Chủ tịch nước: Phải tìm mọi cách để người dân có việc làm

(Dân trí) - Đó là chỉ đạo của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang tại buổi làm việc với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa sau khi đến thăm, làm việc tại một số địa phương, các mô hình kinh tế và thăm Khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo báo cáo của Tỉnh ủy Thanh Hóa, tăng trưởng kinh tế năm 2013 của tỉnh này đạt 11,2%, cao hơn nhiều mức tăng trưởng của cả nước. Trong năm 2013, có 2.719 doanh nghiệp có lãi (chiếm 62%); thành lập mới 1.056 doanh nghiệp; thu ngân sách đạt 6.354 tỷ đồng; đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 60 dự án (có 4 dự án FDI) với tổng vốn đầu tư hơn 21 nghìn tỷ đồng đưa Thanh Hóa trở thành địa phương đứng thứ hai về thu hút vốn FDI, đứng thứ 6 về chỉ số năng lực hội nhập kinh tế quốc tế…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Khu kinh tế Nghi Sơn.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Khu kinh tế Nghi Sơn.

Bên cạnh đó còn những khó khăn như tình trạng nông dân bỏ ruộng có xu hướng ngày càng tăng; một số dự án công nghiệp tiến độ thực hiện chậm; còn 33% doanh nghiệp thua lỗ, 603 doanh nghiệp ngừng hoạt động; buôn bán ma túy dọc tuyến biên giới vẫn diễn biến phức tạp; tội phạm can dự vào các hoạt động kinh tế, hoạt động tín dụng đen, đòi nợ thuê còn diễn ra; công tác phòng chống tham nhũng, lãng phí kết quả còn hạn chế; quản lý Nhà nước trên một số lĩnh vực còn thiếu chặt chẽ, nhất là quản lý giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, đất đai, khoáng sản, môi trường, giá cả thuốc tân dược…

Bước sang năm 2014, Thanh Hóa đề ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 11,5% trở lên, bình quân GDP đầu người đạt 1.320 USD, giải quyết việc làm cho 61 nghìn lao động… Để thực hiện được những mục tiêu đó, Thanh Hóa đã đề ra 9 nhóm giải pháp.

Đồng thời đề nghị trung ương hỗ trợ nạo vét luồng tàu đảm bảo cho tàu có công suất 50.000 DWT ra vào cảng Nghi Sơn; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng miền núi; hỗ trợ đầu tư các công trình thủy lợi quan trọng như dự án đầu tư hệ thống thủy lợi sông Lèn; các công trình hồ đập xuống cấp; tăng kinh phí xây dựng nông thôn mới; tăng đầu tư cho khoa học công nghệ; sớm có nghị định và thông tư hướng dẫn để thi hành Luật đất đai mới…

Phát biểu tại buổi làm việc của Chủ tịch nước với lãnh đạo chủ chốt tỉnh Thanh Hóa, theo ông Chu Phạm Ngọc Hiển, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Thanh Hóa vẫn đều đều chưa có bước đột phá, thu nhập bình quân đầu người còn thấp hơn bình quân chung của cả nước. Kế hoạch đặt ra trong năm 2014 là 11,5% còn hơi dè dặt, trong khi năm 2013 đã đạt 11,2% và thu ngân sách đặt cũng thấp hơn so với kết quả đã đạt được trong năm 2013…

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang thăm Khu kinh tế Nghi Sơn.
Chủ tịch nước cùng đại diện các Bộ, ngành và lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa nghe báo cáo tại Khu kinh tế Nghi Sơn.

Theo lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa, sở dĩ một số chỉ tiêu đặt ra trong năm 2014 còn hơi dè dặt là do các dự án đang đầu tư chưa cho ra sản phẩm; chủ trương không tăng sản lượng lương thực mà chuyển dịch sang một số cây trồng có giá trị cao. Năm 2013 đạt được mức thu ngân sách cao là do thu nợ cũ dồn vào.

Phát biểu tại buổi làm việc, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã biểu dương những thành tích, nỗ lực của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa đã đạt được trong năm qua. Trong đó nổi trội là lĩnh vực nông nghiệp trong bối cảnh khó khăn chung của kinh tế thế giới.

Thanh Hóa đã phát triển được các vùng cây nguyên liệu lớn như mía, cao su, sắn, tạo cho con đường phát triển nông nghiệp toàn diện của tỉnh này rất sáng. Lĩnh vực công nghiệp cũng có nhiều điểm son, đặc biệt là Khu liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn; thu hút đầu tư được duy trì và phát triển tốt. Đối với phong trào xây dựng nông thôn mới của Thanh Hóa rất khí thế, hồ hợi. Chủ tịch nước nhấn mạnh cần huy động sức dân cùng với sự tài trợ của Nhà nước, làm cho người dân tự giác và để người dân làm chủ.

Chủ tịch nước đề nghị, một mặt vừa lo cho sự phát triển kinh tế, nhưng phải quan tâm đến đời sống văn hóa - là cốt cách của người Việt Nam. Chủ tịch nước đã lưu ý với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần cố gắng giữ được tiến độ Khu kinh tế Nghi Sơn và giao nhiệm vụ cho chính quyền tỉnh Thanh Hóa cần rà soát lại quy hoạch lỗi thời, mở rộng cảng Nghi Sơn.

Đối với vùng ven biển cần tập trung thực hiện chiến lược đánh bắt xa bờ, tạo điều kiện cho ngư dân bám biển dài ngày vừa tạo công ăn việc làm, vừa góp phần bảo vệ tổ quốc. Còn khu vực miền Tây Thanh Hóa cần đẩy mạnh xây dựng công trình giao thông, mở rộng đường xá; nâng cao dân trí; tập trung phát triển kinh tế, hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm…

Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý tỉnh Thanh Hóa trong vấn đề tạo công ăn việc làm cho người lao động.
Chủ tịch nước đặc biệt lưu ý tỉnh Thanh Hóa trong vấn đề tạo công ăn việc làm cho người lao động.

Về vấn đề xây dựng nông thôn mới, Chủ tịch nước yêu cầu Bộ NN-PTNT cần tính toán lại việc phân bổ nguồn vốn 15 nghìn tỉ đồng trong chương trình xây dựng nông thôn mới năm 2014. Theo đó, Bộ NN-PTNT nên bàn bạc với các tỉnh, thành có điều kiện kinh tế, để tập trung hỗ trợ các tỉnh có điều kiện kinh tế khó khăn như Thanh Hóa.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đặc biệt quan tâm và lưu ý với lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa cần tìm cách tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, theo đó, cần phân loại ra xem doanh nghiệp nào có thể tháo gỡ cần phải làm ngay. Khi doanh nghiệp phát triển sẽ tạo ra công ăn việc làm. Chủ tịch nước chỉ đạo cần quan tâm đến công ăn, việc làm, chú trọng xuất khẩu lao động, phải tìm mọi cách để có thêm công ăn việc làm cho người dân.

Duy Tuyên