“Cát tặc” áp giải cả Bí thư huyện uỷ, kiện ngược chính quyền

(Dân trí) - “Chúng tôi có trang bị cho lực lượng của tỉnh một số ca nô nhưng ra đến điểm hút cát, người của chính quyền còn bị cát tặc chở tuốt ra sông luôn, như vụ Bí thư Huyện uỷ Tứ Kỳ, bị kéo đi mười mấy cây số trên sông đó, rất nguy hiểm” – Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương kể.

Chiều 7/3, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp bàn về tình hình khai thác cát trái phép đang làm nóng dư luận hiện nay.

Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp bàn về nạn cát tặc lộng hành hiện nay.
Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình chủ trì cuộc họp bàn về nạn cát tặc lộng hành hiện nay.

Than khó việc xử lý “cát tặc”, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Văn Chánh thanh minh, tỉnh đã ngưng việc cho phép khai thác cát trên hệ thống sông Đồng Nai từ năm 2004 nhưng do nhu cầu xây dựng lớn, khan hiếm cát, dẫn đến trình trạng “hút trộm”, hút chui.

2016, Đồng Nai đã bắt 12 nhóm đối tượng, xử lý 157 vụ khai thác cát trái phép, thu hàng trăm ghe, thuyền. Theo đó, trước đây, trên toàn địa bàn có 10 nhóm “cát tặc”, đến nay chỉ còn 2 nhóm đang hoạt động lén lút.

“Khó khăn là các đối tượng thường hoạt động từ 24h đêm đến 3h sáng, nếu bị phát hiện thì các đối tượng nhấn chìm ghe, thuyền luôn và hành động đối phó của “cát tặc” cũng rất manh động trong khi chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe” – ông Chánh phân trần.

Phó Chủ tịch Đồng Nai cũng thông tin thêm, dù bắt tận tay được 157 vụ hút trộm cát như thế nhưng hầu hết các vụ chỉ có thể xử lý hành chính vì để xử lý hình sự thì phải chứng minh được hành vi vi phạm gây hậu quả nghiêm trọng nhưng cát thì được vận chuyển đi rồi, việc mua bán trái phép ở đâu cũng khó xác định, có bắt được cũng khó truy nguồn gốc cát khai thác ở đâu ra mà xử.

Chia sẻ những bức xúc của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, đại diện tỉnh Hải Dương cũng giải thích, lợi nhuận từ việc khai thác cát quá lớn, mỗi ngày chỉ cần chạy tàu cuốc, máy hút khoảng 30 phút là “cát tặc” có thể gom được ngay vài trăm khối cát.

“Cát tặc manh động, toàn tàu không số, người không giấy tờ. Các lực lượng truy đuổi có ra đến nơi thì cũng toàn người trùng trục đứng đó, không danh tính, không nhân thân, chẳng xử lý được gì. Chúng tôi có trang bị cho lực lượng của tỉnh một số ca nô nhưng ra đến điểm hút cát, người của chính quyền còn bị cát tặc chở tuốt ra sông luôn, như vụ Bí thư Huyện uỷ Tứ Kỳ, bị kéo đi mười mấy cây số trên sông đó, rất nguy hiểm” – Phó Chủ tịch tỉnh Hải Dương than.

Vị đại biểu đại diện tỉnh Khánh Hoà tham dự cuộc họp cũng “cười như mếu” kể trường hợp, vây bắt cát tặc không thành, để các đối tượng kịp đánh chìm tàu khai thác. Thậm chí sau đó họ quay lại “kiện ngược” chính quyền là gây thiệt hại tài sản của dân. Cán bộ dính cảnh “há miệng mắc quai” như thế bởi những kẽ hở, hạn chế trong quy định pháp luật.

“Cát tặc” mà có tên có tuổi, được cấp phép hút cát công khai?

Thượng tướng Lê Quý Vương – Thứ trưởng Bộ Công an bày tỏ sự chia sẻ với những cái khó của các địa phương và cũng đề nghị phải chỉ rõ mặt “cát tặc” để đối phó.

Tướng Vương dẫn báo cáo về số liệu thống kê về những vi phạm của các đơn vị được cấp phép khai thác cát, những đơn vị thực hiện dự án nạo vét luồng lạch kết hợp với tận thu khoáng sản để thấy tài nguyên thất thoát lớn qua cả con đường “chính thống” này. Cụ thể, cả nước có hơn 306 mỏ cát đã cấp cho các doanh nghiệp khai thác, hơn 200 dự án nạo vét kết hợp tận thu khoáng sản được triển khai.

“Tất cả những hoạt động này đều có tên có tuổi, người làm được cấp phép, nhà nước có thu thuế chứ không phải “đạo tặc”, làm trộm làm vụng gì nhưng có nhiều sai phạm đã xảy ra, ví dụ khối lượng nạo vét đáng lẽ chỉ sâu 5 m nhưng thực tế họ cho tàu hút sục xuống tới 15 m, khai thác vượt quá phạm vi luồng lạch nạo vét, đe doạ an toàn đê sông, đê biển… chưa nói tới việc thất thoát tài nguyên” – ông Vương dẫn chứng bằng vụ một doanh nghiệp được Cục đường thuỷ giao nạo vét trên sông Cầu mà dư luận, báo chí đã phản ánh nhiều là có đoạn đơn vị khai thác, sục hút, vét cát chỉ cách bờ có 2,5m, gây sụt lún lớn ven sông, địa phương cuối cùng phải bỏ tiền để khắc phục hậu quả.

