vệ sinh an toàn thực phẩm gây bức xúc, chống tham nhũng chưa đạt yêu cầu… là những tồn tại, yếu kém của đất nước mà Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm của mình…

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ảnh: Quochoi.vn).
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng (ảnh: Quochoi.vn).

Người đứng đầu cơ quan quyền lực cao nhất của nhà nước vừa trình báo cáo công tác nhiệm kỳ khoá XIII của Quốc hội tại kỳ họp cuối cùng ông đảm nhiệm cương vị Chủ tịch Quốc hội.

Nói về công tác lập pháp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề cập trước hết việc Quốc hội đã thông qua Hiến pháp mới trong nhiệm kỳ này. Hiến pháp 2013 được khái quát là đã thể hiện rõ quy định Đảng phải gắn bó mật thiết với Nhân dân, chịu sự giám sát của Nhân dân, phục vụ Nhân dân. Đảng viên hoạt động trong khuôn khổ của Hiến pháp và pháp luật.

Hơn 2 năm từ khi Hiến pháp ra đời, đã có gần 70 đạo luật được Quốc hội thông qua, thuộc hầu hết các lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội.

“Đến thời điểm hiện tại, có thể khẳng định thành tựu nổi bật của nhiệm kỳ khóa XIII là Quốc hội đã làm tròn trọng trách ban hành Hiến pháp năm 2013 và căn bản hoàn thành việc cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp trong các đạo luật về tổ chức bộ máy nhà nước; bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân; hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; củng cố quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội; bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, đối ngoại và hội nhập quốc tế” – Chủ tịch Quốc hội khẳng định.


Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm của mình trước sự yếu kém của đất nước. (Ảnh: Việt Hưng)

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm của mình trước sự yếu kém của đất nước. (Ảnh: Việt Hưng)

Về nhiệm vụ xem xét, quyết định nhiều vấn đề quan trọng của đất nước, Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng điểm lại, trong nhiệm kỳ, Quốc hội đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội; nhiều lần điều chỉnh mục tiêu, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2011 - 2015.

Bên cạnh đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết về chủ trương đầu tư dự án Cảng hàng không quốc tế Long Thành; điều chỉnh một số nội dung và giải pháp nhằm tiếp tục thực hiện có hiệu quả chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh…

Từ tình hình thực tiễn, Quốc hội đã kịp thời ban hành các chính sách, pháp luật phù hợp với yêu cầu phát triển đất nước. Nhiều quyết định đã góp phần giải quyết kịp thời các vấn đề bức xúc của cuộc sống, như: quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện, hồ chứa; đấu tranh, phòng chống tội phạm; hỗ trợ ngân sách đóng tàu đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo; tăng lương cho các đối tượng hưởng lương từ ngân sách còn khó khăn...

Ông Hùng khái quát, yếu tố trọng dân, vì dân, bám sát đời sống của dân trong việc đưa ra các quyết sách của Quốc hội nhiệm kỳ này đã được thể hiện rõ nét. Mỗi phát biểu của đại biểu Quốc hội trên diễn đàn đều xuất phát từ đời sống thường nhật, thể hiện tâm tư, nguyện vọng và ý chí của người dân, lấy mục tiêu lo việc của dân để xem xét, quyết định các vấn đề hệ trọng của đất nước.

“Quốc hội nhận rõ phần trách nhiệm trước những tồn tại, yếu kém của đất nước. Đó là: chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nền kinh tế còn thấp; sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn; cơ cấu ngân sách chưa hợp lý, bội chi cao, nợ công tăng; tái cơ cấu kinh tế chậm; ô nhiễm môi trường, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là những vấn đề bức xúc; cải cách hành chính, phòng, chống tham nhũng, lãng phí chưa đạt yêu cầu; kỷ luật, kỷ cương công vụ chưa nghiêm; tình hình tội phạm, trật tự an toàn xã hội còn diễn biến phức tạp; nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo tiếp tục đứng trước những thách thức mới...” -

Về công tác giám sát tối cao, báo cáo đưa ra nhận định, hoạt động chất vấn của Quốc hội có nhiều đổi mới, chú trọng chất lượng, đề cao tinh thần xây dựng, tính dân chủ, công khai, tranh luận, đối thoại và ý thức trách nhiệm, tự phê bình của người được chất vấn. Giám sát chuyên đề được tăng cường, tập trung vào những vấn đề quan trọng, cấp thiết của đời sống. Các nghị quyết, kiến nghị giám sát về cơ bản đúng, trúng những vấn đề thực tiễn đang đặt ra và được tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả rõ rệt.

Đặc biệt, tại kỳ họp thứ 10, Quốc hội đã tiến hành “chất vấn toàn khóa” đối với những người đứng đầu các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về giám sát chuyên đề, về chất vấn và trả lời chất vấn từ đầu nhiệm kỳ. Như vậy, có thể nói Quốc hội đã theo dõi, giám sát “đến cùng” việc thực hiện nghị quyết Quốc hội, rút ra những bài học cần thiết để tiếp tục hoàn thiện chức năng quan trọng này.

Dù vậy, hoạt động giám sát của Quốc hội vẫn còn không ít hạn chế, bất cập. Trong một số trường hợp, chưa có cơ chế xác định rõ trách nhiệm của các chủ thể liên quan, quy trình xử lý và chế tài phù hợp; giám sát việc thi hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng và thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được thực hiện tốt và kết quả thấp; một số quy định của pháp luật về giám sát như việc cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội, việc bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chưa có điều kiện thực tế để thực hiện...

P.Thảo