Chủ tịch nước, Thủ tướng không làm đơn từ nhiệm sớm

(Dân trí) - Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận, kỳ họp thứ 11 của Quốc hội khoá XIII khai mạc tuần tới, Quốc hội sẽ xem xét kiện toàn bộ máy nhân sự lãnh đạo cấp cao của nhà nước. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các lãnh đạo đương nhiệm chưa có đơn xin từ nhiệm hoặc cơ quan nào đề nghị miễn nhiệm các chức danh…

Tại buổi họp báo công bố dự kiến chương trình kỳ họp thứ 11 – Quốc hội khoá XIII vừa diễn ra, Phó Tổng Thư ký Quốc hội Lê Minh Thông (Phó Chủ nhiệm UB Pháp luật) cho biết, kỳ họp cuối cùng của Quốc hội khoá XIII sẽ khai mạc vào sáng 21/3/2016, theo dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 12/4/2016 với tổng thời lượng 19 ngày làm việc.

Tại kỳ họp này, Quốc hội dự kiến dành 10,5 ngày (từ 31/3 đến 12/4) để xem xét, quyết định công tác nhân sự Nhà nước vì sau Đại hội Đảng XII, nhiều vị trí lãnh đạo chủ chốt của Nhà nước không tái cử Ban Chấp hành Trung ương. Bộ Chính trị cũng đã phân công nhiệm vụ mới đối với một số uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.
Tổng thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc.

Việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước ngay sau Đại hội Đảng được xác định là Bộ Chính trị đã xem xét cẩn trọng cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn với sự thống nhất cao cho rằng việc này cần thực hiện sớm, sắp xếp lại các chức danh lãnh đạo cơ quan nhà nước một cách đồng bộ, đáp ứng kịp thời yêu cầu triển khai tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Bộ Chính trị đề nghị Trung ương cho thực hiện kiện toàn các chức danh lãnh đạo các cơ quan nhà nước tại kỳ họp thứ 11 chốt lại khoá Quốc hội thứ XIII theo quy định của Đảng và pháp luật của nhà nước.

Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc xác nhận việc kiện toàn bộ máy nhân sự nhà nước lần này có xem xét với những chức danh lãnh đạo cấp cao do Quốc hội bầu như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Tuy nhiên, việc giới thiệu các nhân sự này phải chờ đến phần của các cơ quan đó, chưa thể công bố lúc này.

Lý do công tác nhân sự được làm ngay tại kỳ họp này thay vì đến kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới, ông Nguyễn Hạnh Phúc nhắc lại, là do sau Đại hội Đảng lần thứ XII vừa qua, một số vị trí lãnh đạo cấp cao không tái cử Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị. Điều đó có nghĩa các nhân sự này không tiếp tục đảm nhiệm các vị trí công tác hiện tại. Công việc điều hành đất nước không thể gián đoạn mà sau cuộc bầu cử cuối tháng 5 tới đây Quốc hội mới họp kỳ đầu tiên (dự kiến vào tháng 7/2016) nên việc kiện toàn nhân sự sẽ được làm ngay mà không chờ đến tháng 7.

Tổng thư ký Quốc hội cũng thông tin thêm: “Đây không phải là việc làm mới, lần đầu tiên thực hiện mà trước đây Quốc hội đã từng làm. Như tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khoá XI cũng đã thực hiện việc kiện toàn các chức danh lãnh đạo nhà nước vào tháng 6/2006 mà đến tháng 7/2006 mới khai mạc kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá mới”.

Theo nguyên tắc, chỉ Quốc hội mới mới bầu ra Chính phủ mới, vậy nên công tác nhân sự được làm tại kỳ họp này, như xác nhận của ông Hạnh Phúc, chỉ là để kiện toàn cho khoá XIII, còn tại kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khoá XIV, công tác nhân sự vẫn tiếp tục thực hiện để bầu ra bộ máy nhân sự cho khoá XIV. Theo đó, Tổng Thư ký Quốc hội cho biết thêm, những vị trí lãnh đạo yêu cầu phải là đại biểu Quốc hội mà người được giới thiệu ứng cử không phải đại biểu Quốc hội đương nhiệm thì chưa được xem xét, kiện toàn tại thời điểm này.

Với thông tin Trung ương Đảng khoá XII tại Hội nghị lần thứ 2 vừa qua đã thống nhất với đề cử của Bộ chính trị về 3 ứng viên cho vị trí Chủ tịch nước là ông Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội là bà Nguyễn Thị Kim Ngân, Thủ tướng Chính phủ là ông Nguyễn Xuân Phúc, Tổng thư ký Quốc hội không xác nhận. Ông Hạnh Phúc nhấn mạnh, công tác cán bộ là của Đảng, khi có văn bản chính thức Trung ương trình ra Quốc hội mới là danh sách chính thức, “đến giờ vẫn chưa có danh sách này”.

Cũng về quy trình, một vấn đề khác đặt ra là, việc chuyển giao quyền lực lần này là trên cơ sở sự tự nguyện từ nhiệm của những vị trí lãnh đạo không tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khoá mới. Việc được quan tâm là đến thời điểm này đã có nhiều người gửi đơn xin từ nhiệm hoặc cơ quan nào làm tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm lãnh đạo của mình?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc giải thích, theo Điều 10 luật Tổ chức Quốc hội quy định việc các chức danh cần có đơn gửi Quốc hội khi xin từ chức, còn Điều 11 thì quy định nếu cơ quan đề nghị việc miễn nhiệm thì cá nhân người lãnh đạo đơn vị đó không cần có đơn từ nhiệm.

Tổng Thư ký Quốc hội không xác nhận đến thời điểm này có cá nhân hay cơ quan nào đã gửi đơn từ nhiệm hoặc có tờ trình đề nghị Quốc hội miễn nhiệm.

Việc xây dựng chương trình kỳ họp với 10,5 ngày làm việc dành cho công tác nhân sự là trên cơ sở quy trình quy định. Vấn đề phải làm tại kỳ họp này là thực hiện quy trình miễn nhiệm rồi mới đến bổ nhiệm, ông Hạnh Phúc phân tích: “Một lúc làm 2 việc miễn nhiệm và bầu mới vậy nên thời gian dự kiến cho hoạt động này mới dài như vậy”.

Về phạm vi nhân sự được kiện toàn lần này chỉ dừng ở các vị trí đứng đầu nhà nước hay làm luôn tới cấp Bộ và cơ quan ngang bộ, Tổng Thư ký Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, các vị trí lãnh đạo được kiện toàn trước hết là Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Còn sau đó, căn cứ vào đề nghị của Thủ tướng thì Quốc hội mới phê chuẩn bộ máy thành viên Chính phủ. Vậy nên việc có nhiều Bộ trưởng mới được bổ nhiệm kỳ này hay không phụ thuộc vào Thủ tướng mới sẽ được bầu.

P.Thảo