“Cát tặc”, theo Thứ trưởng Lê Quý Vương, là hoạt động khai thác trộm diễn ra trên các dòng sông, thậm chí chỉ là đoạn suối nhỏ. Ở nhóm này thì có một biểu hiện đáng quan tâm là hầu hết các vụ bắt giữ phương tiện khai thác cho thấy các nhóm đối tượng hoạt động đằng sau đó đều có “xã hội đen” đứng ra bảo kê. Ông Vương kể, Bộ Công an từng phá một vụ án ở Phú Thọ, bắt nhóm bảo kê còn trang bị đầy súng đạn, vũ khí quân dụng để chuẩn bị đối phó với các lực lượng. Theo dõi để vây bắt những “cát tặc” này, ông Vương xác nhận nhiều khó khăn, vướng mắc đúng như lãnh đạo các tỉnh đã chia sẻ.

“Lực lượng chúng tôi phải lập chuyên án, có khi phải đưa tới hàng trăm cảnh sát cơ động mới làm được 1 vụ vì bắt tội phạm hoạt động trên sông không đơn giản, việc thu giữ phương tiện trên sông đòi hỏi chế độ bảo quản, tạm giữ tài sản… cũng không đơn giản” – tướng Vương cảnh báo, không quản lý chặt chẽ, nguồn tài nguyên quý của đất nước sẽ cạn kiệt, mà thực tế là cát xây dựng bây giờ đã bắt đầu khan hiếm, khó kiếm rồi.

Theo ông Vương, quyết tâm xử lý “cát tặc” thì phải thực hiện nghiêm túc, truy đến tận cùng vấn đề như ai là người cấp phép khai thác, ai chịu trách nhiệm quản lý. Hơn 300 mỏ cát được cấp phép hiện đang hoạt động ra sao, các dự án nạo vét luồng lạch quản lý thế nào, phải rà soát, đánh giá thật kỹ.

“Không được bó tay với cát tặc”

Phó Thủ tướng: Không lý gì để cát tặc tự đánh chìm tàu rồi quay lại kiện cơ quan nhà nước rồi lại phải bồi thường họ.
Phó Thủ tướng: "Không lý gì để cát tặc tự đánh chìm tàu rồi quay lại kiện cơ quan nhà nước rồi lại phải bồi thường họ".

Kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình khái quát, nạn cát tặc để lại nhiều hệ quả nặng nề như làm cạn kiệt tài nguyên, làm sói mòn, ảnh hưởng dòng chảy tự nhiên, gây nguy hiểm cho tính mạng, tài sản của người dân, mất an ninh, gây bức xúc với người dân…

Nguyên nhân khách quan dẫn đến tình trạng này là do diễn biến tội phạm phức tạp, số lượng đối tượng hoạt động lớn, trên địa bàn rộng, hoạt động chuyên nghiệp, tinh vi, thường tổ chức ban đên, ở những địa bàn giáp ranh, có mạng lưới chân rết rộng để cảnh giới nên việc bắt giữ, xử lý còn khó khăn.

Nhưng quan trọng hơn, nguyên nhân chủ quan khiến cát tặc lộng hành là do địa phương buông lỏng quản lý, còn nương tay, thậm chí bao che cho hành vi sai phạm.

“Phải thấy là thực tế, hoạt động hút cát nhiều khi vẫn diễn ra công khai, ban ngày mà không bị xử lý. Có tình trạng cơ quan chức năng địa phương buông lỏng quản lý, thậm chí bao che cho tội phạm nếu không nói là bảo kê. Đằng sau hoạt động của lực lượng này có bóng dáng của tội phạm có tổ chức, “xã hội đen”, có xu hướng tiêu cực từ cơ quan chức năng và chính quyền địa phương. Cần nhìn nhận thực tế này để đánh giá cho đúng tình hình” – Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng giao nhiệm vụ cụ thể cho từng Bộ, ngành thời gian tới để ngăn chặn vấn nạn này, như Bộ Giao thông, Bộ TN-MT rà soát toàn bộ các giấy phép cấp mỏ, các dự án nẹo vét luồng lạch…

“Bộ Công an phải có nhiều chuyên án trinh sát, đi sâu, làm rõ các đường dây “cát tặc” để khi tiến hành phá án có đủ chứng cứ, tài liệu để truy tố, xét xử đối tượng. Bộ Tư pháp cùng hỗ trợ để nghiên cứu vấn đề xử lý hành chính sao cho đủ sức răn đe. Phải làm chặt chẽ để đối tượng không thể quay ngược lại kiện cơ quan chức năng. Quy định thu giữ phương tiện vi phạm ra sao phải chặt chẽ, ví dụ ràng buộc là quá trình đưa phương tiện vi phạm vào bờ, chủ phương tiện vẫn phải chịu trách nhiệm quản lý tài sản của chính mình chứ không lý gì để họ tự đánh chìm tàu rồi quay lại kiện cơ quan nhà nước rồi lại phải bồi thường họ. Phải có hướng xử lý chứ để bó tay là không được” – Phó Thủ tướng lưu ý.

P.Thảo